Chuyến thăm tới Trung Quốc của người quyền lực nhất nước Đức là minh chứng cho thấy “khối lục địa già” Châu Âu đang dần phụ thuộc hơn vào quốc gia tỷ dân. Và việc không một cái bắt tay nào dành cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong suốt chuyến thăm tới Bắc Kinh đã phần nào thể hiện rõ vị thế của đôi bên.
Đầu tháng 11/2022, hai nhà lãnh đạo cấp cao của Đức đã liên tiếp có các chuyến thăm tới khu vực Đông Bắc Á. Trong khi Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc thì Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có chuyến công du tới Trung Quốc. Đi cùng Thủ tướng Scholz là đại diện của nhiều tập đoàn lớn của Đức như hãng thời trang Adidas, ngân hàng Deutsche, tập đoàn chế tạo vaccine BioNTech cùng các tập đoàn ôtô Volkswagen và BMW.
Tuy nhiên, nhiều tờ báo Đức đã rất gay gắt về chuyến thăm của Thủ tướng Scholz, do ông đã bay trong suốt 23 giờ và không một ai bắt tay ông ấy, thậm chí là còn phải giữ khoảng cách và xét nghiệm Covid sau khi xuống máy bay. Tại Đức, nếu tổng thống là một chức vị trên danh nghĩa, thì quyền lực chính trị thực sự lại thuộc về thủ tướng, người đứng đầu chính phủ và thường cũng là lãnh đạo của đảng có sức mạnh lớn nhất tại Nghị viện Liên bang Đức. Do đó dư luận Đức hiện rất bức xúc về thái độ đối đãi có phần lạnh nhạt này của Bắc Kinh dành cho người đứng đầu Berlin.
Lý giải về thái độ không mấy nồng nhiệt kể trên là vì quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước phương Tây đang ngày một xấu đi, Đức trước sức ép của các đồng minh cũng từng tuyên bố sẽ có chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Thêm nữa, là trong mắt Trung Quốc thì Đức cũng như Châu Âu vốn là một đồng minh của Mỹ, nhưng lại đang tìm cách thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, do đó không thể đòi hỏi việc tiếp đón nồng nhiệt từ Bắc Kinh.
Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã trở thành thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Berlin. Trung Quốc là thị trường lớn của hàng hóa Đức, từ máy móc đến xe cộ. Và khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nhiều tập đoàn lớn của Đức như Volskwagen, Mercedes, BMW hay BASF đều đã gia tăng rất mạnh các khoản đầu tư lên tới nhiều tỷ USD cũng như chuyển dịch hoạt động sang Trung Quốc nhằm giảm thiểu thiệt hại từ giá năng lượng quá cao tại châu Âu.
Không chỉ Đức mà cả Châu Âu giờ đây cũng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh lạm phát cao bào mòn sức mua của người tiêu dùng Châu Âu, các doanh nghiệp Châu Âu cần tìm động lực tăng trưởng mới, thì không đâu thích hợp hơn thị trường tỷ dân.Phát biểu tại Hội đồng châu Âu vào tuần trước, ông Scholz cũng khẳng định Liên minh châu Âu chưa từ bỏ quá trình toàn cầu hóa, cũng như chưa có đề xuất nào giữa các nước thành viên về việc chấm dứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Trong buổi gặp gỡ vừa qua, ông Scholz cũng nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông đang tìm cách “phát triển hơn nữa” hợp tác kinh tế giữa hai nước, dù cả hai có “quan điểm khác nhau” trong nhiều vấn đề.
Có thể thấy, thái độ có phần lạnh nhạt của Bắc Kinh cũng là cách Trung Quốc thể hiện chính sách ngoại giao của một nước lớn, ngầm truyền đi thông điệp Châu Âu đang cần tới Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc cần đến Châu Âu. Để qua đó buộc khối này phải cân bằng hơn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thực tế, Việt Nam cũng là nước phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, những nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường này rất quan trọng cho ngành sản xuất trong nước. Nhưng thái độ mà người đứng đầu Chính phủ Bắc Kinh dành cho Việt Nam hoàn toàn khác với Đức. Điều đó cho thấy có một sự cân bằng khéo léo trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam, phụ thuộc chứ không lệ thuộc, chính trị dựa trên sự hợp tác hai bên đều có lợi nên vị thế quốc gia mới đủ tầm nhận được sự tôn trọng của những nước lớn. Đó là bài học mà các nước Châu Âu nên nhìn nhận và sớm có đối sách, khi mà cả khối EU đều đang tuột dốc quá nhiều kể từ sau chiến tranh lạnh.
T.P