Xung đột giữa Nga và Ukraine đã mang lại cơ hội cho Mỹ và đồng minh thử nghiệm và đánh giá vũ khí, rút ra những bài học.
Phòng thử nghiệm vũ khí
CNN mới đây trích dẫn dữ liệu và ý kiến của các sĩ quan tình báo và quan chức Lầu Năm Góc cho rằng Ukraine đã trở thành phòng thí nghiệm chiến đấu thật sự. Theo đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã mang lại cho Mỹ và đồng minh cơ hội đánh giá năng lực của các loại vũ khí do họ sản xuất trong điều kiện được sử dụng nhiều, và loại bom đạn nào hai phe sử dụng để giành chiến thắng. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ còn theo dõi mức độ thành công của Nga trong việc sử dụng các loại máy bay không người lái (UAV) giá rẻ.
“Ukraine đích thực là một phòng thử nghiệm vũ khí vì không có thiết bị nào ở đó từng được sử dụng thật sự trong một cuộc chiến giữa hai nước phát triển về công nghiệp”, một nguồn thông thạo tình báo phương Tây nói với CNN. “Đối với quân đội Mỹ, cuộc khủng hoảng Ukraine còn là nguồn dữ liệu lớn về tính hữu dụng của các hệ thống vũ khí của họ”, người này nói thêm.
Ví dụ, UAV Switchblade 300 và một loại tên lửa được thiết kế để tấn công radar đã hoạt động kém hiệu quả hơn mong đợi, theo lời một sĩ quan tác chiến quân sự của Mỹ.
Phương Tây biến Ukraine thành bãi thử vũ khí
Theo vị này, hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 đóng vai trò then chốt trong thành công của Ukraine, dù còn cần bảo dưỡng nhiều khi được sử dụng nhiều. Cách Ukraine sử dụng số lượng rốc két hạn chế của HIMARS để phá hủy cơ sở chỉ huy và tiếp tế của Nga đã gây bất ngờ lớn và giới lãnh đạo quân sự sẽ nghiên cứu điều này trong nhiều năm.
Mỹ cũng rút ra một thông tin quan trọng khác từ việc sử dụng loại lựu pháo M777. Theo lời một quan chức quốc phòng, nòng pháo thường bị hỏng rãnh xoắn bên trong nếu phải bắn quá nhiều trong thời gian ngắn, làm giảm độ chính xác. Bài học Mỹ có thể đúc kết từ xung đột là các loại pháo phải dùng xe kéo như M777 có thể đã lỗi thời. Loại vũ khí này thường khó di chuyển nhanh để tránh bị bắn trả và rất khó lẩn trốn trong thời đại mà các loại UAV và công cụ giám sát trên không rất phổ biến.
Nhà thầu quốc phòng BAE Systems của Anh thông báo rằng đã nhìn vào thành công của Nga trong việc sử dụng các loại “UAV cảm tử” để điều chỉnh thiết kế của một mẫu xe thiết giáp mới. Cụ thể, loại xe này sẽ được trang bị thêm lớp giáp để bảo vệ binh sĩ khỏi các cuộc tấn công từ trên không.
Những sáng chế của Ukraine
Trong đợt phản công giành lại nhiều vùng vào mùa thu 2022, Ukraine đã sử dụng nhiều các loại pháo và rốc két do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, nước này cũng sáng chế ra hệ thống giúp khẩu pháo bắn chính xác hơn.
Giao tranh tại miền đông Ukraine bộc lộ điểm mạnh và điểm yếu của HIMARS
Theo CNN, đó là một phần mềm giúp biến máy tính bảng và điện thoại thông minh thành công cụ nhắm mục tiêu chính xác. Phần mềm này giúp chuyển dữ liệu hình ảnh vệ tinh thành thông tin để các đơn vị ra lệnh tấn công. Phần mềm dễ được cập nhật và nâng cấp, đã được sử dụng rộng rãi trong quân đội Ukraine.
Không chỉ vậy, quân đội Ukraine còn chế tạo ra các UAV nhỏ có khả năng thả lựu đạn và chất nổ xuống vị trí của lực lượng Nga. Họ cũng sử dụng máy in 3D để chế tạo phụ tùng sửa chữa thiết bị trên chiến trường, cải tiến xe bán tải thành giàn phóng tên lửa di động. Giới kỹ sư cũng tìm ra cách trang bị tên lửa phức tạp của Mỹ cho các tiêm kích cũ như MiG-29.
Bằng cách nào máy bay MiG, Sukhoi của Ukraine có thể mang bom JDAM của Mỹ?
Ngoài ra, Ukraine còn phát triển tên lửa chống hạm Neptune, dựa trên thiết kế thời Liên Xô, để tấn công hạm đội Nga. “Sự sáng tạo của họ thật sự ấn tượng”, chuyên gia Seth Jones, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nhận xét.