Sau khi quân Pháp rút khỏi Đông Dương, theo hiệp định Geneve năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) đảm nhận chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã xâm chiếm quần đảo này bằng vũ lực vào ngày 19/1/1974. Trận hải chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 của Hải quân VNCH là một bằng chứng lịch sử rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Trên thực tế khi ra tiếp quản quần đảo Hoàng Sa tháng 4 năm 1956 từ quân đội Pháp, Hải quân VNCH phát hiện Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép các đảo phía Đông của quần đảo này. Kể từ đó cho đến khi diễn ra trận hải chiến 1974, vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam không còn bình yên trước những diễn biến làm phức tạp tình hình từ phía Trung Quốc. Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, chấm dứt mọi sự can thiệp của quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam. Hạm đội 7 – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng rút quân và các thiết bị ra khỏi vùng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Kể từ đó, các hoạt động xâm nhập trái phép của Trung Quốc lên các đảo trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày càng gia tăng.
Để mở đầu cho kế hoạch gây chiến và đánh chiếm, ngày 11-1-1974, Trung Quốc đột ngột ra Tuyên bố phản đối việc chính quyền VNCH 4 tháng trước điều chỉnh sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Trung Quốc nhắc lại yêu sách vô lý về chủ quyền trên toàn bộ các đảo và quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay lập tức, ngày 12/1/1974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc của VNCH ra tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Ngày 16/1/1974, chính quyền VNCH tiếp tục ra Tuyên bố với những bằng chứng rõ ràng về pháp lý, lịch sử minh chứng chủ quyền lâu dài và liên tục của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng trong ngày 16/1/1974, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) khi đưa một phái đoàn ra quần đảo Hoàng Sa để khảo sát xây dựng sân bay phát hiện hai chiến hạm của Trung Quốc gần đảo Cam Tuyền. Quân Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép, cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Quang Hoà, Duy Mộng, Vĩnh Lạc …
Nhận được tin báo khẩn cấp, Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH điều thêm chiến hạm ra quần đảo Hoàng Sa để ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên vùng biển này của tàu chiến Trung Quốc với thái độ ôn hoà, kiềm chế. Cùng lúc đó, Trung Quốc đã điều động một lực lượng tàu chiến hùng hậu tiến về phía quần đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên một số đảo trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để cắm cờ. Một số tàu cá vũ trang của Trung Quốc còn bám theo các chiến hạm của Hải quân VNCH đang trên đường ra Hoàng Sa, cản trở hành trình của các tàu Việt Nam bằng những hành động khiêu khích.
Ngày 17/1/1974, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đổ bộ một toán biệt hải lên đảo Vĩnh Lạc để nhổ cờ Trung Quốc. Toán đổ bộ còn phát hiện mộ số ngôi mộ giả mới đắp không hề có xương cốt với những tấm gỗ ghi chữ Trung Quốc, với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước. Theo các nhân chứng, đêm 17 rạng sáng ngày 18/1/1974 là một đêm cực kỳ căng thẳng. Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình gia tăng sự khiêu khích. Các chiến hạm của họ bắt đầu tiến sâu vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Các tàu chiến Hải quân VNCH liên tục ra tín hiệu cảnh báo: “Đây là lãnh hải Việt Nam, yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay”. Phía Trung Quốc cũng ra sức đáp trả và cho rằng quần đảo Hoàng Sa là “lãnh hải” của Trung Quốc. Họ lì lợm không rút lui theo yêu cầu cảnh báo ôn hoà từ phía Việt Nam. Ngày 18/1/1974, chiến hạm HQ-4 tiến về phía đảo Cam Tuyền, đổ bộ một toán biệt hải lên đảo lúc 8 giờ sáng. Sau khi hạ cờ Trung Quốc, toán đổ bộ phát hiện những ngôi mộ giả do phía Trung Quốc mới đắp giống như trên đảo Vĩnh Lạc hôm trước. Đến 11 giờ cùng ngày, nhận được tin báo có hai tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc đang xâm nhập trái phép và tiến về quần đảo Hoàng Sa, các tàu HQ-4 và HQ-16 của Hải quân VNCH ra ngăn chặn, dùng tín hiệu cảnh cáo và yêu cầu các tàu xâm nhập trái phép ngay lập tức phải rút ra khỏi vùng biển Việt Nam. Nhưng hai tàu cá vũ trang của Trung Quốc không chấp hành hiệu lệnh và cố tính khiêu khích, gây hấn. Tàu HQ-4 tiến thẳng đến gần một tàu cá Trung Quốc, nhìn thấy rõ thuỷ thủ đoàn trên tàu mặc đồng phục xanh dương đậm, có trang bị hai súng đại liên và rất nhiều súng tiểu liên cá nhân. Tàu HQ-4 quyết định áp sát mạn tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc, dùng loa phóng thanh yêu cầu họ ngay lập tức rút khỏi vùng biển Việt Nam. Phía Trung Quốc cũng ra sức đáp trả bằng những lời lẽ khiêu khích và gây hấn.
Thấy không có tác dụng, tàu HQ-4 dùng mũi ủi vào tàu Trung Quốc. Trước thái độ cương quyết của Hải quân VNCH họ vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt tham gia xua đuổi tiếp các tàu cá vũ trang còn lại của Trung Quốc trong khu vực này. Buổi chiều cùng ngày, 3 chiến hạm của VNCH bao gồm tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) được lệnh sắp đội hình hàng dọc tiến về đảo Duy Mộng. Khoảng 16 giờ cùng ngày, có hai tàu chiến của Trung Quốc tiến ra khiêu khích, cắt đường ngang mũi các tàu HQ-4 và HQ-16. Do đội hình bị chia cắt, tàu của VNCH không thể tiến lên được, khoảng cách của hai bên rất gần nhau, các khẩu đại bác trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nhưng các tàu của VNCH được lệnh phải hết sức kiềm chế và phải cố gắng hết sức thuyết phục phía Trung Quốc lui quân.
Đêm 18 rạng sáng ngày 19/1/1974, tàu chiến và tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng khiêu khích và ngày càng tiến đến gần quần đảo Hoàng Sa. Tàu HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang thật sáng trên nóc đài chỉ huy dọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc. Đến nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) trong khi đang bị hỏng một máy chính chưa kịp sửa chữa, đã nhận lệnh ra Hoàng Sa tham gia đội hình chiến đấu. khoảng 6 giờ ngày 19/1/1974, tàu HQ-4 đã tiến sát đảo Quang Hoà và trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ khẩn cấp lên đảo…
Khoảng 10 giờ 25 phút, bốn chiến hạm của Hải quân VNCH được lệnh nổ súng để tự vệ trước sự gia tăng gây hấn, khiêu khích và xâm chiếm trái phép ngày càng quyết liệt hơn của Trung Quốc. Những phát đạn đầu tiên của tàu HQ-10 trúng ngay vào chiếc 389 của Trung Quốc làm nó bốc cháy, cùng lúc tàu HQ-16 cũng bắn thẳng vào chiếc 386 làm cho đài chỉ huy bị trúng đạn, hỏng hệ thống điều khiển bánh lái khiến nó cứ xoay vòng. Đang chiếm ưu thế, bất chợt khẩu 76,2 ly trên tàu HQ-10 bị trục trặc, thêm vào đó HQ-10 chỉ còn một máy chính nên xoay rất chậm trở thành mục tiêu dễ dàng của đối phương. Lợi dụng sự bất lợi đó, chiếc 389 đã tấn công tới tấp và HQ-10 trúng đạn. Không bỏ lỡ cơ hội, chiếc 389 của Trung Quốc tiến đến phía sau lái của HQ-10, nhưng bị các binh sĩ trên tàu HQ-10 chống trả dữ dội và điều khiển tàu đâm vào phần sau lái của chiếc 389, khiến chiếc naỳ bị hư hỏng nặng và bị loại khỏi vòng chiến. Đây cũng là lý do khiến chiếc 396 phải ngưng chiến đấu với tàu HQ-16 để ứng cứu chiếc 389 và đưa chiếc này ủi lên bãi san hô để tránh bị chìm xuống biển… Sau khoảng hơn 45 phút giao chiến, theo tài liệu của Trung Quốc các tàu của Trung Quốc mang số hiệu 274,271, 389,391 trúng đạn hư hỏng nặng 281, 282, 402, 407 hư hại trung bình. Theo tài liệu của VNCH, hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) trúng đạn bị chìm, HQ-16 bị hư hại nặng, HQ-4 và HQ-5 bị hư hại nhẹ. VNCH có hơn 50 binh sỹ tử trận. Trung Quốc bắt giữ 48 binh sỹ VNCH và một người Mỹ sau đó trao trả cho Việt Nam và Hoa Kỳ tại Hồng Kông.
Ngay sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa, chính quyền VNCH liên tục phát ra nhiều Tuyên bố phản đối hành động “xâm lăng trắng trợn bằng quân sự” này của Trung Quốc và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này. Trong khi đó, ngày 26/1/1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) cũng ra Tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Sau ngày Việt Nam hoàn toàn giải phóng, chính phủ CMLTCHMNVN cũng đã nhiều lần tuyên bố khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Ngày 5/6/1976, người phát ngôn Bộ ngoại giao Chính Phủ CMLTCHMNVN đã lên tiếng bác bỏ các thông tin xuyên tạc về Hoàng Sa và Trường Sa khẳng định hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam, từ trước đến nay luôn do người Việt Nam quản lý.
T.P