Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThế giới chưa sẵn sàng đối mặt với cuộc khủng hoảng tiếp...

Thế giới chưa sẵn sàng đối mặt với cuộc khủng hoảng tiếp theo

Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) vừa đưa ra lời cảnh báo rằng, các quốc gia trên thế giới vẫn chưa sẵn sàng ứng phó với những cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Tiêm vaccine COVID-19 ở Bali, Indonesia. Ảnh: AFP


AFP đưa tin, IFRC cảnh báo, nhiều cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai cũng có thể xảy ra và liên quan đến các thảm hoạ về khí hậu. Theo IFRC, dù đã trải qua 3 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, song các nước vẫn “thiếu hụt trầm trọng” các hệ thống ứng phó cần thiết.

IFRC cho biết, việc xây dựng lòng tin, sự công bằng và mạng lưới hành động ở cấp địa phương là điều quan trọng để sẵn sàng đương đầu với cuộc khủng hoảng tiếp theo.

“Các quốc gia vẫn chưa sẵn sàng chuẩn bị cho những đại dịch trong tương lai” – IFRC nói, đồng thời cho rằng, các chính phủ hiện đã dần buông lỏng kiểm soát so với năm 2019.

IFRC cho biết thêm, các quốc gia cần phải chuẩn bị trước cho “nhiều mối lo trước mắt, không chỉ một”, nói rằng xã hội chỉ thực sự trở nên vững chắc khi đã có những phương án để đối phó với các thảm hoạ khác nhau, ngay cả khi chúng xảy ra một cách dồn dập.

IFRC chỉ ra sự gia tăng của các thảm hoạ liên quan đến khí hậu và các đợt bùng phát dịch bệnh trong thế kỷ này, mà COVID-19 chỉ là một trong số đó.

IFRC cũng cho biết, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn, “và khả năng chúng ta có thể ứng phó là rất thấp”.

Hai bản báo cáo đã được công bố để đưa ra các khuyến nghị về việc giảm thiểu các thảm kịch trong tương lai dựa trên quy mô đại dịch COVID-19, đánh dấu 3 năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO công nhận COVID-19 là trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng quốc tế.

Tổng Thư ký IFRC Jagan Chapagain nói: “Đại dịch COVID-19 sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta sẵn sàng ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khoẻ tiếp theo. Đại dịch tiếp theo có thể sắp bùng phát; nếu COVID-19 không làm bước đệm để chúng ta kịp thời ứng phó, điều gì sẽ xảy ra?”.

IFRC cho biết, nếu mọi người tin tưởng vào các thông điệp về sự an toàn, họ sẽ tuân thủ các biện pháp y tế công cộng và chấp nhận tiêm chủng. Tuy nhiên, IFRC cho rằng, những người đương đầu với khủng hoảng “không thể chờ đợi đến lần tiếp theo để tạo dựng lòng tin”. Nếu niềm tin mong manh, sức khoẻ cộng đồng bị chính trị hoá và cá nhân hoá… thì việc ứng phó với COVID-19 bị suy yếu.

Theo IFRC, đại dịch COVID-19 phát triển với tốc độ chóng mặt và còn làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng: Điều kiện vệ sinh kém, tình trạng quá tải, không thể tiếp cận các loại hình dịch vụ y tế và xã hội.

“Thế giới phải giải quyết các lỗ hổng bất bình đẳng về sức khoẻ và kinh tế xã hội trước cuộc khủng hoảng tiếp theo” – IFRC lưu ý, đồng thời khuyến khích nên đồng hành cùng các cộng đồng địa phương để thực hiện công việc cứu trợ, vì đó là nơi khởi đầu và kết thúc đại dịch.

Bên cạnh đó, IFRC kêu gọi phát triển các sản phẩm ứng phó đại dịch vừa túi tiền, dễ bảo quản và sử dụng hơn.

Đến năm 2025, IFRC cũng khuyến nghị các quốc gia nên tạo điều kiện để tăng dòng tài chính y tế lên 1% tổng sản phẩm quốc nội và dòng tài chính y tế toàn cầu ít nhất 15 tỉ USD mỗi năm.

IFRC cho hay, tổ chức này đã tiếp cận hơn 1,1 tỉ người trong vòng 3 năm qua để truyền tải những kiến thức hữu ích giúp họ tự bảo vệ bản thân khi đại dịch đang diễn biến hết sức phức tạp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới