Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Sung-han hôm nay (28/12) đã công bố báo cáo cuối cùng về Chiến lược quốc phòng.
KBS cho biết Báo cáo bao gồm 9 bài toán xúc tiến trọng điểm, cụ thể là; thiết lập trật tự dựa trên chuẩn mực và quy tắc; hợp tác thúc đẩy pháp quyền và nhân quyền; tăng cường hợp tác không phổ biến hạt nhân và chống khủng bố; mở rộng hợp tác an ninh toàn diện; mở rộng mạng lưới an ninh kinh tế; tăng cường hợp tác ở lĩnh vực khoa học công nghệ cao và góp phần thu hẹp khoảng cách số trong khu vực; đi đầu trong hợp tác khu vực liên quan tới biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng; đóng góp tích cực về ngoại giao bằng cách tăng cường hợp tác phát triển và quan hệ đối tác; tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giao lưu văn hóa, nhân lực.
Chiến lược này cũng bao gồm nhận định về tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, phương hướng hợp tác mà Hàn Quốc hướng tới, phương án xúc tiến quan hệ với các bên trong khu vực như Bắc Thái Bình Dương, Đông Nam Á, Nam Á, châu Đại Dương, các nước châu Phi giáp Ấn Độ Dương, châu Âu, Trung Nam Mỹ.
Ý tưởng của Chính phủ đương nhiệm là mở rộng tầm nhìn sang toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thay vì chỉ giới hạn ở vấn đề Bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á, hay các sáng kiến khu vực bó hẹp ở lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại như các Chính phủ tiền nhiệm; từ đó tăng cường hợp tác chiến lược tích cực hơn nữa trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.
Các yếu tố trọng tâm mà Chính phủ đề ra là tự do, pháp trị và nhân quyền, được phân tích là nhằm bắt kịp chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Trong đó, báo cáo nêu rõ Hàn Quốc sẽ thúc đẩy và tăng cường trật tự khu vực dựa tên quy tắc và giá trị phổ quát, với nền tảng là sự liên minh với các quốc gia cùng chia sẻ giá trị này; tuyên bố Hàn Quốc phản đối việc thay đổi hiện trạng đơn phương bằng sức mạnh.
Seoul cũng tuyên bố sẽ đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực, nhấn mạnh hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng trên biển Đông – một kênh giao thông đường biển quan trọng. Ngoài ra, hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan cũng có ý nghĩa quan trọng với hòa bình và ổn định Bán đảo Triều Tiên, cũng nhưu khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Báo cáo khẳng định tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc là một sáng kiến bao trùm, không nhắm đến hay loại trừ một quốc gia nào, được phân tích là nhằm nhấn mạnh sự khác biệt với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, vốn coi Trung Quốc là một thế lực thách thức quy chuẩn hiện hành, thay đổi hiện trạng thế giới.
Trong khi đó, Mỹ đã hoan nghênh việc Hàn Quốc thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện cam kết chung của hai nước trong việc đóng góp vào an ninh và thịnh vượng khu vực, đồng thời khẳng định mục tiêu mở rộng hợp tác với các đồng minh và đối tác khác trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc sẽ góp phần tăng cường năng lực chung của hai nước trong việc thúc đẩy không phổ biến hạt nhân, đẩy mạnh hòa bình và an ninh quốc tế