Trung Quốc tuyên bố việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan từ ngày 25-12 để đáp trả “sự khiêu khích” và “sự thông đồng” giữa Mỹ và Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc khẳng định không thể tách rời của nước này.
Ngày 26-12, chính quyền Đài Loan thông báo trong vòng 24 giờ, tổng cộng 71 chiến đấu cơ và máy bay không người lái Trung Quốc đi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Đài Loan tuyên bố, trong đó 43 máy bay vượt qua “đường trung tuyến” phân cách hai bờ eo biển.
Đây được xem là động thái cứng rắn nhất kể từ sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, và nhằm phản ứng việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật tăng cường hỗ trợ an ninh cho Đài Loan.
Mô phỏng tấn công
Diễn biến mới nhất cho thấy căng thẳng ở khu vực này sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối cho Mỹ trong năm tới, bên cạnh chiến sự Ukraine.
Văn phòng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết bà sẽ triệu tập cuộc họp an ninh cấp cao vào sáng 27-12 để củng cố phòng thủ dân sự của hòn đảo. “Chúng ta càng đoàn kết, Đài Loan sẽ càng trở nên mạnh mẽ và an toàn hơn”, bà Thái nói ngày 26-12.
Trung Quốc tuyên bố việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan từ ngày 25-12 để đáp trả “sự khiêu khích” và “sự thông đồng” giữa Mỹ và Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc khẳng định không thể tách rời của nước này và sẵn sàng thống nhất bằng vũ lực.
Bắc Kinh không nói rõ số lượng máy bay được huy động tham gia hay địa điểm chính xác của “các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu chung và diễn tập tấn công hỏa lực chung ở vùng biển và vùng trời xung quanh đảo Đài Loan”.
Tuy nhiên, đại lục có công bố các ảnh chụp máy bay ném bom, tàu chiến. Trong số các bức ảnh này có quang cảnh một ngọn núi được nhìn thấy từ buồng lái máy bay, cho thấy các máy bay Trung Quốc thực sự đã ở rất gần Đài Loan.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Đài Loan nói rằng Trung Quốc đã điều động máy bay chiến đấu từ một số địa điểm trên khắp đại lục để thực hiện các cuộc tấn công mô phỏng nhắm vào tàu chiến của Đài Loan và Mỹ.
Theo thông tin từ phía Đài Loan, có khoảng 60 máy bay chiến đấu của Trung Quốc tham gia các cuộc diễn tập, bao gồm sáu chiến đấu cơ tối tân nhất của nước này là Su-30.
Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến đã nhanh chóng quay lại phía đại lục, và một số máy bay chống tàu ngầm, máy bay không người lái đi vào ADIZ mà Đài Loan tuyên bố trong đợt “xâm phạm” lớn nhất từ trước đến nay.
Hồi tháng 8-2022, khi bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, Trung Quốc cũng tổ chức tập trận rầm rộ với sự tham gia của 68 máy bay quân sự. Ngoài ra bảy tàu chiến của Bắc Kinh cũng xuất hiện gần hòn đảo này.
Cuộc tập trận diễn ra sau khi Trung Quốc cuối tuần trước “phản đối mạnh mẽ” việc Tổng thống Mỹ Biden ký đạo luật ngân sách quốc phòng năm 2023, trong đó bao gồm khoản viện trợ quân sự 10 tỉ USD, đồng thời đẩy mạnh việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích sự hợp tác giữa Mỹ và Đài Loan cũng như đạo luật quốc phòng của Washington sẽ ảnh hưởng đến “hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.
“Các cuộc tập trận quy mô lớn của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong vài ngày qua như một thông điệp chính trị thể hiện sự không hài lòng với đạo luật quốc phòng của Mỹ”, Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định.
Mỹ thời gian qua cũng nhiều lần nhắc lại cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Vụ việc tiếp nối căng thẳng leo thang gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó Ngoại trưởng Vương Nghị tuần trước đã cảnh cáo Mỹ về lằn ranh đỏ Đài Loan. Thông điệp của ông Vương Nghị cũng sẽ gây sức ép lên chuyến thăm Trung Quốc dự kiến vào đầu năm sau của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Dù Washington và Bắc Kinh đã cam kết duy trì liên lạc, bao gồm giữa quân đội hai nước, nhằm ngăn căng thẳng leo thang, các chuyên gia cho rằng vấn đề Đài Loan sẽ tiếp tục âm ỉ trong năm 2023.
Đầu tháng 12-2022, báo South China Morning Post dẫn lời các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ nhận định năm sau sẽ là thời điểm quan trọng trong sự chuyển đổi của quân đội Mỹ nhằm đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc tại khu vực, bao gồm khả năng tấn công vào Đài Loan.