Mới đây, hơn một chục tỉnh thành tại Trung Quốc tuyên bố không có kế hoạch xây dựng trường đại học mới. Các chuyên gia về Trung Quốc giải thích rằng dân số Trung Quốc đang suy giảm, đặc biệt là do số lượng lớn các trường hợp tử vong bởi COVID-19; vậy nên dân số trong độ tuổi đại học – cao đẳng cũng giảm đáng kể, các trường đại học sẽ gặp khó khăn để tuyển đủ sinh viên trong thời gian tới.
Hôm 16/01, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc Southern Metropolis Daily đưa tin một số dự án xây dựng trường đại học mới ở tỉnh Quảng Đông bị gác lại. Ví dụ, thành phố Trạm Giang đã loại đề xuất thành lập Trường Cao đẳng Y tế và Y học Trung Quốc. Thành phố Yết Dương dừng xây dựng Đại học Phổ Ninh và Cao đẳng Y Tế Yết Dương. Tháng 12/2022, Phòng Giáo dục thành phố Phật Sơn cũng ra tín hiệu rằng một dự án chung giữa chính quyền thành phố Phật Sơn và Đại học Bách khoa Hong Kong sẽ không được tiến hành như kế hoạch.
Các tỉnh thành khác, chẳng hạn như Hắc Long Giang, Sơn Đông và Sơn Tây, tuyên bố họ sẽ không lên kế hoạch hoặc phê duyệt thêm bất kỳ trường cao đẳng hay đại học nào nữa. Ngoài ra, theo Southern Metropolis Daily, nhiều khu vực trên toàn Trung Quốc đã đặt ra nhiều hạn chế đối với các dự án xây dựng trường đại học mới.
Hôm 17/01, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) của Trung Quốc công bố dữ liệu dân số của nước này năm 2022. Theo đó, dân số Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên kể từ những năm 1960.
Theo báo cáo của NBS, dân số Trung Quốc đại lục, không bao gồm người ngoại quốc, giảm 850.000 người vào năm 2022, xuống còn 1,41 tỷ người, với 9,56 triệu ca sinh và 10,41 triệu ca tử vong trong năm.
Dân số giảm, chính quyền hết tiền
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), nguyên giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 18/01 rằng chính quyền nước này không xây thêm các trường đại học mới là do dân số đang giảm và do vậy, số dân trong độ tuổi học đại học – cao đẳng cũng giảm.
“Với sự suy giảm dân số tại Trung Quốc, bao gồm cả sự sụt giảm gây ra bởi virus Đảng Cộng sản Trung Quốc (virus corona chủng mới) khiến một số lượng lớn người chết, nước này đang thiếu sinh viên, các trường đại học hiện trong tình trạng thừa cung. Nếu Trung Quốc tiếp tục xây thêm trường mới, các trường sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để giành sinh viên. Trên thực tế, các trường đại học đang gặp khó trong việc đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh của họ”.
Một vấn đề khác là thiếu kinh phí, ông Lý cho biết thêm.
Ông nói: “Chính quyền địa phương hiện không còn tiền, các ngân hàng sẽ không đầu tư vào một ngành không có tương lai và không có lợi nhuận. Chính quyền trung ương cũng đang thắt chặt hầu bao đối với các trường đại học mới. Vì vậy, nhiều tỉnh thành đã đồng loạt tuyên bố sẽ không xây dựng trường đại học mới”.
Bàn về sự phát triển nhanh chóng của các trường đại học tại Trung Quốc trong 20 năm qua, ông Lý cho biết lý do chủ yếu là quá trình công nghiệp hóa giáo dục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – vận hành các trường học như các công ty.
Ông nói: “Trong quá trình phát triển nhanh như vậy, không có gì đảm bảo về chất lượng [giáo dục]. Ngày nay, hầu hết tất cả học sinh đều học lên cao. Cuối cùng thì các em phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, đây là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội”.
Ông Lý cũng nói rằng tốc độ phát triển giáo dục của ĐCSTQ không dựa trên nhu cầu xã hội mà dựa trên mệnh lệnh hành chính. Hơn nữa, chính quyền địa phương từng rất hào hứng với việc phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các trường đại học mới, vì giới quan chức có thể nhận được tiền lại quả từ các nhà thầu.
“Trong quá trình mở rộng tuyển sinh đại học, các trường đã hành động như các nhà bán buôn, lờ đi chất lượng giáo dục. Điều này khiến giáo dục bậc cao ở Trung Quốc phát triển lệch lạc trong những thập kỷ gần đây”, ông Lý cho biết.
Hậu quả từ chính sách kiểm soát sinh đẻ của ĐCSTQ
Ông Trần Duy Kiện (Chen Weijian), nhà hoạt động dân chủ và tổng biên tập tờ Beijing Spring, cho biết việc dừng các dự án trường đại học ở Trung Quốc là biểu hiện của những hậu quả tiêu cực từ chính sách một con của ĐCSTQ.
Ông Trần nói với The Epoch Times hôm 18/01: “Giờ đây đã đến lúc [ĐCSTQ] công khai quyết định này” – ông đề cập đến quyết định của Bắc Kinh về việc đột ngột dừng phát triển các trường đại học. “Họ biết rằng mọi chuyện sắp vỡ lở nhưng không công khai nó; bây giờ đã đến lúc ĐCSTQ phải công khai nó”.
Theo ông Trần, nhiều giáo sư lớn tuổi ở các trường đại học trên khắp Trung Quốc đã qua đời trong đợt bùng phát COVID-19 mới nhất, trong đó có một số giáo sư danh tiếng.
Ông Trần cho biết: “Tôi đã nhận được rất nhiều thông tin liên quan đến việc nhiều giáo sư già qua đời. Một số trong số họ được đào tạo tại các trường đại học nước ngoài ở các nước phát triển và tiêu chuẩn giáo dục của họ khá cao”.
“Vì vậy, tương lai của các trường đại học Trung Quốc không chỉ là vấn đề tuyển sinh, mà trình độ giáo dục cũng sẽ tụt dốc. Các giáo sư trẻ không thể bằng các giáo sư lớn tuổi [về học tập và nghiên cứu liên tục]. Chúng tôi cho rằng trình độ học thuật tổng thể của Trung Quốc, giáo dục đại học, sẽ tụt nhiều cấp độ”.
T.P