Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThấy gì từ lỗ khủng dự kiến hơn 31.000 tỷ đồng của...

Thấy gì từ lỗ khủng dự kiến hơn 31.000 tỷ đồng của EVN?

Kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của Công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.

EVN dự kiến lỗ hơn 31.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao. Nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng.

Tuy nhiên, EVN cho biết, nhờ quyết liệt tiết kiệm và cắt giảm tối đa các chi phí như: chi thường xuyên, chi phí sửa chữa, tạm chi lương bằng 80%, tăng cường quản trị giá thành. Bên cạnh đó, thực hiện tối ưu hóa về dòng tiền, thu cổ tức của các công ty cổ phần có vốn góp của EVN; vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện có chi phí thấp…

“Theo tính toán, tổng các khoản EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỷ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất của EVN, ngoài ra chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm 2022 và chỉ bằng 92,8% so với năm 2021”, EVN cho biết.

EVN cho rằng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để chi phí nhưng với các giải pháp trong nội tại mà EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của Công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.

Theo EVN, trong bối cảnh tình hình tài chính như vậy sẽ dẫn tới nguy cơ có rất nhiều khó khăn trong năm 2022 và các năm tiếp theo trong một số vấn đề. Thứ nhất , khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Thứ hai là trong vài năm gân đây, chi phí sửa chữa lớn đã phải cắt giảm chi phí theo định mức từ 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới.

Thứ ba là khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.

Theo các dự báo, khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021, do đó dự kiến năm 2023 EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính.

“Năm 2023 dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn đang ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao”, EVN nhấn mạnh.

Về kết quả sản xuất kinh doanh, theo báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm của EVN, tổng doanh thu đạt hơn 221.200 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng giá vốn của Tập đoàn lại tăng mạnh 17% lên hơn 225.400 tỷ đồng, khiến EVN lỗ gộp hơn 4.200 tỷ đồng. Khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh của EVN nửa đầu năm nay là hơn 12.677 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi trên 10.072 tỷ.

Báo cáo tài chính của công ty mẹ cũng ghi nhận doanh thu 189.194 tỷ đồng, còn lỗ sau thuế hơn 17.358 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý… EVN ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất hơn 16.586 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay của EVN.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của EVN đạt khoảng 673.157 tỷ đồng, giảm gần 4,6% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn tài sản của tập đoàn tập trung ở tài sản cố định, gần 443.295 tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn trên 37.127 tỷ.

EVN cho biết, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, dầu, khí tăng đột biến từ đầu năm đến nay đẩy chi phí sản xuất điện của tập đoàn tăng rất cao. Theo tính toán của EVN, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 đã lên mức 1.915,59 đồng/kWh.

Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện bình quân 2022 chưa gồm các khoản chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện còn lại trong 3 năm 2019 – 2021 của các đơn vị phát điện.

Theo Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), việc thiếu nguyên liệu than chỉ là rủi ro trong ngắn hạn và sản lượng điện than cũng sẽ hưởng lợi từ nhu cầu phục hồi và giá bán trung bình cao hơn trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM).

Với việc giá than đầu vào cho nhiệt điện than tăng lên và nhu cầu điện trên toàn quốc tiếp tục phục hồi, VIRAC cho rằng, giá CGM trung bình cả năm 2022 có thể đạt 1.400 đồng/kwh, tăng 41% so với cùng kỳ.

Cũng theo VIRAC, trong 5 năm tới, triển vọng ngành điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Theo báo cáo cập nhật cân đối nguồn cung cầu điện giai đoạn 2021 – 2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.

Tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025 (không tính năng lượng tái tạo) chỉ khoảng 18%. Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới