Sáng 30/11, tàu Thần Châu 15 của Trung Quốc đã kết nối thành công với trạm Thiên Cung, trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc.
Vào lúc 23h08 ngày 29/11 (theo giờ địa phương), Trung Quốc đã phóng tàu Thần Châu-15, đưa ba phi hành gia nước này lên quỹ đạo để thực hiện sứ mệnh cuối trong kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung. Tàu Thần Châu-15 đã được phóng từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F.
Khoảng 10 phút sau khi rời bệ phóng, tàu vũ trụ Thần Châu-15 đã phân tách khỏi tên lửa đẩy để vào quỹ đạo định trước. Ba phi hành gia đều trong trạng thái ổn định, đánh dấu nhiệm vụ phóng tàu vũ trụ thành công tốt đẹp.
Đến 5h42 ngày 30/11, trải qua quá trình cập bến diễn ra trong khoảng 6,5 tiếng, tàu Thần Châu-15 đã kết nối với cửa trước của module lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ. Đến 7h33, ba phi hành gia của tàu Thần Châu-14 đang ở trong trạm vũ trụ đã mở cửa đón chào phi hành đoàn Thần Châu-15 bước vào trạm vũ trụ.
Đây là sứ mệnh phóng thứ 6 trong chương trình vũ trụ có người lái của Trung Quốc trong năm nay và là chuyến bay cuối cùng, trong giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc ở quỹ đạo của Trái đất.
Sau khi cập bến module lõi, ba phi hành gia trên tàu Thần Châu-15 có thời gian một tuần để bàn giao với các đồng nghiệp trong sứ mệnh Thần Châu-14 đã ở trạm Thiên Cung từ tháng 6. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành việc thay người ngay trên vũ trụ, qua đó có thể giúp xác nhận mô hình thay người định kỳ sau này, bởi việc có đến 6 người ở cùng lúc trên trạm là một thách thức lớn trong việc phân bổ các nguồn lực.
Theo kế hoạch, sứ mệnh Thần Châu-15 sẽ hoàn tất quá trình xây dựng trạm Thiên Cung, cũng như khởi động giai đoạn ứng dụng và phát triển đầu tiên của trạm vũ trụ này. Dự kiến, ba phi hành gia của tàu vũ trụ Thần Châu-15 gồm Phí Tuấn Long, Đặng Thanh Minh và Trương Lục sẽ làm việc trên quỹ đạo trong thời gian 6 tháng. Họ sẽ có nhiều chuyến đi bộ ngoài không gian , để triển khai các nhiệm vụ lắp đặt, thử nghiệm, bảo trì và sửa chữa các thiết bị trong và ngoài module, cũng như nhiều thí nghiệm khoa học hàng không vũ trụ.
T.P