Ngoài đất hiếm, một loại khoáng sản nữa Việt Nam có trữ lượng đứng thứ hai thế giới tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên.
Cụ thể, theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới. Trung Quốc là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới. 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới gồm có: Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Cùng với đó, Cục Khảo sát địa chất Mỹ cũng công bố trữ lượng bô xít của thế giới theo khảo sát năm 2022 đạt khoảng 32 tỷ tấn. Trong đó, trữ lượng bô xít ở Việt Nam đạt khoảng 5,8 tỷ tấn, đứng thứ 2 thế giới.
Guinea là quốc gia có trữ lượng bô xít lớn nhất thế giới. 5 quốc gia có trữ lượng bô xít lớn nhất thế giới gồm có: Guinea (7,4 tỷ tấn), Việt Nam (5,8 tỷ tấn), Úc (5,3 tỷ tấn), Brazil (2,7 tỷ tấn), Jamaica (2 tỷ tấn).
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, quặng bô xít phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới, Địa Trung Hải và vành đai xung quanh xích đạo. Các khu vực có nhiều quặng bô xít như Úc, Nam và Trung Mỹ (Jamaica, Brazil, Surinam, Venezuela, Guyana), châu Phi (Guinea), châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam) và châu Âu (Hy Lạp, Nga).
Bô xít là một loại quặng nhôm. Từ bô xít có thể tách ra Alumin (Al2O3 – nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân). Quá trình sản xuất nhôm từ quặng bô xít trải qua hai công đoạn quan trọng: Sản xuất alumin (Al2O3) theo công nghệ Bayer và điện phân Alumin thành nhôm (Al).
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở Việt Nam, quặng bô xít có hai loại chính, gồm bô xít nguồn gốc trầm tích tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La và Nghệ An.
Bô xít nguồn gốc phong hóa laterit từ đá bazan tập trung ở các tỉnh phía Nam như Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên và Quảng Ngãi. Mặc dù quặng bô xít được phân bổ khá đều trên khắp Việt Nam, tuy nhiên quặng bô xít ở Tây Nguyên được nhà nước chú trọng tập trung khai thác.
Hiện nay, Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước. Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông, Đắk Nông có tiềm năng phát triển công nghiệp Alumin, luyện nhôm lớn nhất cả nước. Tỉnh Đắk Nông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, với 218 mỏ và điểm mỏ, gồm 16 loại khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao.
Trong đó, tài nguyên lớn nhất là khoáng sản bô xít với trữ lượng chiếm 2/3 tổng trữ lượng cả nước. Quặng bô xít của Đắk Nông được phân bố ở thị xã Gia Nghĩa, các huyện Đắk G’Long, Đắk R’Lấp và Đắk Song, với trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỷ tấn, hàm lượng bô xít nhôm đạt từ 35 – 40%.
Trước tiềm năng về bô xít lớn, tỉnh Đắk Nông xác định phát triển sản xuất công nghiệp Alumin, luyện nhôm và năng lượng gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Tỉnh xác định tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn là công nghiệp Alumin – nhôm nhằm tạo động lực phát triển kinh tế.
Cùng với đó, tỉnh định hướng đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp Alumin, luyện nhôm, tạo động lực chính để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách chênh lệch kinh tế so với các địa phương khác trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Trên thực tế, trữ lượng và tiềm năng về bô xít ở Việt Nam còn lớn. Cùng với đó, nhu cầu về bô xít, nhôm ngày càng tăng do các đặc tính ưu việt khác nhau của nó như tính chất không độc, dẫn nhiệt cao, điện trở suất ăn mòn tốt và khả năng dễ dàng đúc, gia công và tạo hình.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, sự ra đời của ngành công nghiệp bô xít – alumin cũng đã tạo điều kiện kích cầu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ… cũng như các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản trên cả nước.
T.P