Trung Quốc tuy là một quốc gia có diện tích đứng thứ tư thế giới sau Nga, Mỹ và Canada nhưng là quốc gia có số dân đông nhất thế giới. Sau nhiều năm cải cách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã cất cánh và năm 2010 đã qua mặt Nhật Bản, vươn lên chiếm vị trí thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Ở Châu Á, hiện Trung Quốc đang đuợc coi là số 1. Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong mọi mặt của đời sống chính trị thế giới, với vị thế đang được nâng lên trên chính trường quốc tế.Từ năm 2002, Trung Quốc bắt đầu theo đuổi học thuyết “trỗi dậy hoà bình” nhằm giải quyết căn nguyên sâu sa là sự hoài nghi của phương Tây và Mỹ. Mục đích của “trỗi dậy hoà bình” để trấn an thiên hạ là sẽ không có sự đe doạ từ phía Trung Quốc, rằng một Trung Quốc hùng mạnh, phát triển nhanh sẽ là cơ hội, chứ không phải thách thức đối với sự phát triển của các nước trong và ngoài khu vực.
Thế nhưng Trung Quốc có truyền thống nói vậy mà không làm vậy. Là một quốc gia có đường biên giới dài 22.143 km trên đất liền, tiếp giáp với 14 quốc gia khác, và có đường bờ biển dài trên 14.500 km, Trung Quốc hiện là quốc gia có nhiều tranh chấp biên giới với nhiều nước nhất trên thế giới. Kể từ khi nước CH DC ND Trung Hoa được thành lập, đến nay Trung Quốc đã ba lần phát động chiến tranh xâm lấn đất đai của các nước xung quanh như chiến tranh với Ấn Độ (1962), với Liên Xô cũ (1969) và với Việt Nam (1979). Đấy là chưa kể đến các vụ Trung Quốc gây xung đột vũ trang, cướp của Việt Nam quần đảo Hoàng Sa năm 1974, cướp một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988; chiếm đảo Vành khăn đang do Philippines kiểm soát năm 1995.
Trung Quốc thử tên lửa trên biển. Ảnh: Xinhua.net
Trên Biển Đông, Trung Quốc là nước có tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Hơn thế nữa, yêu sách quái gở và ngang ngược của Trung Quốc về cái gọi là “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” chiếm 80 % diện tích Biển Đông và xâm phạm nghiêm trọng tới các quyền lợi biển mà Công ước LHQ về Luật biển 1982 mang lại cho các nước trong khu vực Đông Nam Á, và lợi ích thương mại hàng hải của các nước ngoài vùng biển này, đã làm cho tình hình Biển Đông ngày càng gia tăng căng thẳng.
Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Nhật bản xung quanh quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Vùng biển quanh quần đảo này được biết đến là có nguyồn lợi thuỷ sản rất phong phú và nguồn khí gas dồi dào. Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku từ năm 1895 nhưng hiện nay Trung Quốc đang cho tầu hải giám, ngư chính và tầu cá xâm phạm vùng lãnh hải của quần đảo Senkaku, làm cho quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại giữa hai nước suy giảm đột ngột, nguy cơ xung đột gia tăng.
Trên biển Hoàng Hải, Trung Quốc tranh chấp với Hàn quốc về phạm vi vùng ĐQKT, trong đó có đảo đá Socotra (Hàn quốc gọi là Leodo, Trung Quốc gọi là Tô Nham). Mọi người chắc chưa quên vụ thuyền trưởng tầu cá Trung Quốc hung hãn tấn công và đâm chết một cảnh sát biển Hàn quốc hồi tháng 12/2011, trong khi cảnh sát biển Hàn quốc vây bắt 2 tầu cá Trung Quốc ở gần đảo Socheong, thuộc thành phố Incheon, ở phía Tây của Hàn quốc, cách không xa biên giới biển giữa Hàn quốc và CHDCND Triều tiên.
Trung Quốc đang nổi lên là cường quốc số 1 ở khu vực Châu Á. Có lẽ vì vị thế đó cùng với việc cho rằng chính sách “giấu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình khởi xướng từ những năm 1990 đã kết thúc nên Trung Quốc đang tự tin có những động thái “ăn hiếp” và “hăm doạ” các nước láng giềng nhỏ hơn ở khu vực này.
Kể từ đầu năm 2012 đến nay, tất cả các sự kiện liên quan đến Biển Đông hoặc biển Hoa Đông đều liên quan đến một bên là Trung Quốc. Bắt đầu là sự kiện bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham, Philppines gọi là Panatag) hồi tháng 4/2012 khi Trung Quốc điều hai tầu hải giám ngăn chặn không cho hải quân Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc xâm nhập trái phép và đánh bắt cá trong vùng biển này. Trung Quốc duy trì tầu chấp pháp và lập rào chắn vào bãi cạn, vốn cách Philippines hơn 100 hải lý và cách Trung Quốc hơn 500 hải lý. Sự việc cho đến nay vẫn chưa đến hồi kết, Philippines đề nghị đưa vụ việc ra toà án Luật biển quốc tế (ITLOS) nhưng Trung Quốc đã bác bỏ thẳng thừng với lý lẽ “không có gì phải đưa ra toà”.
Rồi đến tháng 6/2012 khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam, một hoạt động lập pháp bình thường nhằm nội luật hoá Công ước LHQ về Luật biển 1982 mà Việt Nam là thành viên, thì Trung Quốc đã nhân cơ hội này triển khai một loạt động thái có chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố cấp địa khu Tam Sa”, một thành phố lạ lùng nhất trên thế giới, khi chỉ có 15 km2 đất liền nhưng lại cai quản đến 2 triệu km2 vùng biển, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc tổ chức bầu “thị trưởng”, “hội đồng nhân dân” và lập “Bộ chỉ huy đồn trú quân” cấp sư đoàn tại Tam Sa, Gần đây có tin Trung Quốc đã tiến hành cấp phép kinh doanh cho một số doanh nghiệp xây dựng của Trung Quốc triển khai một số dự án ở “thành phố” này. Trung Quốc ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng ĐQKT và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc còn xua tầu cá tràn xuống Biển Đông đánh bắt cá, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng ĐQKT.
Chưa hết, vụ tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku với Nhật Bản mà điển hình là việc một nhóm các nhà hoạt động của Trung Quốc đã đổ bộ lên đảo Senkaku ngày 15/8, cắm cờ nhằm mục đích khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản phải phản ứng quyết liệt bằng việc tiến hành bắt giữ toàn bộ nhóm người này. Ngày 14/9 Trung Quốc đưa 6 tầu thuộc Cục hải dương, một lực lượng bán vũ trang, đến Senkaku. Quan chức cao cấp của Cục Hải dương còn nói “chúng tôi phải đuổi tầu của lực lượng phòng vệ Nhật bản ra khỏi vùng lãnh thổ Trung Quốc, chúng tôi không sợ nguy cơ dẫn đến xung đột quy mô nhỏ”.
Có lẽ Trung Quốc tưởng rằng mình đã đủ mạnh để có thể làm mưa làm gió, hết ở Biển Đông rồi đến Biển Hoa Đông. Nhưng với phản ứng mạnh mẽ của Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc đã có phần nào bị bối rối. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã phát biểu trong cuộc họp thường niên của Quốc hội Philippines tháng 7 vừa qua “Nếu có ai đó đi vào sân của nhà bạn và nói cái sân ấy thuộc về người ấy, bạn có chấp nhận không? Tôi kêu gọi người dân cả nước đoàn kết chống lại vấn đề tranh chấp lãnh thổ và hãy cùng cất lên một tiếng nói chung”. Việt Nam cũng phản ứng mạnh mẽ và ngay lập tức, coi việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” là vô giá trị. Trung Quốc ngang nhiên mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng thềm lục địa và vùng ĐQKT của Việt Nam là phi pháp. Trả lời cử tri TP HCM ngày 22/7, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang khẳng định lập trường trước sau như một của Việt Nam là bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ông nói “ việc này không phải chỉ bằng nhận thức mà phải bằng hành động, tức là phải xác lập chủ quyền biển đảo”. Trong buổi họp báo ngày 24/8, Thủ tướng Nođa của Nhật Bản khẳng định “ Trung Quốc chỉ thực sự tuyên bố chủ quyền đối với đảo Senkaku kể từ năm 1970, thời điểm phát hiện các vỉa dầu mỏ tiềm tàng trên biển Hoa Đông” và “Việc quần đảo Senkaku là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản không có gì phải nghi ngờ xét về mặt lịch sử lẫn luật pháp quốc tế và hiện nay chúng ta đang kiểm soát hiệu quả quần đảo này”. Hạ viên Nhật Bản thông qua nghị quyết phản đối lên án các hoạt động của Trung Quốc.
Một nước Trung Quốc, nếu thực sự đang “trỗi dậy hoà bình” sẽ là điều có lợi cho hoà bình và an ninh trong và ngoài khu vực, nhưng Trung Quốc cần phải tỏ cho thế giới thấy thiện ý và trách nhiệm của mình trước cộng đồng quốc tế. Một Trung Quốc luôn có những hành động ngạo mạn, bất chấp luật pháp quốc tế, coi thường dư luận quốc tế, ngang nhiên đưa ra những yêu sách quá đáng, rồi hăm doạ các nước nhỏ hơn, sẽ làm cho các nước khác phải cảnh giác, nghi ngờ về mục đích thật sự của một Trung Quốc muốn phát triển hoà bình. Phải chăng Trung Quốc đã kết thúc chính sách “giấu mình chờ thời” và bắt đầu cho việc thực hiện “giấc mơ Trung Quốc” với tham vọng muốn trị vì thiên hạ, muốn thiên hạ phải tập trung xung quanh Trung Quốc và thần phục tư tưởng Đại Hán???
Biển Đông và Biển Hoa Đông dậy sóng, phải chăng là điều Trung Quốc mong muốn, và Trung Quốc sẽ gặt hái được gì khi làm cho hai vùng biển này luôn căng thẳng???
Tin rằng ngày nay càng có nhiều người hiểu được cái ẩn chứa bên trong của môt Trung Quốc “trỗi dậy hoà bình”, đó không có gì khác hơn ngoài nguy cơ về một mối đe doạ từ chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang ngày càng lộ diện.
Minh Thuỷ