Tại Hội nghị lần thứ mười của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII Thành ủy Hà Nội đã có Kết luận 100-KL/TU. Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc trong tương lai.
Tại Hội nghị lần thứ mười của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII Thành ủy Hà Nội đã có Kết luận 100-KL/TU về kinh tế – xã hội, tài chính – ngân sách và đầu tư công năm 2022 – 2023; Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công; Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy định hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.
Cụ thể, trong Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy định hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh – Sóc Sơn – Đông Anh) và Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc – Xuân Mai).
Theo Thành ủy Hà Nội, hai thành phố này sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế – xã hội đối với các khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Tây của Thành phố.
Bên cạnh đó, Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố đề nghị tiếp tục nghiên cứu định hướng phát triển đối với khu vực nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Bắc Bộ; bên cạnh đó cần quan tâm phát triển các huyện phía Nam, vùng xa, giáp ranh với các tỉnh khác như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì (vốn là các địa phương còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội), tránh để hình thành các “vùng trũng” về phát triển của Thành phố. Thành phố cũng sẽ tập trung quy hoạch và đầu tư đưa một số huyện thành quận, trước mắt trong năm 2023 phấn đấu đưa 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận.
Nhiệm vụ quy hoạch phải bám sát nội dung tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quán triệt quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” và tính toán các điều kiện về hạ tầng nhằm góp phần đẩy mạnh việc liên kết vùng trong phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Đồng thời, nghiên cứu các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, các đồ án quy hoạch chuyên ngành của Thành phố.
Về việc dự báo dân số của Thành phố cần tính toán về hiện trạng và dự báo đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay của Thủ đô. Việc tính toán, dự báo chính xác dân số là cơ sở quan trọng để đề ra các giải pháp quản lý cũng như tính toán, cân đối về chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đất đai trong quá trình lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Ngoài ra, Kết luận 100-KL/TU đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP 2023 trên địa bàn tăng 7% trở lên. Tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt 10,5%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 6%. Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm; cố gắng sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội.
Đồng thời, Hà Nội cung đặt mục tiêu hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng thủ đô… Quy hoạch, ban hành quy định để triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ có sử dụng đất…
Năm 2022, Hà Nội đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển đã đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 8,89%, vượt kế hoạch đề ra là 7 – 7,5% và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (8,02%). Quy mô kinh tế của Hà Nội đạt 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ USD).
Không chỉ vậy, năm 2022 cũng là lần đầu tiên Hà Nội thu ngân sách vượt 300.000 tỷ đồng, đạt hơn 332.000 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng.
T.P