Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đồng loạt áp lệnh trừng phạt các quan chức liên quan chương trình vũ khí của Triều Tiên, đáp trả vụ thử ICBM gần đây của nước này.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 1/12 đưa các quan chức Triều Tiên gồm Jon Il-ho, Yu Jin và Kim Su-gil vào danh sách trừng phạt, với cáo buộc những người này liên quan trực tiếp đến chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng. Washington còn cảnh báo trừng phạt bất kỳ ai giao dịch với những người này.
“Chúng tôi phối hợp hành động với Hàn Quốc và Nhật Bản nhắm vào những quan chức có vai trò dẫn dắt chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên”, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Brian Nelson cho biết.
Washington sẽ đóng băng tài sản tại Mỹ của ba quan chức Triều Tiên, cấm cá nhân, tổ chức ở nước này làm ăn với họ, nhưng những biện pháp đó được đánh giá chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng.
“Những vụ phóng tên lửa gần đây cho thấy sự cần thiết của việc thực hiện đầy đủ các nghị quyết Hội đồng Bảo an, nhằm ngăn Triều Tiên sở hữu công nghệ, nguyên liệu và tài chính để phát triển năng lực tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt”, ông Nelson bổ sung.
Hàn Quốc và Nhật Bản hôm nay cũng có động thái tương tự.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo trừng phạt 7 cá nhân cùng 8 thực thể vì “tham gia vào chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và giúp Bình Nhưỡng lách các lệnh trừng phạt trước đây”. Tất cả cá nhân, tổ chức này đều đã bị Mỹ áp trừng phạt trong giai đoạn từ tháng 1/2018 đến tháng 10 năm nay.
Nhật Bản áp lệnh trừng phạt với ba tổ chức và một cá nhân nhằm đáp trả các “hành động khiêu khích” của Triều Tiên. Tokyo sẽ đóng băng tài sản của những tổ chức, cá nhân này ở Nhật Bản.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 được Triều Tiên phóng thử hôm 18/11. Ảnh: AFP/KCNA.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 được Triều Tiên phóng thử hôm 18/11. Ảnh: KCNA.
Động thái trên diễn ra sau khi Triều Tiên ngày 18/11 phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17, đồng thời tuyên bố đây là một phần trong chiến lược ưu tiên nhằm củng cố quốc phòng và xây dựng năng lực răn đe hạt nhân. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước đó nói rằng mục tiêu cuối cùng của nước này là sở hữu lực lượng hạt nhân “chưa từng có và mạnh nhất thế giới”.
Sau vụ phóng, Nga và Trung Quốc phản đối Hội đồng Bảo an áp thêm trừng phạt với Triều Tiên, cho rằng cần nới lỏng trừng phạt để tái khởi động đối thoại, tránh ảnh hưởng đến vấn đề nhân đạo. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington vẫn cam kết sử dụng các biện pháp gây áp lực và ngoại giao để khuyến khích Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa.