Theo đó, trong hai ngày Tết Nguyên đán 2023, hàng nghìn du khách và người dân đã đổ về ngôi đền nghìn tuổi TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) để dâng hương, du xuân và vãn cảnh.
Đông đảo du khách đi lễ đầu năm tại đền Cao ở Hải Dương
Từ sáng sớm ngày mồng 2 Tết nguyên đán 2023, du khách thập phương và người dân đã có mặt tại ngôi đền nghìn tuổi trong Quần thể di tích quốc gia đền Cao, phường An Lạc, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) để dâng hương, du xuân và vãn cảnh.
Ai cũng xúng xính quần áo, váy đẹp, trên gương mặt người nào cũng rạng ngời phấn khởi. Họ dâng lễ, khấn cầu cho một năm mới may mắn, gia đình hòa thuận, hạnh phúc và bình an.
Anh Nguyễn Ngọc Tân, ở phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) cho biết: “Hằng năm, vào dịp đầu xuân năm mới, tôi hay đi đền, chùa thắp hương, cầu mong sức khỏe cho gia đình, các cháu học giỏi. Như hôm nay, mồng 2 Tết, ba bố con tôi đi lễ ở đền Cao”.
Ngôi đền thu hút không chỉ người dân ở địa phương An Lạc hay người dân Chí Linh đến lễ đầu năm mà còn đón nhận nhiều du khách đến từ các huyện trong tỉnh Hải Dương và các tỉnh, thành phố lân cận đến lễ, du xuân vãn cảnh.
Anh Bùi Văn Hán ở xã An Lâm, huyện Nam Sách, cùng các thành viên trong đại gia đình chọn đền Cao linh thiêng là điểm đầu tiên để du xuân đầu năm.
Anh Hán phấn khởi cho biết: “Hôm nay, gia đình mình cùng với mẹ và cùng các em đi du xuân đầu năm mới. Mong muốn mọi điều tốt đẹp, an khang thịnh vượng, công việc hanh thông làm ăn phát đạt đến với các thành viên trong gia đình. Sau khi du xuân đền Cao xong, đại gia đình mình tiếp tục vào Côn Sơn rồi sang Kiếp Bạc”.
Ông Nguyễn Đình Long đến từ TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cùng gia đình về du xuân tại đền Cao. Thông qua thông tin tìm hiểu, ông Long biết đền Cao là một ngôi đền cổ, thờ 5 anh em họ Vương có công với dân với nước.
Ông Long cho biết: “Đi lễ đầu năm là truyền thống của gia đình tôi và của nhiều người. Xuân đến đi chùa, đi đền, vãn cảnh, thăm lại các di tích mà ông cha để lại. Mong muốn đầu năm không có gì bằng cầu chúc cho bản thân và gia đình, mọi người được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt”.
Ông Phan Văn Đức, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích TP Chí Linh cho biết: “Từ chiều ngày mồng 1 Tết và hôm nay mồng 2 Tết người dân và du khách đến lễ đền Cao rất đông. Chúng tôi ước phải đến hàng nghìn lượt người. Chắc những ngày tới đây, đền Cao còn đón thêm nhiều du khách về dâng hương, vãn cảnh.
Cũng theo ông Đức, không chỉ dâng hương cầu chúc sức khỏe, công việc hanh thông, làm ăn phát đạt mà nhiều du khách còn chú tâm tìm hiểu thông tin bổ ích về lịch sử di tích, thông qua đó, hiểu hơn về quá trình ông cha ta đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Hải Dương: Ngôi đền thiêng nghìn tuổi và đại bản doanh của Vua Lê Đại Hành
Đền Cao tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng được xây dựng vào thế kỷ thứ X. Trải qua hơn nghìn năm, đền được nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Kiến trúc, hoa văn của đền còn lưu lại đến nay là kiến trúc thời Nguyễn, với kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế, 2 gian trung từ, 1 gian hậu cung.
Đền có mái ngói rêu phong cổ kính, với những đầu đao cong vút, 2 bên áp mái là bức phù điêu lương long chầu mặt trời. Trước sân đền có thờ voi đá, ngựa đá uy linh.
Đền Cao thờ Thiên bồng Đại tướng quân Đại vương – Vương Đức Minh, người anh Cả của 5 anh em họ Vương. Đền Cao được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988 là một trong những di tích của Quần thể di tích đền Cao. Năm 2017, Quần thể di tích đền Cao được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Ngoài ra, trong Quần thể di tích đền Cao còn có đền Cả thờ thành hoàng Dương Tôn Linh và 2 vị nữ tướng họ Vương là Đào hoa trinh thuận công chúa – Vương Thị Đào và Liễu hoa linh ứng công chúa – Vương Thị Liễu; đền Bến Tràng thờ người em thứ 4 là Dực Thánh linh ứng Đại vương – Vương Đức Xuân; đền Bến Cả thờ người em thứ 5 Anh vũ dũng lược Đại vương – Vương Đức Hồng và đền thờ Vua Lê Đại Hành trên núi Bàn Cung.
Bà Dương Thị Phu, thủ nhang đền Cao cho biết: Truyền thuyết về 5 vị thánh họ Vương được sinh ra trong một bọc 5 trứng, 3 trứng màu vàng sinh 3 con trai, 2 trứng màu xanh sinh ra 2 con gái. Họ là con của ông Vương Tĩnh và bà Đào Thanh, quê gốc ở phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đến định cư sinh sống tại Dược Đậu Trang (tên ngày xưa của phường An Lạc).
Năm 981, khi đất nước có giặc Tống phương Bắc xâm lược, 5 anh em họ Vương đã đi đầu quân, được Vua Lê Đại Hành phong tướng cầm quân đánh giặc và lập được nhiều công lao. Sau khi ca khúc khải hoàn, 5 vị tướng họ Vương xin ở lại quê nhà để thờ phụng, hương khói cha mẹ thì các Ngài hóa về trời. Nhà vua tiếc thương, ban tước và cho lập đền thờ để nhân dân địa phương hương khói thờ phụng.
Tìm hiểu được biết, trước khi có đền thờ, chính vùng Dược Đậu Trang xưa nay là phường An Lạc còn là nơi được Vua Lê Đại Hành lập đại bản doanh để chỉ huy chống quân Tống xâm lược.
“Những địa danh lịch sử như: Núi Bàn Cung, Đồng Dinh, Lò Văn, Nội Xưởng… ở An Lạc ngày nay đã được các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định xưa kia chính là nơi Vua Lê Đại Hành lập đại bản doanh. Bởi đây là nơi đóng quân lý tưởng “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” để Vua Lê Đại Hành chỉ huy trong trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng” – anh Phan Văn Đức cho hay.