Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChâu Âu tố Mỹ bán khí đốt giá 'cắt cổ', Mỹ công...

Châu Âu tố Mỹ bán khí đốt giá ‘cắt cổ’, Mỹ công bố thông tin gây bất ngờ

Châu Âu đang chịu áp lực rất lớn trong việc hạn chế giá khí đốt tự nhiên nhập khẩu để kiềm chế chi phí năng lượng, vấn đề đang gây căng thẳng xã hội ở lục địa già giữa bối cảnh lạm phát tăng cao.

Bồn chứa khí hóa lỏng LNG của Hãng Cheniere (Mỹ).

Theo báo Politico, nhiều công ty đang kiếm bộn tiền nhờ bán khí đốt của Mỹ cho châu Âu. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngay khi được chất lên các tàu chở dầu tại các cảng của Mỹ, giá đã nâng cao hơn gần 4 lần.

Theo Tập đoàn năng lượng Cheniere Energy – nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, phần lớn việc buôn bán thương mại nằm trong tay các thương gia châu Âu.

“90% sản phẩm chúng tôi sản xuất được bán cho bên thứ ba. Hầu hết khách hàng của chúng tôi là các nhà cung cấp năng lượng lớn của châu Âu như Enels, Endesas, Naturgys, Centricas và Engies” – ông Corey Grindal, phó chủ tịch điều hành phụ trách thương mại toàn cầu của Cheniere Energy, cho biết.

Năm nay, Cheniere Energy đã xuất khẩu ​​70% lượng LNG xuất khẩu của tập đoàn này đến châu Âu. Họ bán khí đốt theo chương trình giá cố định dựa trên giá chuẩn của Mỹ, được gọi là Henry Hub.

Hiện nay, giá bán LNG ở mức khoảng 6 USD/1 triệu đơn vị nhiệt của Anh. Trung bình, giá trên tất cả các hợp đồng của Cheniere là 115% của Henry Hub cộng với 3 USD, ông Grindal cho biết.

Với giá trên, LNG được Cheniere bán ra có giá khoảng 33 euro/megawatt giờ (MWh). Trong khi tỉ lệ giá chuẩn hiện tại của EU (TTF) là 119 euro/MWh.

Tuy nhiên theo Politico, sự khác biệt giữa giá khí đốt của Mỹ và EU đã không được các chính trị gia châu Âu chú ý. Hầu hết các chỉ trích đều nhắm vào các nhà sản xuất Mỹ hơn là nhìn lại các đại lý gần nhà.

“Trong số các quốc gia hỗ trợ Ukraine, có hai loại được tạo ra trên thị trường khí đốt: Những người đang trả giá đắt và những người đang bán với giá rất cao”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với một nhóm các nhà công nghiệp vào tuần trước.

Ông Macron nhấn mạnh: “Mỹ là nhà sản xuất khí đốt giá rẻ mà họ lại đang bán cho chúng tôi với giá cao. Tôi không nghĩ điều đó là thân thiện”.

Về việc này, báo Politico bình luận dường như tổng thống Pháp quên rằng người nắm giữ lớn nhất các hợp đồng khí đốt dài hạn của Mỹ, không ai khác chính là Total Energies của Pháp.

Vào tháng trước, giám đốc tài chính của Total Energies, ông Jean-Pierre Sbraire, đã tuyên bố việc công ty tiếp cận hơn 10 triệu tấn LNG của Mỹ hằng năm “là một lợi thế rất lớn cho các thương nhân của chúng tôi, những người có thể kinh doanh chênh lệch giá giữa Mỹ và châu Âu”.

“Đây là cơ hội đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho công ty” – ông Sbraire nói thêm.

Trong khi đó, Công ty Naturgy của Tây Ban Nha nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn LNG của Mỹ mỗi năm từ Cheniere theo hợp đồng. Công ty này cũng kiếm được doanh thu nhiều hơn gần 5 lần trong năm 2022 so với năm 2021, nhờ “sự chênh lệch gia tăng giữa giá của Henry Hub và TTF”, Naturgy viết trong báo cáo nửa năm 2022.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới