Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNancy Pelosi không rơi vào quên lãng

Nancy Pelosi không rơi vào quên lãng

Một lần nữa, cái tên Nancy Pelosi lại khuấy động dư luận. Chỉ có điều, thay vì đi liền những động thái cứng rắn trong tư cách người giữ vị trí quyền lực thứ hai ở nước Mỹ, lần này, nó gắn với việc bà sẽ xa rời vị trí chủ tịch Hạ viện.

Bà Pelosi xé bản in bài diễn văn của ông Trump ngày 4/2/2020.

Nữ nghị sĩ 82 tuổi từ California đã đưa ra thông báo này trong bài phát biểu tại Hạ viện, sau khi đảng Dân chủ để mất quyền kiểm soát tại cơ quan lập pháp này vào tay đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua. Nói cách khác, hành động “thoái vị” của bà, suy cho cùng là “gặp thời thế thế thời phải thế” của đảng Dân chủ. Sau tuyên bố trên, đảng Dân chủ cũng đã khẩn trương làm nhân sự; nếu không có gì thay đổi, Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries sẽ trở thành người kế nhiệm bà Pelosi đảm trách vị trí dẫn đầu đảng Dân chủ trong Hạ viện.

Những tràng vỗ tay vang dội các nghị sĩ Dân chủ dành cho bà Pelosi đã nói lên thật nhiều điều.

Trước hết, đó là sự tri ân của các đảng viên về sự nghiệp chính trị lẫy lừng mà bà Pelosi đã đạt được, trong đó, có tới hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hạ viện, vị trí quyền lực thứ hai trong hệ thống chính trị Mỹ. 20 năm là nghị sĩ đảng Dân chủ cùng 2 nhiệm kỳ đứng đầu nhánh lập pháp, tên tuổi của bà Pelosi gắn với dẫn dắt thông qua những dự luật mang tính bước ngoặt, trong đó có dự luật Chăm sóc y tế với chi phí phải chăng năm 2010 (còn gọi là “Obamacare”); dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD; dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỉ USD; và 2 cuộc luận tội tổng thống Trump vào năm 2020.

Chính sự quyết liệt đó, bà bị những người ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tức giận. Tới mức, ngày 6/1/2020, trong cuộc bạo lực tràn vào đồi Capitol – nơi có trụ sở quốc hội Mỹ, những người này đã phẫn nộ la ó đến mức rúng động thế giới: “Chúng tôi muốn bắt Nancy”.

Nào đã hết, gần 2 năm sau, trước cuộc bầu cử giữa kỳ, những kẻ thâm thù còn đột nhập nhà riêng bà ở San Francisco vào ngày 28/10, dùng búa tấn công ông Paul Pelosi – chồng của nữ chính trị gia.

Đấy mới là Pelosi trong đối nội. Trong đối ngoại, dấu ấn Pelosi thậm chí còn sâu đậm hơn. Không quản “thân gái dặm trường” hay “tuổi cao sức yếu”, bà từng hiện diện tại các điểm nóng của thế giới, như Iraq, Afghanistan, và cả Ukraina một cách bất ngờ và bí mật vào tháng 5/2022.

Tuy nhiên, đặc biệt và đậm nét nhất là chuyến công du tới Đài Loan tháng 8/2022.

Động đến Đài Loan là động đến vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung – Mỹ. Những thông tin úp mở trước chuyến thăm hòn đảo này từng khiến Trung Quốc nổi giận và cảnh báo với những lời lẽ đanh thép nhất. “Lằn ranh đỏ” là ngôn từ phát ra từ chính nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm trực tiếp với ông Biden khi nói về chuyến thăm dự kiến Đài Loan của bà Pelosi. Là người không hào hứng với chuyến thăm đầy mạo hiểm trong tình thế căng thẳng Mỹ – Trung đang nấc cao trào, nhưng ông chủ Nhà trắng cũng bất lực, chẳng thể can thiệp…

Chuyến thăm Đài Loan đã vẫn diễn ra như cộng đồng quốc tế chứng kiến. Cái nắm tay của bà Pelosi với bà Thái Anh Văn chứng tỏ rằng, những biệt danh “người đàn bà thép”, “cường nhân đồi Capitol” dành cho bà Pelosi là hoàn toàn chính đáng. Nó cũng cho thấy, với một người từng đối đầu với những người đàn ông quyền lực nhất thế giới, như các tổng thống George W. Bush và Donald Trump; cũng là người từng xé toạc bản in bài diễn văn “Thông điệp Liên bang” cuối cùng của ông Trump, thì ông Tập Cận Bình cùng những lời đe dọa người đàn ông này tung ra “chưa là cái đinh” gì.

Thế nên, cho dù coi như giã từ chính trường đầy khắc nghiệt của một cường quốc, với nhiều người, tên tuổi, bóng dáng của bà Pelosi sẽ vẫn sừng sững, còn lâu mới đi vào quên lãng. Chẳng thế mà Tổng thống Biden đã gọi bà Pelosi là “chủ tịch Hạ viện để lại nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử của chúng ta”.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới