Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCăng thẳng quan hệ Mỹ - Trung sau vụ khinh khí cầu...

Căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung sau vụ khinh khí cầu thám của TQ

Vụ khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc dẫn đến Mỹ hủy chuyến công du Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken vào phút chót và đánh dấu giai đoạn căng thẳng mới trong quan hệ song phương.

Hai ngày sau khi Lầu Năm Góc thông báo phát hiện một khinh khí cầu “lạ”, mà sau đó Trung Quốc xác nhận là của họ, Tổng thống Joe Biden tiếp thu đề nghị của giới quan chức quốc phòng là tiếp tục theo dõi và tạm thời không bắn hạ khinh khí cầu này, theo Đài CNN.
Mỹ “án binh bất động”

Ngày 2.2, Lầu Năm Góc loan tin về sự xuất hiện của một khinh khí cầu trên bầu trời Montana, nơi đặt hầm chứa 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở Căn cứ Không quân Malmstrom. Chuẩn tướng Patrick Ryder, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết chính phủ Mỹ vài ngày qua vẫn theo dõi khinh khí cầu trong lúc nó băng ngang bầu trời Bắc Mỹ, bên trên độ cao diễn ra hoạt động hàng không dân dụng.
Trong buổi họp báo ngày 3.2, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay các tướng lĩnh Mỹ cho rằng chưa nên bắn hạ khinh khí cầu vì có thể dẫn đến nguy hiểm trên mặt đất, và Tổng thống Biden đồng ý. Tuy nhiên, chính quyền Washington vẫn chưa loại trừ khả năng xử lý khinh khí cầu, nếu có thể đảm bảo mọi thứ an toàn. Theo một quan chức quân sự, Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ đang phối hợp với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) để xác định điểm rơi trong trường hợp bắn khinh khí cầu.

Hôm qua (4.2), Lầu Năm Góc thông báo phát hiện khinh khí cầu thứ hai của Trung Quốc, lần này trên bầu trời Mỹ La tinh. Cùng ngày, Hãng AFP dẫn lời chuyên gia William Kim của tổ chức Sáng kiến Marathon ở Washington D.C cảnh báo rằng trong khi khinh khí cầu đầu tiên có bề ngoài giống loại khảo sát thời tiết, nhưng nó lại có những điểm đặc biệt.

Trung Quốc nói gì về khinh khí cầu “do thám” bị phát hiện ở Mỹ?

Theo đó, phía Mỹ phát hiện khinh khí cầu mang theo những thiết bị điện tử cung cấp chỉ dẫn và thu thập thông tin, được vận hành bằng các bảng điện mặt trời. Nó cũng được trang bị công nghệ điều hướng tiên tiến mà hiện Mỹ vẫn chưa áp dụng. Chuyên gia Kim cũng lưu ý có thể Trung Quốc sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) cho khinh khí cầu. Đây là công nghệ cho phép ghi nhận những thay đổi trong không khí, điều chỉnh cao độ và hướng tới nơi muốn đến.

Bên cạnh đó, ông Kim cho hay không dễ bắn hạ một khinh khí cầu. Trong vụ một khinh khí cầu thời tiết “nổi loạn” vào năm 1998, Canada điều hai tiêm kích CF-18 nã hơn 1.000 viên đạn loại 20 mm về phía khinh khí cầu, nhưng không thể bắn rơi nó lập tức. Tất nhiên, một phương án khác là dùng tên lửa không đối không để đối phó, nhưng lúc đó Không quân Hoàng gia Canada không áp dụng vì tốn kém.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3.2, khinh khí cầu bị phát hiện trên bầu trời Montana là loại dân sự, phục vụ nghiên cứu khoa học và thời tiết. Khinh khí cầu đã bay lạc sang Mỹ ngoài ý muốn. Đến hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc giới chính khách và truyền thông Mỹ đã “lợi dụng” vụ việc để làm mất uy tín Bắc Kinh.
Mỹ cam kết sử dụng vũ khí hạt nhân bảo vệ Hàn Quốc

Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin ở Washington D.C hôm 3.2, ông Blinken khẳng định Mỹ vẫn cam kết sử dụng mọi năng lực quân sự hiện có, bao gồm hạt nhân, để bảo vệ Hàn Quốc. Theo Yonhap, một số người bắt đầu đặt nghi vấn về cam kết cũng như sự sẵn sàng của Mỹ trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân bảo vệ Hàn Quốc. Và ông Blinken một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ đồng minh, trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên phóng hơn 90 tên lửa trong năm 2022.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của khinh khí cầu Trung Quốc trong không phận Mỹ đã phá hỏng cơ hội hàn gắn quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington thông qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken. Lẽ ra chuyến bay của ông Blinken đến Bắc Kinh đã khởi hành vào tối 3.2 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, nhà ngoại giao đã gọi điện cho ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc, và thông báo hoãn chuyến công du.

“Trong cuộc điện đàm hôm nay (3.2) với ông Vương Nghị, tôi khẳng định sự hiện diện của khinh khí cầu do thám trong không phận Mỹ đã vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ Mỹ và luật quốc tế, và đó là hành vi vô trách nhiệm. Việc (Trung Quốc) quyết định hành động như thế vào thời điểm trước chuyến thăm của tôi đã gây bất lợi cho những cuộc thảo luận thực chất mà chúng tôi chuẩn bị”, Reuters dẫn lời ông Blinken. Nhà ngoại giao nói rằng Mỹ chắc chắn rằng khinh khí cầu trên có mục đích do thám

RELATED ARTICLES

Tin mới