Trung Quốc tuyên bố tên lửa bội siêu thanh chống hạm của nước này có tốc độ cao đến mức không hệ thống phòng không nào có thể ngăn chặn.
Hôm 30.1, Lực lượng hỗ trợ chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đăng bài trên mạng Weibo cho biết tên lửa chống hạm YJ-21, còn gọi là Ưng Kích 21, của lực lượng này có tốc độ Mach 10 (12.250 km/giờ) và không hệ thống phòng không nào trên thế giới có thể ngăn chặn.
Tên lửa được ra mắt công chúng tại một triển lãm hàng không hồi tháng 11.2022. Việc đó cho thấy “hải quân Trung Quốc đã bắt đầu thành lập hệ thống chiến đấu có tính hủy diệt hơn cho hệ thống phòng thủ ngoài khơi, đưa năng lực chiến đấu ngăn chặn lên mức cao hơn”. Tên lửa YJ-21 được thiết kế để trang bị cho tàu chiến.
Hồi tháng 4.2022, hải quân PLA công bố đoạn video tàu khu trục Type 055, tàu khu trục lớn và hiện đại nhất của lực lượng, phóng YJ-21.
Tên lửa bay với vận tốc Mach 6 (gấp 6 lần vận tốc âm thanh) trong gần như toàn hành trình và đạt vận tốc giai đoạn cuối là Mach 10.
Trung Quốc có dụng ý gì khi công bố năng lực tên lửa bội siêu thanh YJ-21?
Trung Quốc tuyên bố không hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào có thể ngăn chặn tên lửa với tốc độ đó. Ngay cả khi tên lửa không sử dụng đầu đạn nổ, nó cũng tạo ra cú đánh chết chóc đối với tàu chiến đối phương.
Dù bài viết đã được đăng trên trang Guangming Online vào năm ngoái, đây là lần đầu tiên nó được đăng lại trên một tài khoản chính thức của PLA. Tờ South China Morning Post dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng việc này gửi thông điệp rõ ràng đến Mỹ.
Ông Lý Kiệt, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu hải quân của PLA, nói rằng tình hình thế giới đang phức tạp và việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy lên kế hoạch thăm Đài Loan trong mùa xuân này càng làm phức tạp thêm cho khu vực.
“Việc một tướng Mỹ thổi phồng nguy cơ xảy ra cuộc chiến Trung-Mỹ cho thấy Mỹ đã chuẩn bị khiêu khích Trung Quốc. Bắc Kinh phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để đáp trả sự khiêu khích của Mỹ nếu ông McCarthy đến Đài Loan, thay vì chỉ lặp lại việc bao vây đảo Đài Loan để tập trận sau khi bà Nancy Pelosi đến đó”, ông Lý nói.
Ông Lý cho rằng việc chính thức công bố năng lực của tên lửa bội siêu thanh YJ-21 và các loại vũ khí khác là quan trọng để PLA gửi một lời cảnh báo.
Vấn đề Đài Loan vẫn sẽ là trung tâm căng thẳng Mỹ-Trung Quốc vào năm 2023
Một chuyên gia khác giải mã ẩn ý của việc công bố nói trên trên tài khoản của Lực lượng hỗ trợ chiến lược, được thành lập vào năm 2015 với vai trò hỗ trợ toàn bộ các lực lượng vũ trang từ tác chiến mạng đến phân tích dữ liệu.
Ông Tống Trung Bình, một nhà phân tích quân sư Trung Quốc, nhận định bài viết cho thấy tên lửa YJ-21 phải dựa vào hệ thống vệ tinh của Lực lượng hỗ trợ chiến lược để dẫn đường.