Động thái của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc được đưa ra sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá đợt trừng phạt mới lên Triều Tiên vẫn chỉ mang ý nghĩa biểu tượng.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử tên lửa xuyên lục địa – Ảnh 1.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và con gái chụp ảnh với quan chức, kỹ sư và nhà khoa học ở Triều Tiên tham gia vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 – Ảnh: KCNA/REUTERS
Ngày 1-12, Bộ Tài chính Mỹ đưa tên một số cá nhân Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, bao gồm Jon Il Ho, Yu Jin, và Kim Su Gil.
Jon Il Ho là phó giám đốc Cục Công nghiệp đạn dược (MID) của Đảng Lao động Triều Tiên, trong khi Yu Jin là giám đốc cơ quan này. Ông Kim Su Gil làm tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên từ năm 2018 – 2021.
Mỹ khẳng định Jon Il Ho và Yu Jin nắm vai trò lớn trong việc phát triển vũ khí hàng loạt, còn tướng Kim Su Gil giám sát việc thực hiện các quyết định liên quan tới chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Ba người này đều đã có mặt trong danh sách trừng phạt trước đó của Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 4.
Hàn Quốc cũng tuyên bố trừng phạt 7 cá nhân và 8 tổ chức liên quan tới vấn đề này. Trong số 7 cá nhân bị trừng phạt có một người Singapore và một người Đài Loan. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, tất cả các đối tượng trên đều đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ tháng 1-2019 và tháng 10-2020.
Trong động thái tương tự, Nhật Bản xác định 3 tổ chức và 1 cá nhân là đối tượng trong loạt trừng phạt mới của nước này áp lên Triều Tiên. Reuters cho biết trong số này có Lazarus Group, một nhóm tội phạm mạng nghi làm việc cho Chính phủ Triều Tiên và thực hiện các cuộc tấn công mạng.
Đợt trừng phạt nêu trên là phản ứng của Mỹ và hai đồng minh châu Á sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngày 18-11.
Tính từ đầu năm tới nay, Triều Tiên đã phóng hơn 60 tên lửa, một con số cao kỷ lục. Suốt thời gian qua, chính phủ ba nước Mỹ, Nhật, Hàn nhiều lần bày tỏ lo ngại Triều Tiên sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Trong tuyên bố về lệnh trừng phạt này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách tình báo về khủng bố và tài chính Brian Nelson nói: “Những vụ phóng tên lửa gần đây cho thấy tất cả các quốc gia cần thực hiện đầy đủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vốn để ngăn Triều Tiên tiếp thu công nghệ, vật liệu và thu nhập mà Bình Nhưỡng cần trong việc phát triển năng lực tên lửa đạn đạo cũng như chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt bị cấm”.
Hãng tin Reuters nhận xét rằng do Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống đối với các lệnh trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc lên Triều Tiên, hiện nay Mỹ phải chuyển hướng, tập trung vào các nỗ lực liên kết với Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng các đối tác châu Âu.
Theo các lệnh trừng phạt mới nêu trên, các cá nhân và tổ chức liên quan tới chương trình vũ khí của Triều Tiên bị đóng băng tài sản ở Mỹ, và bị cấm giao dịch.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các lệnh trừng phạt này vẫn phần lớn mang tính biểu tượng thay vì đủ để tác động tới chương trình vũ khí Triều Tiên.