Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTức nước, nhưng … chưa vỡ bờ

Tức nước, nhưng … chưa vỡ bờ

Thật là bất ngờ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật tăng cường hỗ trợ an ninh cho Đài Loan với khoản kinh phí khổng lồ: 10 tỉ USD. Đương nhiên, đây mới chỉ là dự luật.

Thật là quá quắt! Các quan thầy ở Trung Nam Hải nhăn nhó. Rằng, Nhà Trắng thật là “láo xược”. Ngay lập tức Bắc Kinh đã “cực lực phản đối”. Xưa nay tức nước thì vỡ bờ. Nhưng cái bờ vực quan hệ Mỹ-Trung thì nước đã mấp mé mặt đập từ lâu. Nghĩa là “tức nước” đã gần tới đỉnh điểm. Có điều nó chưa “vỡ” vì còn phải dền dứ, trông trước ngó sau, nhất là đụng đến cường quốc số một là Mỹ thì Trung Quốc phải “dò đá qua sông”, không dễ làm liều.

Để xả bớt nước, hạn chế tình trạng nguy cấp vỡ đập, việc có thể làm ngay là dằn mặt cả Mỹ và hòn đảo rắn mặt Đài Loan. Và Trung Quốc đã áp dụng ngay sáng kiến muôn thuở: dọa đánh.

Lần này là một cuộc diễn tập tấn công chung quanh Đài Loan, với quy mô rất lớn. Tối 25/12, người phát ngôn Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông quân đội Trung Quốc – Thượng tá Shi Yi cho biết: “Bộ tư lệnh Chiến khu miền Đông đã tổ chức cuộc tuần tra sẵn sàng tác chiến chung và diễn tập tấn công hoả lực chung trên cả vùng trời và vùng biển chung quanh Đài Loan”. Ông Shi Yi không nêu rõ địa điểm diễn tập.

Tại sao khẳng định là cuộc diễn tập quy mô lớn? Con số sau đây sẽ trả lời: Quân đội Trung Quốc đã triển khai 71 chiến đấu cơ tham gia cuộc tập trận. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, đây là đợt xâm nhập rầm rộ nhất từ trước đến nay của chiến đấu cơ Trung Quốc vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo.

Rõ ràng đây là nguyên cớ dẫn tới chạy đua vũ trang. Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên ngày càng tồi tệ.

Trước việc Trung Quốc diễn tập chung quanh Đài Loan với quy mô lớn, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cáo buộc: Trung Quốc “thể hiện rõ tâm lý giải quyết bất đồng bằng bạo lực và phá hủy hòa bình, ổn định khu vực. Các hành vi này nhằm mục đích làm cho người dân hòn đảo khiếp sợ. Nó làm xấu đi hình ảnh của Bắc Kinh trên trường quốc tế”.

Trên mạng Twitter, Đài Loan cho biết, trong số máy bay chiến đấu Trung Quốc tham gia cuộc tập trận, có 6 chiến đấu cơ Su-30 thuộc loại hiện đại nhất của Đại lục hiện nay. Đã có 43 chiến đấu cơ Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến phân định ranh giới giữa hai bên eo biển Đài Loan.

Chỉ còn bốn ngày nữa kết thúc năm 2022. Tính ra trong năm qua, đã có hơn 1.700 vụ xâm nhập Đài Loan của Quân đội Trung Quốc (969 vụ trong năm 2021; 146 vụ trong năm 2020).

Sự tăng vọt các đợt diễn tập chiến đấu chung quanh đảo Đài Loan cho thấy, Trung Quốc không bao giờ lùi bước trước cái gọi là sự câu kết giữa Đài Bắc và Washington. Việc thu hồi Đài Loan chỉ là sớm hay muộn. Tuy nhiên, dùng quân sự để tấn công là giải pháp sau cùng, giải pháp tồi tệ nhất. Bởi Đài Loan là đồng minh quân sự của Mỹ, lại được sự ủng hộ từ Nhật Bản và các liên minh quân sự trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn dắt.

Tuy Đài Loan không được công nhận với tư cách là một quốc gia, nhưng hành vi sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp của Trung Quốc sẽ bị quốc tế lên án. Vì lẽ đó cuộc chiến sẽ còn phức tạp, kéo dài.

Bắc Kinh có thừa kinh nghiệm ẩn mình chờ thời. Lắng nghe cuộc chiến Nga-Ukraina cũng giúp cho nhà cầm quyền Trung Quốc tỉnh ngộ nhiều điều. Thời nay không dễ lấy thịt đè người.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới