Như Biendong.net đã đưa tin, cuối tháng 12/2022, một chiếc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã xua đuổi một tàu đánh cá Philippines ở bãi cạn Ayungin (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, tên tiếng Việt là Bãi Cỏ Mây), cách Palawan 315 km về phía tây.
Trước tình hình Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông, chính quyền Manila nhận thấy, không thể một mình chống lại đối phương có sức mạnh vượt trội, nhất là về hải quân. Hôm 25/1, Thượng nghị sĩ Philippines Francis Tolentino thông báo, Philippines dự định sẽ tiến hành các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông với Mỹ, hoặc với các quốc gia thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo ông Tolentino, Philippines không chỉ tổ chức các cuộc tuần tra chung giữa cảnh sát biển của Mỹ-Philippines, mà dự kiến sẽ mở rộng hoạt động này thành cuộc tuần tra đa phương, bao gồm các quốc gia thuộc khối ASEAN để bảo đảm tự do hàng hải, thực hiện quyền đánh bắt cá và những hoạt động khác… Bởi nếu đơn độc tổ chức các cuộc tuần tra thì sẽ bị “nuốt sống”. Cần có sự tham gia của các quốc gia khác mới có thể duy trì tự do hàng hải trong khu vực. Bằng không chỉ là tự do… trên giấy.
Vì sao Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông? Xin nhắc lại rằng, từ việc đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý qua “Đường chín đoạn” Trung Quốc muốn tiếp tục yêu sách chủ quyền “Tứ sa” với âm mưu mở rộng vùng nước chung quanh bốn quần đảo mà họ gọi là Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa.
Trung Quốc cũng ráo riết thực hiện chiến lược “vùng xám” để xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển của một số quốc gia trên Biển Đông trong đó có vùng biển Philippines,Việt Nam, Indonesia, Malaysia…
Về mặt chiến lược, Bắc Kinh tiếp tục hoàn thiện chính sách ở Biển Đông, bằng cách tuyên bố thành lập các quận Tây Sa và Nam Sa trực thuộc thành phố Tam Sa. Đến đầu năm nay, Trung Quốc vẫn tăng cường các hoạt động nhằm biến đảo đã Chữ Thập thành thủ phủ của quận Nam Sa. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.
Không thể để Trung Quốc ỷ thế nước lớn mà làm mưa làm gió trên Biển Đông, một số quốc gia, nhất là Mỹ ngày càng can dự sâu hơn vào các vấn đề Biển Đông.
Mỹ tăng cường hoạt động tuần tra nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông. Đồng thời, Mỹ còn tăng cường tập trận với một số nước trên Biển Đông như Philippines, Singapore, Indonesia. Nhật Bản cũng tăng cường quan hệ với các nước nêu trên, viện trợ phương tiện, huấn luyện đào tạo kỹ năng thực thi pháp luật trên biển cho Philippines và Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, để giải quyết vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông phải thực hiện tốt một số giải pháp chiến lược. Muốn vậy, cần có sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Sự hợp tác phải trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế, quy định của UNCLOS, các thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương.
Các nước trong khu vực đang bị Trung Quốc o ép, vây hãm, bắt nạt cần đoàn kết thành một khối thống nhất. Cụ thể cần yêu cầu các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông thực hiện nghiêm túc quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 và các thỏa thuận khu vực.
Tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông là vấn đề lâu dài, phức tạp, trong đó có một số vấn đề về cạnh tranh địa chiến lược và địa quân sự xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một khi xung đột vũ trang nổ ra sẽ gây hậu quả nặng nề cho toàn khu vực và thế giới.
Vì vậy, cần áp dụng những cơ chế và giải pháp mang tính toàn khu vực và thế giới, quan trọng nhất là các bên liên quan cần phải tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Thái độ của chính quyền Philippines “vừa đánh vừa đàm” chính là thể hiện nguyên tắc đó. Trung Quốc có thể liều lĩnh tấn công, có thể dọa nạt một quốc gia chứ không thể tấn công tất cả các nước trong khu vực để chiếm trọn Biển Đông.
Nếu các quốc gia liên quan không đoàn kết lại, Bắc Kinh sẽ thực hiện chiến lược “bẻ đũa từng cái”. Và khi ấy, chính các nước đang có tranh chấp biển đảo sẽ tự đánh mất sức mạnh của “bó đũa”, nhất là khi có sự tiếp sức của các nước lớn trên thế giới, nhằm bảo vệ hòa bình, tự do hàng hải.
H.Đ