Qua 2 ngày làm việc, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, diễn biến gần đây ở Biển Đông, về giá trị của UNCLOS và DOC.
Trong hai ngày 16-17/11, Học viện Ngoại giao tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 với chủ đề “Biển hoà bình – Phục hồi bền vững”.
Với một phiên dẫn đề và 8 phiên làm việc, các đại biểu thảo luận về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, những diễn biến gần đây ở Biển Đông, về giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS
Hội thảo có phiên riêng kỷ niệm 40 năm ký kết UNCLOS 1982 và 20 năm ASEAN – Trung Quốc ký kết Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông.
Tại hội thảo, đa số ý kiến đều khẳng định tầm quan trọng và giá trị phổ quát của UNCLOS với vai trò là bản hiến pháp của đại dương. Sau 40 năm, nhiều vấn đề mới nảy sinh như bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển, biển đối khí hậu, sự phát triển của khoa học kỹ thuật… thách thức vai trò của UNCLOS. Tuy nhiên, các học giả cho rằng, thách thức mới hoàn toàn có thể được giải quyết trong khuôn khổ pháp lý của UNCLOS và những hiệp định thực thi. Các phán quyết của cơ quan tài phán cũng góp phần làm sáng tỏ cách giải thích và thực thi luật quốc tế.
Đánh giá về giá trị của Tuyên bố DOC, nhiều học giả khẳng định, DOC là thành tựu quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, cho thấy các bên có thể hợp tác để tìm kiếm tương đồng vì mục đích chung, dù vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt. Việc đạt được tuyên bố DOC có ý nghĩa khởi đầu cho những nỗ lực chung thúc đẩy hợp tác tại khu vực, là cơ sở cho quá trình tham vấn về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai.
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở thành khu vực quan trọng
Nhiều diễn giả khẳng định khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng ngày càng trở thành mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Ấn Độ… hay các tổ chức như Liên minh châu Âu, chủ động đưa ra các chiến lược riêng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cam kết ngày càng tăng cường can dự tại khu vực.
Trong Phiên dẫn đề đặc biệt sáng 16/11, theo Chuẩn Đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn quân sự cao cấp của Cơ quan đối ngoại EU, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực quan trọng đối với Liên minh EU về kinh tế, thương mại, tự do hàng hải và hàng không. EU phản đối các động đơn phương, cần bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, cam kết giữ an ninh, xây dựng trật tự luật lệ trên biển, trong đó UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và đại dương.
EU ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, kiến trúc khu vực dựa trên luật lệ, chủ nghĩa đa phương, an ninh thông qua ARF, xây dựng COC ràng buộc pháp lý và bảo đảm lợi ích của bên thứ ba. Ông cũng cho biết thời gian tới, EU sẽ triển khai sáng kiến “hiện diện tích hợp” trên biển tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Quốc Vụ Khanh Anne-Marie Trevelyan (Anh) đánh giá khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có vai trò quan trọng với Anh về kinh tế, cần thượng tôn luật pháp quốc tế và chuẩn mực về thương mại tự do, an ninh và ổn định. Trong đó, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu bảo vệ, hoà bình, thịnh vượng toàn cầu.
Anh công nhận vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là đối tác đối thoại mới nhất, ủng hộ các nỗ lực đảm bảo an ninh biển và nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu. Anh đẩy mạnh hợp tác an ninh biển thông qua chương trình toàn diện nhằm tăng cường sự tự cường ở khu vực, để thúc đẩy một Biển Đông vững mạnh, ổn định.
Các diễn giả và đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về xu hướng liên kết tiểu đa phương và đa phương, trong đó gồm các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.