Mỹ và Philippines vừa đạt thỏa thuận cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ tại quốc gia Đông Nam Á này. Đây là kết quả chuyến thăm Philippines lần thứ 7 trong 2 năm qua của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường ngoại giao với châu Á.
Hàng loạt chuyến thăm được lên kế hoạch trong năm nay một lần nữa gửi đi thông điệp về “sự trở lại” của nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Thỏa thuận là sự mở rộng của Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) có hiệu lực từ năm 2014 cho phép Mỹ luân chuyển binh sĩ trong thời gian lưu trú kéo dài cũng như xây dựng và triển khai các cơ sở tại các căn cứ của Philippines.
Mặc dù không thiết lập sự hiện diện sự lâu dài của Mỹ- vốn bị cấm theo Hiến pháp Philippines, song Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đánh giá đây là một “thỏa thuận lớn”, góp phần củng cố quan hệ hai nước: “Mục tiêu của chúng tôi luôn là thúc đẩy an ninh và ổn định hơn trong khu vực. Chúng tôi luôn nghiêm túc với cam kết này và sẽ tiếp tục làm việc cùng với các đồng minh, huấn luyện và đảm bảo rằng chúng tôi duy trì các lực lượng sẵn sàng và đáng tin cậy”.
Philippines là chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du châu Á kéo dài nhiều ngày của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ và diễn ra vào thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ đã thể hiện mong muốn gắn kết mạnh mẽ với các đồng minh, khẳng định tinh thần đoàn kết để đối phó với các thách thức trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Ukraine và suy thoái kinh tế.
Trước đó, tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Austin tuyên bố sẽ tăng cường triển khai các khí tài quân sự tiến tiến tới Bán đảo Triều Tiên, trong đó có máy bay chiến đấu và tàu sân bay nhằm tăng cường huấn luyện và lập kế hoạch chung. Hai nước cũng nhất trí mở rộng các cuộc cuộc tập trận quân sự hỗn hợp nhằm tăng cường khả năng ứng phó trong trường hợp Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.
Phản ứng trước hàng loạt động thái ngoại giao và quân sự của Mỹ tại châu Á, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cáo buộc Mỹ theo đuổi chương trình nghị có thể làm leo thang căng thẳng và gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định khu vực: “Hợp tác quốc phòng và an ninh giữa các quốc gia phải đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực và không nên nhằm mục tiêu hoặc làm phương hại đến lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào. Việc Mỹ tiếp tục tăng cường triển khai quân sự trong khu vực đang làm trầm trọng thêm căng thẳng và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực.”
Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đáp trả các động thái quân sự của Mỹ bằng lực lượng hạt nhân áp đảo nhất. Nước này cho rằng, việc Mỹ mở rộng các cuộc tập trận quân sự trong khu vực đang đẩy căng thẳng đến “lằn ranh đỏ nguy hiểm.”
Sau khi nắm quyền, Tổng thống Biden rất chú trọng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi coi đây là khu vực ưu tiên về an ninh, kinh tế và đối ngoại của Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, các nhà phân tích cho rằng, trong ngắn hạn, châu Âu sẽ chiếm phần lớn sự chú ý chiến lược của Mỹ. Và các đồng minh tại châu Á vốn vẫn chưa hết bất an trước chính sách ngoại giao của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cần thêm thời gian để đánh giá các cam kết của Mỹ.
T.P