Chính quyền Trung Quốc vẫn có sức mạnh đáng kể trên thị trường. Sau vụ sụt giảm tới 7% của chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Composite) vào ngày 4/1, chính quyền nước này đã cố gắng đảo ngược mức giảm tiếp 3% vào ngày hôm sau (5/1).
Một công nhân nhập cư tại Ga đường sắt phía Tây ở Bắc Kinh. (Ảnh: Guang Niu/Getty Images)
Vì vậy, trong ngắn hạn thì tất cả đều ổn. Tuy nhiên, về lâu dài và thậm chí ngay trong năm 2016, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, Ngân hàng Bank of America, một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ nhận định.
Theo các nhà phân tích, chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức cùng một lúc và cuối cùng sẽ thất bại trước các lực lượng thị trường.
Theo một báo cáo của giám đốc chiến lược của Bank of America, David Cui, “Chúng tôi đánh giá rằng tình hình nợ của Trung Quốc đã ở trong tình trạng không thể vãn hồi và họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này.“
(Google Finance)
Báo cáo chỉ ra rằng một sự tăng vọt trong khu vực nợ tư nhân hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính. Tỷ lệ nợ tư nhân của Trung Quốc so với GDP tăng 75% từ năm 2009 đến năm 2014. Điều này dẫn đến tổng nợ so với GDP tăng khoảng 300%. Con số này quá lớn để có thể duy trì sự ổn định của nền kinh tế.
Các nhà phân tích phương Tây thường chỉ ra rằng Trung Quốc có thể xử lý vấn đề này và rằng chủ nghĩa tư bản nhà nước tại Trung Quốc có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng.
Ông Cui cho thấy giả định này là sai ngay từ đầu. Trung Quốc đã trải qua tất cả các loại khủng hoảng nợ khác nhau (như đồng tiền mất giá, siêu lạm phát, hay tái cấp vốn ngân hàng) kể từ khi chính quyền nước này tiến hành cải cách và mở cửa nền kinh tế bắt đầu vào năm 1978.
(Bank of America)
“Các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đạt khoảng 40% vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, và chính phủ đã phải lấy đi 20% GDP để bù đắp cho khoản nợ xấu này của hệ thống ngân hàng từ năm 1999 đến năm 2005,” ông Cui viết.
(Bank of America)
Theo ông, giả định của các nhà đầu tư về kinh tế Trung Quốc sẽ bị thử thách nghiêm trọng trong năm 2016. Các giả định như sau:
- GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh
- Đồng Nhân dân tệ sẽ tăng giá so với đồng Đô la Mỹ
- Chính quyền Trung Quốc sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán
- Không có công ty lớn vỡ nợ
- Chính quyền Trung Quốc sẽ vực dậy thị trường bất động sản
Năm 2016, hầu hết các giả định này không còn đúng nữa. Hơn nữa, những người tham gia thị trường và chính quyền Trung Quốc đã khiến cho vấn đề nợ xấu trở nên tồi tệ hơn do tin tưởng vào những giả định này.
Đây là “trường hợp điển hình khi sự ổn định ngắn hạn sinh ra bất ổn dài hạn. Theo đánh giá của chúng tôi, vấn đề này càng để lâu, thì nguy cơ gây mất ổn định cho hệ thống tài chính càng lớn, và sự đổ vỡ cuối cùng sẽ càng thê thảm,” ông Cui viết.
Đối với cuộc khủng hoảng sắp tới, ông Cui tin rằng Trung Quốc rất có khả năng phải phá giá đồng tiền, xoá nợ xấu, tái cơ cấu vốn các ngân hàng, và giảm bớt gánh nặng nợ với lạm phát cao.
Và ngay cả khi chính quyền nước này vẫn muốn thực hiện 5 giả định đó, thì cũng không khả thi, vì chúng đôi khi mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, không thể giữ mức tăng trưởng sau đổ vỡ bằng cách in tiền mà không khiến đồng tiền mất giá.
Vì vậy, sau các sự kiện của tháng 8 năm ngoái và sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế, thì chính quyền nước này đã hoàn toàn từ bỏ mục tiêu ổn định tiền tệ và đã để đồng tiền nước mình mất giá.
Một điểm quan trọng mà ông Cui không đề cập đến đó là cải cách. Chính quyền Trung Quốc hứa hẹn cải cách và thậm chí theo đuổi điều đó trong một số trường hợp. Nhưng khi không còn lựa chọn nào khác, chính quyền Trung Quốc lại sử dụng biện pháp kế hoạch hóa tập trung để cưỡng ép thị trường, nhưng khả năng thành công ngày càng ít đi.
“Dường như chúng ta biết rằng các lựa chọn chính sách của chính phủ Trung Quốc đang bị thu hẹp nhanh chóng – chỉ cần nhìn vào khó khăn mà chính phủ nước này đang gặp phải trong việc duy trì tỷ lệ tăng trưởng GDP kể từ giữa năm 2014. Sự suy giảm về tăng trưởng kinh tế thường là khúc dạo đầu cho sự bất ổn định của khu vực tài chính,” ông Cui viết và ông tiên đoán, chỉ số Shanghai Composite sẽ giảm khoảng 27% trong năm 2016.