Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTQ mạnh tay gom hàng dịp Tết, lại lo ùn ứ tại...

TQ mạnh tay gom hàng dịp Tết, lại lo ùn ứ tại cửa khẩu

Vào dịp Tết, nhu cầu trái cây của thị trường Trung Quốc chiếm tới hơn 50% lượng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam. Chuyên gia cảnh báo sẽ có hiện tượng ùn ứ tại biên giới.

Cuối năm sản lượng trái cây bước vào vụ thu hoạch khá lớn.

Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thời điểm cuối năm, nhiều loại trái cây bước vào vụ thu hoạch. Chỉ riêng ĐBSCL, tháng 12, tổng sản lượng trái cây thu hoạch lên tới 360,8 nghìn tấn; trong đó thanh long, xoài, chuối, mít, dứa, sầu riêng,… vào vụ thu hoạch rộ. Quý I/2023, sản lượng trái cây của vùng này ước khoảng 1,08 triệu tấn.

Tại Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023” ngày 1/12, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết, sản lượng nhiều mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc tăng cao, như sầu riêng, thanh long, chuối,… nhờ hai nước đã ký kết nghị định thư. Đặc biệt, sản lượng chuối Việt Nam lần đầu tiên vượt Philippines về xuất khẩu sang thị trường này. Sắp tới, mặt hàng khoai lang cũng được ký nghị định thư, dự kiến lượng xuất khẩu sẽ tăng.

Ông Nguyên nhận định, thị trường rau quả của Việt Nam vẫn bị chi phối nhiều từ thị trường Trung Quốc. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Hơn nữa, nhu cầu rau quả phục vụ dịp Tết sẽ tăng cao nên thị trường Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến giá và lượng tiêu thụ rau quả của Việt Nam.

Từ tháng 12 năm ngoái và tháng Giêng năm nay, do Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid” nên xảy ra tình ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu, cảng biển. Thậm chí, có thời điểm, hoạt động xuất khẩu còn “đóng băng”. Điều này khiến 5.000-6.000 xe lạnh trái cây không giao được hàng, gây tổn thất lớn.

Hiện Trung Quốc đã nới lỏng việc kiểm soát dịch bệnh, tình hình lưu thông ở các cửa khẩu được cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khăn.

“Dịp này sẽ bớt gay gắt hơn năm trước, song xe chở rau quả lên cửa khẩu có thể vẫn ùn ứ ở khu vực biên giới nhưng ở mức nhẹ”, ông Nguyên cảnh báo.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cũng cho rằng, việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn gặp khó khăn khi quốc gia này vẫn tiếp tục chính sách “zero Covid”.

Với hai tỉnh biên giới là Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), đã có những chính sách phòng chống Covid rất hiệu quả. Do vậy, rất nhiều cửa khẩu nhỏ đã được mở lại và hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Dù vậy, ông Hòa lưu ý, áp lực tiêu thụ trái cây dịp cuối năm là rất lớn, nhất là các với quả xoài, thanh long, chuối, sầu riêng,… Ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa còn phải xuất khẩu. Do đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, tránh gian lận dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2022, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 151,7 triệu USD, tăng 44,2% so với tháng 10/2021. Từ đầu năm đến nay, đây là tháng duy nhất xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng dương.

Các chuyên gia nhận định, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực khi gần đây, các mặt hàng chanh leo, sầu riêng, chuối và mới đây nhất là khoai lang, liên tiếp được cấp “visa” vào thị trường đông dân nhất thế giới. Việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan.

Tuy nhiên, đứng trước áp lực tiêu thụ vụ trái cây dịp Tết, ông Nguyên đề xuất mở các hội chợ để giới thiệu sản phẩm; mở các cửa hàng bán trái cây có kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tuyến đường, các chợ truyền thống vừa tạo không khí Tết vừa giúp tiêu thụ rau, củ, quả cho bà con; kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới