Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhông có liên minh vĩnh viễn. Cũng chẳng có kẻ thù vĩnh...

Không có liên minh vĩnh viễn. Cũng chẳng có kẻ thù vĩnh cửu

Thủ tướng Anh Lord Palmerston (thế kỷ 19) từng nói trước Nghị viện: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn và chúng ta cũng chẳng có kẻ thù vĩnh cửu. Chỉ có lợi ích là trường tồn và bất diệt, cái mà chúng ta có nghĩa vụ phải đi theo là những lợi ích đó”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali (Indonesia) giữa tháng 11 vừa qua cho thấy các liên minh, hiệp ước và đối trọng ngoại giao của thế giới chúng ta mong manh và liên tục thay đổi như thế nào. Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn xoa dịu những căng thẳng đang gia tăng trong quan hệ Mỹ – Trung, nhưng thực tế lại có vẻ như ông ấy cần đến nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hơn là để ông Tập cần đến ông ấy.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau, từ lâu luôn được coi là người biện hộ cho ông Tập, cuối cùng lại bị ông Tập hắt hủi tại Bali; điều này có thể đã đặt dấu chấm hết cho tuần trăng mật giữa Ottawa và Bắc Kinh. Toàn bộ các vấn đề về quan hệ quốc tế đang được định hình bởi thái độ của các bên hơn là bởi “tiêu đề” của các hiệp ước và liên minh.

[Nhà ngoại giao, tác gia, triết gia và nhà sử học người Ý thời kỳ Phục hưng] Niccolò Machiavelli từng nói rằng một âm mưu (kế hoạch bí mật) chỉ an toàn nếu nó được chia sẻ bởi không quá hai người, với điều kiện là một trong số họ đã chết.

Chúng ta đang thấy được điều tương tự ở các hiệp ước và liên minh: về bản chất, chúng mong manh, tạm thời, không an toàn và luôn là cuộc tranh giành lợi ích. Chúng là những sinh vật sống phản ánh bản sắc văn hóa và địa chính trị của các bên ký kết; ngoài ra, chúng có tuổi thọ hữu hạn.

Theo định nghĩa, các hiệp ước và liên minh là để giải quyết những thách thức chung trong trước mắt và trong tương lai gần của nhiều hơn một quốc gia hay dân tộc. Chúng được thiết kế để đạt được các mục tiêu chung cụ thể, thường là ngăn chặn các mối đe dọa; hoặc chấm dứt hay giảm bớt sự cạnh tranh giữa các bên đối lập.

Ngay cả các hiệp ước rộng lớn – chẳng hạn như Liên hiệp Amphictyony của Delphi [ở Hy Lạp cổ] thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, Hội Quốc Liên (League of Nations) ở khoảng thời gian giữa hai cuộc Thế chiến, cũng như Liên Hợp Quốc nửa sau thế kỷ 20 – đều là công cụ tạm thời nhằm hạn chế xung đột quân sự. Dù thế nào, chúng ta cũng coi chúng là những cột mốc cho sự tiến bộ của nhân loại.

Khi thế giới thay đổi, các cấu trúc liên minh và hiệp ước, cùng với nhu cầu về chúng, cũng thay đổi.

Thủ tướng Anh Lord Palmerston (thế kỷ 19) từng nói trước Nghị viện: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn và chúng ta cũng chẳng có kẻ thù vĩnh cửu. Chỉ có lợi ích là trường tồn và bất diệt, cái mà chúng ta có nghĩa vụ phải đi theo là những lợi ích đó”.

Thế giới vẫn luôn thay đổi và sẽ thay đổi thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong những thập kỷ tới, mặc dù lợi ích vẫn là “trường tồn và bất diệt”.

Sự biến chuyển của các liên minh
Rõ ràng là khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1990-1991, Tổ chức Hiệp ước Warsaw (WTO) do Liên Xô lãnh đạo đã sụp đổ. Với sự biến mất của đối thủ, thì sự sống sót của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có vẻ như không còn cần thiết.

NATO vẫn tồn tại về mặt kỹ thuật, nhưng mất dần tính gắn kết, hiệu quả và mục đích vì khối này thiếu thách thức chung. NATO đã hoàn thành nhiệm vụ cung cấp bức tường thành địa chiến lược để phương Tây chống lại Liên Xô; nhưng sau chiến thắng, NATO đã không giải thể, cũng không được định hướng lại.

Những năm sau Chiến tranh Lạnh đã chứng minh một sự thật luôn đúng rằng, các xã hội có nguy cơ đi vào quên lãng khi họ cho phép họ được định nghĩa không phải bởi các giá trị của chính họ mà bởi thanh thế của đối thủ.

Ví dụ, có phải Mỹ đã bị định nghĩa bởi một nhóm nhỏ các phần tử cực đoan al-Qaeda với cuộc tấn công khủng bố ngày 11/09/2001, khiến cả đất nước xấu hổ?

Nhìn lại, “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” sau đó được đánh giá là một phản ứng phi logic đối với cái gọi là mối đe dọa chiến thuật. Nó dẫn Washington vào một loạt các liên đới – lôi kéo đồng minh và tạo ra kẻ thù; cuối cùng đưa Mỹ vào một vị thế chiến lược bất lợi. Hoa Kỳ đã khiến các đồng minh của họ đi theo họ bằng nhiều chính sách tự hủy hoại, khiến các đồng minh đó phải dè chừng Mỹ.

Vì vậy, các liên minh cũ vẫn tồn tại: NATO, Úc – New Zealand – Mỹ (ANZUS), v.v.; nhưng bản chất và tính liên quan của chúng đã thay đổi khi địa chính trị thay đổi. Ngay cả những liên minh được hình thành gần đây để đối phó với các mối đe dọa mới nổi, chẳng hạn như bộ tứ QUAD (Nhật Bản – Ấn Độ – Úc – Mỹ), đang trải qua sự thay đổi gần như hàng ngày. Khối Á – Âu mới hình thành vào năm 2022 từ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – hiệp ước ‘đối chọi’ với QUAD – cũng vậy.

QUAD đã được chứng minh là ‘sớm nở tối tàn’. Nó được khởi động vào năm 2007 và kéo dài đến năm 2008, sau đó hồi sinh vào năm 2017 và tiếp tục cho đến ngày nay; nhưng rất dễ thấy là nó tương đối mong manh. Niềm tin của Ấn Độ dành cho Mỹ, với tư cách là đối tác chính, đã bị lung lay bởi việc Washington dường như mất khả năng kiểm soát chiến lược khi rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan một cách hỗn loạn vào tháng 08/2021.

Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp phòng thủ mạnh mẽ để chống lại kẻ thù chung của QUAD là Trung Quốc, bao gồm khả năng kìm hãm các lực lượng Trung Quốc trên cao nguyên Tây Tạng (nằm giữa Trung Quốc đại lục và tiểu lục địa Ấn Độ) trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Tuy nhiên, Ấn Độ luôn nghi ngờ về việc Mỹ đủ quyết tâm thực hiện phần việc của họ trong nhiệm vụ chung là chống lại Trung Quốc. Sau này, tại hội nghị thượng đỉnh QUAD ngày 24/05/2022 tại Tokyo (Nhật Bản), ông Biden đã cố gắng thúc đẩy QUAD đưa ra tuyên bố chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Nga. New Delhi coi đây là một cái gì đó nằm ngoài nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc và đã lên tiếng phản đối. Rốt cuộc, Nga rất quan trọng đối với Ấn Độ trên vùng đất rộng lớn Á – Âu, đặc biệt với tư cách là nhà cung cấp năng lượng và vũ khí.

Sau đó, tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày 15-16/09 ở Samarkand (Uzbekistan), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Modi đồng ý với Tập về việc giảm căng thẳng trên cao nguyên Tây Tạng.

Động thái này giúp giảm nhẹ một mối đe dọa lớn ở khu vực biên giới phía tây nam Trung Quốc, cho phép ông Tập Cận Bình tập trung vào gia tăng áp lực lên Đài Loan.

Từ đó, chúng ta có thể thấy, các liên minh lớn đang sụp đổ.

Ở phương Tây, NATO dường như đã sẵn sàng trở lại với vai trò của khối này khi vào tháng 2, Nga tấn công Ukraine. Tuy vậy, khía cạnh quân sự của NATO đã không được khôi phục.

Từ cuối những năm 1980, NATO đã trở thành một liên minh chính trị lỏng lẻo và thiếu gắn kết quân sự. Năm 2022, NATO và từng quốc gia thành viên đã cho thấy họ không có khả năng hiểu rằng chiến tranh hiện đại đã phát triển vượt bậc so với các phương thức “chiến tranh tổng lực” của Napoleon, vốn thịnh hành khoảng năm 1800.

Sự biến đổi trong bản chất chiến tranh đã được thể hiện rất chi tiết trong tác phẩm vĩ đại “Tomorrow’s War” (tạm dịch: Cuộc chiến trong tương lai) năm 1938 của nhà triết học chiến lược Tiến sĩ Stefan T. Possony, cũng như trong cuốn sách năm 2022 “The New Total War of the 21st Century and the Trigger of the Fear Pandemic” (tạm dịch: Cuộc chiến tổng lực mới của thế kỷ 21 và điểm khởi phát của Đại dịch sợ hãi) của tôi [ông ​​Gregory Copley – tác giả bài viết này]. Chiến tranh hiện nay là một dạng mới của chiến tranh tổng lực, trong đó hoạt động quân sự mang tính sát thương truyền thống là rất nguy hiểm và gây ra hậu quả khó lường.

Do vậy, các liên minh quân sự sẽ thất bại nếu họ không chuẩn bị đủ tốt cho chiến tranh trước khi hành động quân sự thực sự diễn ra. Đó là khi đối thủ của các liên minh này làm theo lời dạy của Tôn Tử: Bách chiến bách thắng không hẳn là tài giỏi. Không đánh mà thắng mới là thượng sách.

Ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vị thế của Mỹ đã thay đổi đến mức nước này không còn là nền tảng của mọi liên minh chống lại Trung Quốc, mặc dù Washington vẫn là nhân tố quan trọng nhất.

Một loạt các thỏa thuận song phương mới đã xuất hiện trong đó Mỹ rõ ràng có tham gia, nhưng các cường quốc khu vực nhỏ hơn đã nổi lên và cho thấy tính đa cực ngày càng tăng trong khu vực.

Trong khi đó, bên cạnh sự yếu ớt với tư cách là một liên minh quân sự, NATO còn rạn nứt về mặt chính trị.

Trụ cột châu Âu của NATO, Đức, đã cảm thấy bị bỏ rơi trong một hoàn cảnh tồi tệ khi Mỹ buộc các thành viên NATO châu Âu tham gia cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga thông qua Ukraine. Điều này dẫn đến việc Nga ngừng cung cấp dầu và khí đốt cho Tây Âu; nó gây ảnh hưởng nặng nề hơn cho Đức so với các quốc gia khác. Đức có thể sẽ phải hứng chịu mùa đông 2022-2023 với nhiều khó khăn về kinh tế và con người hơn so với những gì nước này từng trải qua kể từ sau Thế chiến II.

Do đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Bắc Kinh vào ngày 04/11, ngay sau khi Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ kết thúc và ông Tập có được vị thế độc tài. Ông Scholz muốn củng cố quan hệ kinh tế với Trung Quốc, qua đó làm suy yếu lập trường trước đó của NATO là chống lại chế độ Bắc Kinh.

Một thành viên NATO “trung thành” khác, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng theo cách tương tự mà phá hoại Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Nước này đang ráo riết theo đuổi quan hệ với cả Moscow và Bắc Kinh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã rất bận rộn tại hội nghị thượng đỉnh SCO ngày 15-16/09, tăng cường mối quan hệ chiến lược của ông với Nga và Trung Quốc.

Ông Erdogan cũng ngăn chặn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, đồng thời lên kế hoạch gây xung đột với nước láng giềng và cũng là thành viên của liên minh – Hy Lạp.

Liên minh ‘rối loạn chức năng’ này là thứ mà Mỹ từng quảng cáo là bức tường thành vĩ đại ở phương Tây; hãy nhớ rằng ngay cả định nghĩa về “phương Tây” cũng đã bị ‘thất lạc’ trong lịch sử.

Điều xảy ra cùng lúc là một khối Á – Âu mới đang ngày càng trở nên vững chắc, đặc biệt là tại hội nghị thượng đỉnh SCO vào giữa tháng 09/2022. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc phương Tây mất khả năng gắn kết. Tại hội nghị thượng đỉnh đó, ông Putin đã quyết định từ bỏ mọi hy vọng rằng Nga có thể tái gia nhập trật tự thương mại do Mỹ dẫn đầu. Những nỗ lực của ông Putin nhằm hòa giải với Washington và London đã liên tục bị khước từ trước và trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Khối Á – Âu mới xuất hiện từ SCO, giữa Nga, Trung Quốc, Iran, Belarus và một số bên không phải Á – Âu. Khi khối này mạnh lên, NATO và QUAD trở nên mong manh.

Tháng 09/2021, chính phủ Mỹ, Úc và Vương quốc Anh ký một hiệp ước mới: AUKUS. Nó được hình thành như một cơ chế để Anh và Mỹ đẩy công nghệ tàu ngầm hạt nhân sang Úc. AUKUS được coi là một liên minh an ninh quan trọng mang lại cho 3 quốc gia đồng minh – vốn có khả năng tương tác về quân sự và tình báo gần như hoàn hảo – năng lực kiểm soát tất cả các đại dương và vùng cực của thế giới.

Đây là một liên minh mới — duyên dáng và hiệu quả trong sự đơn giản, trong học thuyết, cũng như trong tính tương đồng ngôn ngữ — phù hợp với thế kỷ 21.

Trong mọi trường hợp, các cường quốc AUKUS cộng với (ít nhất là) Pháp, ngày càng công nhận rằng việc Trung Quốc triển khai sức mạnh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã bắt đầu vượt quá giới hạn của Đế quốc Nhật khi tạo ra Khối Thịnh vượng chung Đại Á vào những năm 1930. Các tàu chiến và lực lượng hỗ trợ của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) thường xuyên đi qua eo biển Torres và Timor, nơi nằm giữa Papua New Guinea và Úc.

Nhiều hiệp ước khác, một số tỏ ra dè dặt và một số thì không, cũng đã được ký kết bởi các quốc gia thân Mỹ, để chống lại Trung Quốc.

Có lẽ hai hiệp ước quan trọng nhất hiện có trong khu vực là Hiệp ước ANZUS (Hiệp ước An ninh quân sự Úc – New Zealand – Mỹ), được ký vào ngày 01/09/1951; và Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung giữa Nhật Bản và Mỹ, được ký vào ngày 19/01/1960.

Thỏa thuận An ninh Mỹ – Nhật Bản đã mở đường cho một loạt các hiệp định bổ sung, được gọi là “Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng” (RAA), tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác chiến lược.

Úc và Nhật Bản, vốn đã xây dựng các liên kết quân sự và tình báo trong giai đoạn 2013-2015, ký RAA vào tháng 01/2022. Vương quốc Anh đang đàm phán một RAA tương tự với Nhật Bản, có khả năng sẽ được ký kết và có hiệu lực trước cuối năm nay. RAA Nhật Bản – Philippines cũng được thảo luận vào cuối năm 2022.

Có thể thấy, một mạng lưới các liên minh an ninh đã được hình thành hoặc đang được xác định lại để hạn chế sự bành trướng chiến lược của Trung Quốc; chúng khá là khác với QUAD.

Ở Trung Á, năm nước lớn từng là một phần của Đế quốc Nga đang bắt đầu tự khẳng định mình để rũ bỏ sự thống trị của Moscow và chống lại ảnh hưởng từ Bắc Kinh. Năm quốc gia — Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Tajikistan — đã xây dựng một khuôn khổ hợp tác chiến lược mới trong giai đoạn 2019-2021, qua đó tìm cách giao thương và đảm bảo an ninh mà không cần phải thông qua Nga hay Trung Quốc.

Liên minh của họ là một liên minh an ninh mong manh dựa trên việc thận trọng né tránh các thách thức đến từ các nước láng giềng lớn: Nga và Trung Quốc. Khối này đã cho thấy thực tế rằng các liên minh an ninh cần nhiều hơn là mối quan hệ đối tác quân sự đơn thuần.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles hôm 31/08 cho biết Papua New Guinea đã đề xuất một hiệp ước an ninh giữa Úc và Papua New Guinea sau khi Trung Quốc đạt được một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon.

Ngày 11/11, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã đồng ý, về mặt nguyên tắc, thừa nhận Timor Leste là quốc gia thành viên thứ 11 của nhóm. ASEAN đang phải đối mặt với các hoạt động quân sự quy mô lớn thuộc “chiến tranh tổng lực mới” của Trung Quốc; Bắc Kinh muốn phá vỡ hiệu quả của ASEAN với tư cách là một khối an ninh. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, ​​Trung Quốc và Indonesia đã đồng ý nối lại các cuộc tập trận quân sự chung.

Cho đến nay, nhiều hoạt động ngoại giao nhằm chống lại các liên minh đã được tiến hành.

Điều này cũng từng xảy ra trong Chiến tranh Lạnh, trong đó nổi bật là chính sách ngoại giao năm 1972 của chính quyền Nixon nhằm phá vỡ hiệp ước Trung – Xô. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon đã tạo ra liên minh (ngầm) Mỹ – Trung để phá vỡ liên minh Trung – Xô. Nhưng với việc ông Nixon ‘mất chức’, liên minh Mỹ – Trung tiếp tục phát triển đến mức khiến Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Mỹ, một đối thủ mạnh hơn nhiều so với Liên Xô trước đây.

Chúng ta phải biết khi nào một liên minh đã kết thúc hoặc nên kết thúc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới