Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSỰ THỰC VỀ CÁCH LÀM CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI BIỂN...

SỰ THỰC VỀ CÁCH LÀM CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI BIỂN ĐÔNG GẦN ĐÂY

Từ tháng 8 trở lại đây, tình hình Biển Đông có vẻ lắng dịu hơn do không xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như trong những tháng đầu năm 2012 khi Trung Quốc gây ra vụ việc phức tạp nghiêm trọng ở Biển Đông như tranh chấp kéo dài với Philippin ở khu vực bãi cạn Scarborough từ tháng 4/2012; công bố Quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” (21/6/2012) và tiếp đó ráo riết triển khai các hoạt động củng cố cơ quan lập pháp, hành chính, quân sự và cơ sở hạ tầng ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này; công bố mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách bờ Biển Việt Nam 60 hải lý (23/6/2012).

Nhiều nhà nghiên cứu đặt ra các câu hỏi: nguyên nhân của sự lắng dịu tình hình Biển Đông là do đâu? có phải tình hình Biển Đông thực sự lắng dịu và Trung Quốc có thiện chí giải quyết hòa bình với các nước láng giềng về những bất đồng khác biệt ở Biển Đông hay không? Chúng ta hãy đi phân tích để trả lời cho những câu hỏi này.

Nói về tình hình Biển Đông, có sự lắng dịu hơn là do một số nguyên nhân sau đây:

Một là, trước những hành động ngang ngược ngày càng leo thang của Trung Quốc trong những tháng đầu năm đã tạo ra mối quan ngại chung cho cả cộng đồng quốc tế. Mỹ đã có phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trên vấn đề Biển Đông thể hiện qua việc: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã 5 lần bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông chỉ trong vòng 1 tháng; trong Tuyên bố ngày 3/8/2012, Mỹ đã phản đối trực diện việc Trung Quôc thành lập “thành phố Tam Sa” và lập cơ quan chỉ huy quân sự đồn trú ở “Tam Sa”; Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết 524 và các Nghị sĩ Mỹ đã phê phán mạnh mẽ những hành động của Trung Quốc liên quan đến cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Thái độ mạnh mẽ hơn của Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã làm cho các nước Châu Âu cũng quan tâm và có thái độ rõ ràng hơn trong vấn đề Biển Đông, nhiều nước đã công khai phê phán những việc làm gây mất ổn định khu vực của Trung Quốc, thậm chí còn chủ động yêu cầu đưa vấn đề Biển Đông vào nội dung thảo luận của Hội nghị cấp cao Á – Âu đầu tháng 11 tới tại Lào. Trước tình hình đó, Trung Quốc phải xem lại cách hành xử của họ ở Biển Đông để ngăn Mỹ và các nước Châu Âu can dự sâu thêm vào vấn đề Biển Đông và không đẩy các nước láng giềng ven Biển Đông ngả theo Mỹ.

Hai là, trong những tháng gần đây tình hình biển Đông Hải hết sức căng thẳng xung quanh tranh chấp quần đảo Senkaku giữa Nhật và Trung Quốc. Nhật tỏ thái độ kiên quyết trong vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Nhật không chấp nhận tồn tại tranh chấp) trong khi Mỹ khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật và Mỹ sẽ bảo vệ nếu Senkaku bị tấn công bằng quân sự, điều này đặt Trung Quốc vào tình thế bị động đối phó. Trung Quốc không thể cùng lúc gây 2 điểm nóng ở cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, vì vậy Trung Quốc buộc phải tìm cách “hạ nhiệt” ở Biển Đông để tập trung ứng phó với những căng thẳng ngày càng leo thang ở khu vực biển Hoa Đông.

Ba là, sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM45) tại Cămpuchia, Trung Quốc đã lộ nguyên hình của kẻ gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết trong nội bộ ASEAN và kẻ phá rối ngăn cản việc AMM45 ra Tuyên bố chung. Các nước đã lên án phê phán mạnh mẽ cách làm này của Trung Quốc. Việc các nước ASEAN ngay sau đó ra Tuyên bố riêng 6 điểm về Biển Đông (20/7/2012) là “gáo nước lạnh” dội lên đầu những kẻ gây rối Trung Quốc. Trung Quốc nhận ra rằng nếu tiếp tục lấn tới với những hành động và việc làm thô bạo thì chỉ làm cho các nước ASEAN càng tập hợp lại với nhau hơn để đối phó với Trung Quốc. Mặt khác, các hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao Đông Á đang đến gần lần, Trung Quốc luôn muốn giữ thể diện cho những người lãnh đạo của họ, không muốn để người lãnh đạo cao nhất của họ lại bị các nước vạch mặt chỉ tên, lên án vì những hành vi thô bạo ở Biển Đông tại diễn đàn khu vực sắp tới.

alt

 

Tàu Hải giám của TQ trên biển. Ảnh: Xinhua.

Bốn là, chỉ còn chưa đầy tháng nữa là diễn ra Đại hội 18 của Đàng Cộng sản Trung Quốc, đấu đá trong nội bộ, sự tranh giành quyền lực ở Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết. Trung Quốc cần tập trung giải quyết vấn đề nội bộ để đàm bảo Đại hội diễn ra suôn sẻ, họ không muốn để những diễn biến ở Biển Đông ảnh hưởng đến kết quả Đại hội 18. Những vụ việc phức tạp Trung Quốc gây ra ở Biển Đông đang gây mối lo ngại về “nguy cơ Trung Quốc” không chỉ đối với các nước trong khu vực mà đối với cả cộng đồng quốc tế, họ phải tạm dừng các hoạt động gây hấn ở Biển Đông để còn có thể lớn tiếng hô vang các khẩu hiệu “chính sách phát triển hòa bình”, “chính sách láng giềng hữu nghị với các nước xung quanh” tại Đại hội 18.

Trả lời câu hỏi thứ 2: có phải tình hình Biển Đông thực sự lắng dịu và Trung Quốc có thiện chí giải quyết hòa bình với các nước láng giềng về những bất đồng khác biệt ở Biển Đông hay không?

Có thể khẳng định rằng sự “hạ nhiệt” ở Biển Đông chỉ là tạm thời vì mục tiêu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi. Thực tế diễn biến ở Biển Đông trong mấy năm trở lại đây cho thấy tình hình sẽ ngày càng phức tạp leo thang, hành động của Trung Quốc ngày càng quyết liệt và thô bạo hơn. Nhiều chuyên gia đã rút ra kết luận rằng tình hình Biển Đông diễn biến theo chu kỳ sóng biển và lớp sóng sau thì cao hơn lớp sóng trước, hết căng thẳng này sẽ đến căng thẳng khác nghiêm trọng hơn. Sự lắng dịu chỉ là sự thay đổi về chiến thuật, cách làm của Trung Quốc để thực hiện mục tiêu xuyên suốt là khống chế Biển Đông.

Trên thực tế thì Trung Quốc vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều hoạt động ở Biển Đông. Họ vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động để củng cố cái gọi là “thành phố Tam Sa”; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các tàu chấp pháp Trung Quốc (tàu ngư chính, hải giám); tiếp tục tổ chức các đội tàu cá lớn dưới sự yểm trợ của tàu hải giám, ngư chính xuống hoạt động ở Biển Đông; đặc biệt, vẫn tiếp tục bắt giữ, đe dọa uy hiếp các tàu cá, ngư dân Việt Nam đang hoạt động đánh bắt hợp pháp trên các ngư trường truyền thống ở Biển Đông…. Những gì Trung Quốc đã và đang làm liên quan đến tranh chấp với Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku cho thấy họ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để thực hiện mục tiêu cuối cùng của mình.

Còn bàn về “thiện chí” của Trung Quốc thì có lẽ chẳng có ai có thể tin được đó là sự thật. Họ luôn kiếm cớ đổ lỗi cho các nước láng giềng xung quanh gây ra tình hình căng thẳng. Là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, nhưng họ đã không tôn trọng Công ước; ký với các nước ASEAN Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhưng họ luôn vi phạm DOC; nếu có “thiện chí” tại sao Trung Quốc không chịu ngồi vào cùng các nước ASEAN tiến hành đàm phán về Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (COC) để làm cơ sở cho việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải trên Biển Đông, trong khi các nước ASEAN đã sẵn sàng và các nước ngoài khu vực, kể cả Mỹ luôn kêu gọi sớm ký kết COC; Là thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng Trung Quốc luôn hành động thiếu trách nhiệm; nếu có “thiện chí” thì tại sao Trung Quốc không dám tổ chức một diễn đàn đa phương để tất cả các bên liên quan cùng thảo luận tìm ra một giải pháp thỏa đáng, hợp lý, hợp tình các bên cùng có thể chấp nhận được mà lại luôn đòi giải quyết tay đôi để tìm cách “bắt nạt”, “hù dọa” các nước nhỏ; nếu có “thiện chí” thì tại sao Trung Quốc không dám đưa vấn đề ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế để phân giải; nếu có “thiện chí”, có “chính nghĩa” tại sao Trung Quốc luôn sợ đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại các diễn đàn quốc tế và khu vực ….

Gần đây, các nước láng giềng phát hiện Trung Quốc in cả hình bản đồ “đường lưỡi bò” vào trong quyển hộ chiếu điện tử của người dân và danh thiếp của các quan chức Trung Quốc, một cách làm chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Đúng là một sáng kiến thể hiện tham vọng một cách thô thiển mà một người bình thường không thể hình dung ra được.

Tóm lại, Trung Quốc hoàn toàn không có thiện chí trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Họ luôn tìm cách gây sức ép để buộc những nước láng giềng phải “khuất phục” họ. Trong 2 – 3 tháng trở lại đây, Trung Quốc chưa gây ra các vụ việc phức tạp nghiêm trọng ở Biển Đông là do những yếu tố khách quan và những vấn đề nội tại của họ; đây chỉ là thay đổi về sách lược nhằm che đậy cho những hành vi và âm mưu nham hiểm của họ trong thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông.

                                                                                Lê Thành

RELATED ARTICLES

Tin mới