Trung Quốc có kế hoạch xây dựng căn cứ đầu tiên trên Mặt trăng trước năm 2028, sau đó đưa các phi hành gia lên căn cứ trong những năm tiếp theo.
Trung Quốc muốn xây xong căn cứ trên Mặt trăng trong vòng 6 năm. Ảnh: ROSCOSMOS
Caixin đưa tin, căn cứ trên Mặt trăng của Trung Quốc có thể sẽ được duy trì bằng năng lượng hạt nhân. Cấu hình cơ bản của căn cứ sẽ bao gồm tàu đổ bộ, tàu quỹ đạo và tàu thám hiểm… và tất cả đều do các sứ mệnh Thường Nga (Chang’e) 6, 7 và 8 thực hiện.
“Các phi hành gia của chúng tôi có thể sẽ lên Mặt trăng trong vòng 10 năm nữa” – nhà thiết kế chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc Wu Weiran chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước CCTV trong tuần này.
Ông nói rằng, năng lượng hạt nhân có thể giải quyết nhu cầu năng lượng lâu dài và công suất cao của căn cứ Mặt trăng.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc thúc đẩy tham vọng vũ trụ, gửi các tàu thăm dò lên Mặt trăng, xây dựng trạm vũ trụ của riêng nước này và khám phá sao Hỏa.
Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) có tàu thám hiểm trên hành tinh đỏ và đang tìm cách lần đầu đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng trong thập kỷ này sau khi chương trình Apollo kết thúc vào những năm 1970.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang chi hàng tỉ USD để không chỉ đưa con người lên Mặt trăng mà còn để tiếp cận các nguồn tài nguyên có thể nuôi dưỡng sự sống trên bề mặt Mặt trăng hoặc đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa.
Vào năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đáp tàu thám hiểm xuống nửa tối của Mặt trăng và đã mang về Trái đất các mẫu vật Mặt trăng đầu tiên của nước này.
Căn cứ Mặt trăng của Trung Quốc được dự định làm tiền đồn đầu tiên trên cực nam của Mặt trăng. Đây là khu vực các nhà khoa học cho là nơi tốt nhất để tìm nước trên Mặt trăng. NASA cũng đang nhắm mục tiêu vào khu vực này của Mặt trăng.
Theo Bloomberg, Trung Quốc có mục tiêu cuối cùng là mở rộng căn cứ Mặt trăng thành một trạm nghiên cứu quốc tế.
T.P