Friday, November 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ: Tín hiệu lạc quan từ gói hỗ trợ mới cho ngành...

TQ: Tín hiệu lạc quan từ gói hỗ trợ mới cho ngành bất động sản

Các nhà phân tích vẫn đang chia rẽ về việc các động thái mới đây của chính phủ Trung Quốc có phải một bước ngoặt hay chỉ là hỗ trợ ngắn hạn cho thị trường bất động sản tại quốc gia tỷ dân.

Một người phụ nữ đi ngang qua dự án phát triển nhà ở chưa hoàn thiện của Evergrande.

Chen Jian, 35 tuổi, là một trong số những người bị ‘mắc kẹt’ trong cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc. Ông mua một căn hộ vào năm 2020, nhưng nhà phát triển địa ốc phụ trách dự án này đã phá sản, khiến ông và gia đình mình không thể chuyển tới ở vì căn hộ vẫn chưa hoàn thiện.

Lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc chìm trong khó khăn suốt hơn 1 năm qua với nhiều công trình xây dựng trì trệ sau khi các nhà phát triển địa ốc cạn tiền. Và gói hỗ trợ của chính phủ được công bố cuối tuần trước đã tạo nên đôi chút sự lạc quan cho những thành viên tham gia thị trường.

“Tôi hy vọng rằng những chính sách mới có thể trở thành giải pháp cho chúng tôi,” ông Chen nói.

Gói giải pháp mới, bao gồm 16 điểm, được ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc công bố, yêu cầu các ngân hàng kéo dài kỳ đáo hạn đối với các khoản vay bất động sản, tạo thêm thời gian để các công ty địa ốc hoàn thành các dự án đang dang dở.

Thêm nữa, các ngân hàng được khuyến khích trao thêm thời gian cho những người mua nhà để họ có thể trả nợ thế chấp. Ở Trung Quốc – nơi mà các căn hộ thường được mua từ trước khi hoàn thiện – cuộc khủng hoảng bất động sản đã dẫn tới làn sóng tẩy chay trả nợ thế chấp ngân hàng hồi tháng 7/2022.

Mặc dù chưa hẳn là một gói giải cứu, nhưng biện pháp mới của chính phủ – được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đang chững lại do những hạn chế bởi chính sách zero-CVID – đã tạo được những hiệu ứng tích cực.

“Tôi cho rằng đây là điểm bước ngoặt đối với thị trường,” Michelle Lam, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Société Générale, nói và mô tả rằng các biện pháp này là “gói giải cứu nhà ở.”

“Chúng ta có thể kỳ vọng vào sức bật trở lại trong doanh số bán nhà và các khoản đầu tư, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối của năm tới”, bà nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Tao Wang, chuyên gia kinh tế trưởng của UBS, cũng đồng tình với quan điểm trên. “Các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một nước đi quyết liệt hơn trong việc nới lỏng tài chính đối với lĩnh vực bất động sản. Động thái mới nhất đã tái khẳng định quan điểm của chúng tôi rằng doanh số bán bất động sản có thể bình ổn trong một vài tháng tới”, Tao Wang cho biết.

“Chúng tôi cho rằng bất động sản sẽ ít tác động tiêu cực tới tăng trưởng GDP trong năm 2023 của Trung Quốc”, bà nói thêm.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, bùng phát từ tháng 9 năm ngoái khi tập đoàn Evergrande vỡ nợ đối với khoản nợ quốc tế, đã gây ra tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này.

Bà Wang nhấn mạnh rằng doanh số bất động sản trong tháng 10/2022 đã giảm 23% so cùng kỳ năm ngoái, trong khi các thương vụ mua đất của các hãng địa ốc cũng giảm hơn một nửa. GDP tăng 3,9% trong quý 3, nhưng vẫn thấp so với mục tiêu 5,5% đặt ra.

Richard Xu, chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley, nói rằng thông báo mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) chỉ đơn giản là đặt ra những điều khoản chính thức mà các ngân hàng vốn đã được chỉ đạo thực hiện. Biện pháp trên có thể kéo dài thêm thời gian, ông nói, nhưng không hẳn sẽ giúp lĩnh vực bất động sản hồi phục.

Kể từ bất ổn lĩnh vực bất động sản trong năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng nhà ở là “để ở” chứ không phải để đầu cơ. Chính quyền các địa phương, vốn phải dựa vào việc bán đất cho các nhà phát triển bất động sản để có tiền chi tiêu, vẫn đang chịu sức ép lớn.

Chi tiêu tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. Doanh số bán lẻ đã ở mức tăng trưởng âm trong tháng 10, so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu dùng ở Trung Quốc luôn có liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực nhà ở – xét cả về lòng tin, hay việc mua các trang thiết bị và vật dụng khác cho ngôi nhà mới. Iris Pang, trưởng kinh tế gia đến từ ING, nói rằng doanh số bán lẻ liên quan tới việc chuyển nhà mới – như mua đồ điện tử gia dụng, đồ trang trí, đồ gỗ… – đã thu hẹp 14,1%, 8,7% và 6,6% theo thứ tự, trong tháng vừa qua.

“Tôi cho rằng niềm tin của hộ gia đình dần dần sẽ hồi phục”, vị chuyên gia của Société Générale dự báo.

Tuy nhiên, sự bất trắc vẫn tiếp tục ám ảnh những người mua nhà tiềm năng. Một phụ nữ tên Sun, 30 tuổi, cho hay bà đã ấp ủ kế hoạch mua một căn hộ chung cư trong suốt 2 năm vừa qua, nhưng lại thôi vì cảm thấy thị trường đang ngày càng trở nên bất ổn.

Bà cho rằng các biện pháp mới của chính phủ đang hỗ trợ cho việc phát triển các căn hộ chung cư mới, thay vì tác động tới các căn hộ hiện hữu.

“Nền kinh tế vẫn chưa chạm đáy, và tôi cảm thấy rằng điều đó sẽ tới vào quý 2 năm sau. Tôi sẽ chờ đợi cho đến lúc đó”, bà này nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới