Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngBán đảo Triều Tiên nóng bỏng trước cuộc chạy đua hạt nhân

Bán đảo Triều Tiên nóng bỏng trước cuộc chạy đua hạt nhân

Dù bỏ ngỏ khả năng tập trận hạt nhân, song cả Hàn Quốc và Mỹ đều khẳng định không loại trừ sử dụng các biện pháp hạt nhân khác với Triều Tiên. Tuyên bố mới nhất này của đồng minh Mỹ – Hàn khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở lên nóng hơn bao giờ hết.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định, việc hai nước có tập trận hạt nhân trong tương lai hay không thì vẫn chưa rõ ràng bởi Hàn Quốc không phải là một cường quốc hạt nhân. Các cuộc tập trận hạt nhân thường xuyên giữa Mỹ và Hàn Quốc nếu diễn ra sẽ cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, hai bên đang xem xét tăng cường chia sẻ thông tin, lập kế hoạch chung theo yêu cầu từ tổng thống hai nước sau cuộc gặp ở Campuchia vào tháng 11 năm ngoái để tìm cách giải quyết các mối đe dọa từ Triều Tiên.
“Sau cuộc gặp ở Campuchia, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã giao cho các nhóm làm việc lên kế hoạch về một phản ứng phối hợp, hiệu quả đối với một loạt các tình huống, bao gồm cả việc sử dụng hạt nhân của Triều Tiên. Và đó là những gì các nhóm đang làm việc. Phía Mỹ cam kết hoàn toàn với liên minh Mỹ – Hàn Quốc và sẽ cung cấp khả năng răn đe mở rộng đối với Triều Tiên thông qua toàn bộ khả năng phòng thủ của chúng tôi”, bà Jean-Pierre nói.

Ngay sau tuyên bố của Mỹ, thư ký báo chí của Tổng thống Hàn Quốc, bà Kim Eun Hye cũng khẳng định, để đối phó với vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, hai nước Mỹ và Hàn Quốc đang thảo luận những cách chia sẻ thông tin về hoạt động của các tài sản hạt nhân thuộc sở hữu của Mỹ, đồng thời cùng lập kế hoạch để thực hiện

Bình luận của giới chức Mỹ và Hàn Quốc đưa ra 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phủ nhận thông tin thảo luận tập trận hạt nhân chung với Hàn Quốc. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng nói rằng, hai bên đang đàm phán về việc tiến hành các cuộc tập trận chung sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ. Theo Tổng thống Hàn Quốc, Mỹ đã phản hồi rất tích cực về ý tưởng này.

Phản ứng của Mỹ và Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh truyền thông Triều Tiên đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã yêu cầu tăng tốc độ sản xuất theo cấp số nhân để chế tạo các vũ khí hạt nhân chiến thuật, đồng thời yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng nước này chế tạo mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới để đối phó sự thù địch từ Mỹ và Hàn Quốc, cũng như bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia của Triều Tiên.

Theo đánh giá của giới phân tích, những động thái mới nhất của các bên có thể khiến tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng căng thẳng, đồng thời đẩy bán đảo Triều Tiên vào vòng xoáy của cuộc chạy đua hạt nhân.

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến mới này trên Bán đảo Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko hôm qua cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc quay trở lại mô hình ngoại giao thượng đỉnh trong giải quyết vấn đề Triều Tiên vốn được tiến hành vào năm 2018-2019 là điều không thể. Theo trưởng Ngoại giao Nga, Triều Tiên đã có những cử chỉ thiện chí chủ động và không được đáp lại. Vì vậy, để quay trở lại chương trình nghị sự mang tính xây dựng, trước tiên Mỹ và các đồng minh nên từ bỏ ý tưởng về các biện pháp trừng phạt cũng như từ bỏ việc gây áp lực hơn nữa đối với Triều Tiên.

Trung Quốc trước đó cũng đã nhiều lần nhấn mạnh về đề xuất này của Nga.

Trong tuyên bố tại cuộc họp Hội đồng Bảo an về tình hình Triều Tiên, Đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, ông Trương Quân nhấn mạnh: “Thế giới ngày nay đầy rẫy những bất ổn và Bán đảo Triều Tiên không thể chịu được nguy cơ tình hình ngày càng xấu đi. Các bên cần tập trung vào hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực, đồng thời thực hiện các biện pháp thiết thực và đóng vai trò tích cực cho một giải pháp chính trị cho vấn đề này”.

Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên nóng lên sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong năm 2022. Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2023, Triều Tiên đã phóng thử 1 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông sau khi tiến hành thử 3 tên lửa đạn đạo vào ngày trước đó. Trong khi đó năm 2022, Hàn Quốc cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung hai bên và ba bên với Nhật Bản, Mỹ bất chấp sự phản đối của Triều Tiên

RELATED ARTICLES

Tin mới