Bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng năm 2022 đang dần lộ diện khi các ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh. Tuy nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng lên nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng lên
Hiện nay, một số ngân hàng thông báo kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, số dư nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn có xu hướng tăng lên.
Chẳng hạn, tại Saigonbank, một điểm tối trong bức tranh kinh doanh năm qua của ngân hàng này là tổng nợ xấu tính đến 31/12/2022 chiếm gần 398 tỷ đồng trong tổng dư nợ, tăng 22% so với đầu năm. Từ đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,97% đầu năm lên 2,12% vào cuối năm 2022.
Với TPBank, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2022 của nhà băng này tăng 17% so với đầu năm, chiếm 1.357 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, tăng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất là nợ có khả năng mất vốn. Qua đó, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,82% đầu năm lên 0,84% vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 của ABBank là gần 2.366 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm qua. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,34% đầu năm lên 2,88% vào cuối năm 2022.
Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2022 của LienVietPostBank tăng 20% so với đầu năm qua, chiếm 3.427 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,37% đầu năm lên 1,46% vào cuối năm.
Với VIB, tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 của ngân hàng này là 5.687 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay ở mức 2,45% vào cuối năm.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2023, Vietcombank cho biết, tổng số dư nợ xấu trong năm 2022 của ngân hàng này là 7.662 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%; dư quỹ dự phòng rủi ro 35.603 tỷ đồng và tỉ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu nội bảng là 465%, cao nhất toàn hệ thống ngân hàng.
Còn với VietinBank, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này trong năm 2022 được kiểm soát ở mức 1,2%; tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021). Kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.
Với BIDV, tỷ lệ nợ xấu được ngân hàng này kiểm soát đến cuối năm 2022 ở mức 0,9%, tăng nhẹ so với mức 0,83% hồi đầu năm 2022. Tỉ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây.
Năm 2022, Techcombank có tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,9%, tăng so với năm 2021 nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành, giữ tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tích cực đạt 125%.
MBB cũng ghi nhận số dư nợ xấu năm 2022 tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09% nhưng ở mức thấp hơn so với nhiều ngân hàng tại cuối năm.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tức là nợ xấu của nền kinh tế, hiện nay có xu hướng tăng lên. NHNN cho rằng những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể sẽ bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới, khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Số liệu được công bố bởi NHNN cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống từ mức 1,4% cuối tháng 3/2022 đã tăng lên 1,9% vào tháng 8/2022 và đến cuối năm 2022 là 1,92%.
Các ngân hàng cho rằng nguyên nhân nợ xấu tăng trong năm 2022 một phần do nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022, từ đó, nhiều khoản nợ xấu bắt đầu lộ ra.
Nợ xấu vẫn được kiểm soát
Năm qua, các ngân hàng rất tích cực bán nợ, xử lý, thu hồi nợ xấu, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Về cơ bản, nợ xấu vẫn được kiểm soát.
Về phía cơ quan quản lý, để tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng, NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015 quy định về hoạt động mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng. Do đó, từ ngày 9/2/2023, các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất có thể được xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ.
Cùng với đó, Quốc hội đã cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết số 42/2017 đến ngày 31/12/2023; đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại kỳ họp tháng 5/2023.
Dù cơ bản kiểm soát được nợ xấu nhưng NHNN vẫn lưu ý về nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023. Trong khi đó, không phải ngân hàng nào cũng có tỉ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu cao khi có 10/27 ngân hàng có tỉ lệ dự phòng bao phủ rủi ro dưới 60%.
Giới phân tích dự báo nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng trong 2023, do khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) trong báo cáo triển vọng ngành năm 2023 đã đề cập đến nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng gia tăng do sự đóng băng của thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, theo VCBS, tỉ lệ nợ xấu sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.
SSI Research dự báo tỷ lệ nợ xấu năm 2023 sẽ tăng 26 điểm cơ bản, lên 1,71% với tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng lên 1,3% (từ khoảng 1% trong giai đoạn 2020-2022) dưới tác động của lãi suất cho vay cao hơn.
Các chuyên gia nhận định, ngành ngân hàng năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi các đợt tăng mạnh lãi suất huy động trong những tháng cuối năm 2022 sẽ bắt đầu phản ánh lên tốc độ tăng của chi phí vốn, kéo theo biên lợi nhuận ngày càng chịu áp lực thu hẹp. Hơn nữa, xu hướng lãi suất tăng nhanh cũng dẫn đến nguy cơ nợ xấu gia tăng cho hệ thống ngân hàng.
“Lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay, trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn, dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Dự báo, năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
T.P