Friday, December 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHSBC: Du lịch - "cú hích" cho kinh tế Việt Nam ngay...

HSBC: Du lịch – “cú hích” cho kinh tế Việt Nam ngay từ đầu năm 2023

“Bất chấp những khó khăn thương mại trong ngắn hạn, du lịch đang nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới, để xoa dịu những thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2023” – chuyên gia nghiên cứu HSBC nhận định.

Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An trong dịp Tết Quý Mão 2023.

“Cú hích” từ du lịch ngay dịp đầu năm

Theo kết quả nghiên cứu kinh tế Việt Nam “Vietnam at a glance” của HSBC, bất chấp tình hình thương mại đang chậm lại, kinh tế Việt Nam vẫn đang có những yếu tố tích cực trong đầu năm Quý Mão 2023.

Điểm sáng đầu tiên được HSBC đề cập là sự tăng trưởng của ngành du lịch sau khi mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái.

“Du lịch nội địa của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng du lịch quốc tế, vốn chiếm 60% doanh thu du lịch, lại không mấy sôi động. Mặc dù vậy, Việt Nam có những lý do chính đáng để kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại”- HSBC nhận định.

Việc Trung Quốc bắt đầu quá trình mở cửa trở lại được chuyên gia HSBC đánh giá là cơ hội thuận lợi cho ngành du lịch đang phát triển mạnh của Việt Nam, nhất là khi Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất của Việt Nam trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Không những vậy, với mức chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á khác, sự trở lại của khách Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đem lại cho Việt Nam những “cú hích” lớn (chỉ sau Thái Lan).

“Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, chúng tôi tin rằng tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc sẽ đạt 50-80% so với trước đại dịch (từ 3 triệu đến 4,5 triệu lượt khách) là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam”- Theo chuyên gia HSBC.

Cũng theo HSBC, sau khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3/2022, với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch nội địa, Việt Nam đã dễ dàng vượt qua mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022 khi đã đạt con số hơn 100 triệu lượt.

Đối với du lịch quốc tế, năm 2022, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách, chỉ bằng 20% so với mức của năm 2019 và chủ yếu là du khách đến từ Hàn Quốc (26%), Mỹ (9%), cho thấy phân khúc này mới chỉ phục hồi phần nào. Điều này cho thấy tiềm năng đáng kể để mảng dịch vụ tiếp tục phát triển trong bối cảnh nhu cầu thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại.

“Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu thu hút 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023, cùng với doanh thu từ du lịch dự kiến sẽ tăng hơn 30%, mặc dù mức kỳ vọng vẫn thấp hơn năm 2019”- chuyên gia HSBC chia sẻ.

Trong thời gian qua, để thúc đẩy du lịch phát triển trở lại, ngành du lịch Việt Nam đã khai thác thêm các thị trường mới với nhiều sáng kiến khác nhau, thông qua các chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch, để tiếp cận thị trường Ấn Độ và các thị trường khác.

Những động thái này thể hiện ở việc Hãng Hàng không Vietjet mở các đường bay mới từ đảo nghỉ dưỡng Phú Quốc tới New Delhi và Mumbai của Ấn Độ từ tháng 9/2022 và liên tục mở các các đường bay trực tiếp nối các TP lớn giữa Việt Nam – Ấn Độ, đưa hoạt động du lịch phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Theo HSBC, bên cạnh việc xem xét nới lỏng thêm chính sách thị thực, gia tăng thời gian miễn thị thực và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, thì việc cải thiện cơ sở hạ tầng truyền thống, đảm bảo cơ sở vật chất dịch vụ lưu trú, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Việt Nam là điều cần thiết, để tăng sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

HSBC cũng cho rằng mức độ phát triển các cơ sở vật chất phục vụ du lịch nói chung cũng rất đáng khích lệ. Đặc biệt, nguồn cung cơ sở lưu trú cao cấp tiếp tục tăng trưởng với số lượng cơ sở tiêu chuẩn 4-5 sao tăng bình quân 12%/năm trước đại dịch.

Sau đại dịch, một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tìm cách mở thêm cơ sở mới tại Việt Nam, phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam trong các lĩnh vực khác chứ không chỉ trong sản xuất.

Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh

Theo HSBC, bên cạnh những dấu hiệu tích cực của ngành du lịch thì dữ liệu các ngành như thương mại, sản xuất công nghiệp… của Việt Nam trong tháng 1/2023 đang có dấu hiệu yếu đi đáng kể.

Nguyên nhân là do các nhà máy đóng cửa nghỉ lễ dài ngày (7 ngày), nên chỉ số sản xuất công nghiệp (chỉ số PMI) tháng 1/2023 của Việt Nam khép lại với kết quả yếu, giảm cả trên cơ sở so sánh từng tháng và năm. Bên cạnh đó, chỉ số PMI mới nhất là 47,4 càng cho thấy sự suy yếu kéo dài trong lĩnh vực sản xuất.

HSBC chỉ rõ kết quả xuất khẩu tháng 1/2023 đã giảm -21,3% so với cùng kỳ năm 2022, do hàng điện tử, dệt may, giày dép, máy móc và thiết bị xuất đi sụt giảm; chỉ số nhập khẩu cũng giảm mạnh đến -28,9% so với cùng kỳ năm 2022. Không chỉ vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm đến -12,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi đó ở tháng 11 và 12/2022 lại tăng 8,2% và 2,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo HSBC, lạm phát toàn phần của Việt Nam tiếp tục nhích lên trong tháng 1/2023 với mức tăng lên 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Trong đó, lạm phát lương thực tiếp tục là yếu tố đóng góp lớn nhất, ở mức 6,1% so với cùng kỳ. Giá các mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng lên, như gạo, thịt gia cầm và trái cây chế biến, do mức tiêu thụ tăng vào dịp Tết.

“Mặc dù giá dầu thế giới vẫn ổn định trong tháng 1, nhưng thuế bảo vệ môi trường của Việt Nam đối với xăng đã tăng từ 1.000 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, khiến giá xăng bán lẻ trong nước tăng nhẹ. Ngoài ra, lạm phát cơ bản tiếp tục đà tăng, lên 5,2% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước đang bùng nổ. Bức tranh về nhu cầu trong nước sẽ hiện lên rõ ràng hơn khi dữ liệu tháng 2 được công bố nhưng những dấu hiệu ban đầu cho thấy tiêu dùng vẫn đang tăng”- HSBC đánh giá.

Trước những diễn biến này, HSBC cho rằng: “Có nhiều rủi ro tăng đối với lạm phát. Vì vậy, đây cũng là dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở trong cả quý 1/2023 và quý 2/2023, đưa lãi suất điều hành lên 7,0% vào giữa năm 2023”.

Mặc dù vậy, HSBC vẫn tỏ ra lạc quan đối với kinh tế Việt Nam khi Việt Nam khởi đầu năm 2023 với dòng vốn FDI mới đạt 1,2 tỷ USD, cùng với đó là các công ty công nghệ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

“Bất chấp chu kỳ đi xuống của công nghệ toàn cầu trong ngắn hạn đang cho thấy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực khi bước vào quý 1/2023”- chuyên gia HSBC kỳ vọng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới