Saturday, November 23, 2024

Tin xấu

Tàu ngầm được ví như “quái vật” thống trị biển cả. Vì ý nghĩa đó, cuộc chạy đua để sở hữu loài “quái vật” nhân tạo này ngày một gia tăng, nhất là với các quốc gia có biển trong ASEAN.

Hai tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam.

Liên quan câu chuyện tàu ngầm, làm nóng dư luận gần đây là thông tin về việc Singapore bắt đầu phát triển đội tàu ngầm tiếp theo với các tàu ngầm lớp Invincible mới được sản xuất tại Đức.

“Tiếp theo…” – nghĩa là Singapore trước đó đã sở hữu tàu ngầm. Đúng thế. Dù không nằm trong nhóm “5 nước, 6 bên” tham gia tranh chấp Biển Đông, đảo quốc Sư Tử này vẫn phải phòng xa cho việc phải đối phó với các tình huống bất khả kháng liên quan chủ quyền trên biển. Điều này được đích thân thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, rằng: “Là một quốc gia biển, lực lượng hải quân của Singapore có sứ mệnh quan trọng trong việc đảm bảo sự sống còn và duy trì các tuyến liên lạc trên biển…” Thêm nữa, trong ASEAN, Singapore là quốc gia ví như “nhà có điều kiện”, một vài tỷ USD cho đội tàu ngầm với họ thật sự đâu đáng gì mà phải “nâng lên đặt xuống”.

Từ chuyện nâng cấp, phát triển đội tàu ngầm của Singapore, người ta không thể không nhớ lại cách đây 13 năm, hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo thuộc Dự án 636 Varshavyanka (Kilo cải tiến) trị giá 2 tỷ USD, kèm theo gói huấn luyện thủy thủ, cung cấp thiết bị của Việt Nam, đã làm dậy sóng dư luận. Thậm chí, còn có một số tiếng la ó, phản đối Việt Nam, cho rằng Trung Quốc “đại bá” thì Việt Nam “tiểu bá”; sau Trung Quốc, Việt Nam cũng lăm le ý đồ thôn tính phần lớn Biển Đông; hậu quả là Biển Đông vốn đã căng thẳng, phức tạp, sẽ càng căng thẳng, phức tạp hơn…

Tuy nhiên, chuyện rồi cũng nguội dần. Nguội vì các quốc gia hiểu, trong tình thế bị Trung Quốc cướp đảo, ngang ngược đe dọa gây hấn, Việt Nam buộc phải làm thế nhằm nâng cao năng lực phòng vệ trong các tình huống xấu nhất. Hạm đội tàu ngầm 6 chiếc, dù có là “hố đen đại dương”, thuộc thế hệ thứ 3 tiên tiến nhất mà Việt Nam sở hữu, suy cho cùng, thấm vào đâu so với con số 60 tàu ngầm của Trung Quốc, trong đó có tới 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân, tất cả đều là loại mới. Có điều, trước một đối thủ sở hữu 6 “hố đen đại dương” đầy tính răn đe như Việt Nam, ngang ngược đến mấy, trước khi động thủ, Trung Quốc, hay bất kỳ quốc gia nào khác, đều phải dè chừng.

Cùng với Việt Nam, Singapore, trong ASEAN, các nước Malaysia, Indonesia, Myanmar cũng đã có đội tàu ngầm. Không thực sự được đánh gia cao, nhưng sở hữu sớm lực lượng tàu ngầm trong một khu vực không chỉ phức tạp, mà còn tranh chấp lợi ích tới mức phải kiện nhau ra tòa quốc tế, vẫn là một điều quá quan trọng. Bởi ý nghĩa của nó, ngoài sở hữu, còn ở chỗ tạo tiền đề cho phát triển, nâng cấp các tàu ngầm thế hệ mới trong tương lai. Như Indonesia chẳng hạn. Đầu năm 2021, Jakarta đã ký một thỏa thuận với Paris để hợp tác đóng hai tàu ngầm Scorpène. Khi hợp đồng hoàn thành, lực lượng tàu ngầm của Indonesia sẽ tăng đáng kể sức mạnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến chống tàu mặt nước và tấn công tầm xa.

Thái Lan và Philippines được cho là đã có được các hợp đồng mua tàu ngầm. Như tránh cái “dớp” của Thái Lan khi tìm đến đối tác Trung Quốc: không thể nhận hàng đúng hạn, do Đức (chịu tác động từ một quốc gia khác, Mỹ chẳng hạn) từ chối bán động cơ cho Trung Quốc, Philippines tỏ ra khôn hơn. Khôn hơn ở chỗ, từng có lúc “thân” Trung Quốc hơn cả Thái Lan, Manila vẫn tìm đến đối tác Pháp đặt vấn đề mua hai chiếc tàu ngầm như bước mở đầu để xây dựng một hạm đội tàu ngầm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trên biển – nơi mà lâu nay, cũng như một số quốc gia khác trong khu vực, Philippines luôn là nạn nhân bắt nạt của Trung Quốc.

Kết lại, vấn đề đặt ra là: Với đà mua sắm này, mươi năm nữa, tất cả các nước ASEAN sẽ đều có hạm đội tàu ngầm. Những người quan tâm tới câu chuyện Biển Đông sẽ nghĩ gì trong trường hợp này? Chắc chắn, họ chẳng thể coi đó là một điều tốt. Ngược lại, chỉ có thể coi đây là một thông tin xấu cho tương lai Biển Đông.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới