Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ chứ không phải...

Lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ chứ không phải chỉ ‘tham khảo’

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, theo Quy định số 96, kết quả lấy phiếu tín nhiệm dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để “tham khảo trong đánh giá cán bộ”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định nêu rõ, thông qua lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, nếu như không đạt được yêu cầu tín nhiệm sẽ miễn nhiệm. Đặc biệt lần này Quy định 96 tập trung vào tiêu chí về sự gương mẫu của vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý.

Quy định số 96 là bước tiếp tục cụ thể hóa Quy định 41 của Đảng về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Kết luận 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Lần này, Quy định 96 đã nêu rõ, thông qua lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, nếu không đạt được yêu cầu tín nhiệm cần thiết sẽ miễn nhiệm. Những người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ phải miễn nhiệm chức vụ đang giữ và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm.

Với quy định lần này, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để “tham khảo trong đánh giá cán bộ” như trước đây.

Bởi trước đây Quốc hội cũng lấy phiếu tín nhiệm chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn gồm 3 bước: một là tín nhiệm cao, hai là tín nhiệm và ba là tín nhiệm thấp. Những lần bỏ phiếu đó đều có phiếu tín nhiệm cao nhiều hơn, còn số phiếu tín nhiệm thấp rất ít. Nhưng việc lấy phiếu cũng chỉ để nắm được tình hình, không đi đến quyết định về miễn nhiệm. Lần này Quy định 96 đã quy định rất rõ việc miễn nhiệm.

Điểm đáng chú ý trong Quy định 96, đó là đã bổ sung thêm tiêu chí về sự gương mẫu của không chỉ cán bộ lãnh đạo quản lý đó mà cả vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.

Quy định cho thấy, cán bộ lãnh đạo quản lý, dù ở cấp nào nếu sai phạm trước hết phải xem xét trách nhiệm của chính mình, cũng như vợ, con, họ hàng đã để bị chi phối trong thực thi trách nhiệm. Đây là tiêu chí quan trọng để có tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý.

Đồng tình với cách làm này, ông Nguyễn Viết Thiết, thành viên Câu lạc bộ Thăng Long, cho rằng nếu anh không gương mẫu trong gia đình thì vợ con sẽ làm sai trái và chính người ta lợi dụng chức vụ, quyền hạn của chồng, của cha để vụ lợi. Như vậy là vi phạm luật pháp.

“Quy định 96 đề cập tiêu chí này là rất cần thiết. Trong gia đình anh không chấp hành nghiêm chỉnh, thì làm sao ngoài xã hội thực hiện tốt được”, ông Thiết nêu quan điểm.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hạc, nguyên Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng cho rằng, cán bộ lãnh đạo phải biết “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, để lãnh đạo tốt hơn, đúng đắn hơn thì bản thân anh phải đúng đắn. Cùng với đó, những người trong gia đình cũng phải rèn luyện tốt, chứ không phải lợi dụng chức quyền để làm việc không đúng đắn. Như thế uy tín lãnh đạo mới tốt hơn”.

Trước đây, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với các chức danh là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Trong 5 năm của nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm 2 lần, một lần vào giữa nhiệm kỳ và một lần vào cuối nhiệm kỳ.

Trong Quốc hội vào các năm 2013, 2014 cũng đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Sau đó, Quốc hội quyết định chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi khoá, đến năm 2018 Quốc hội tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Với Quy định 96 lần này, quy mô đã mở rộng trong toàn hệ thống chính trị các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận đoàn thể, từ trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương, việc lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”, là kênh thông tin rất quan trọng trong đánh giá cán bộ.

“Lấy phiếu tín nhiệm, ngoài việc để liên hệ, kiểm điểm, đánh giá bản thân mình, thì căn cứ vào ý kiến góp ý, vào phiếu lấy tín nhiệm của tập thể để bản thân mình thấy đầy đủ hơn. Nếu nhiều người bỏ phiếu mình tín nhiệm thấp thì phải tự suy nghĩ, liên hệ xem còn khuyết điểm gì, còn những mặt yếu gì để sửa chữa, khắc phục và vươn lên. Đồng thời cũng để giúp cho cấp quản lý cán bộ đó đánh giá cán bộ tốt hơn, đúng hơn. Cấp quản lý, lãnh đạo cán bộ đó có thể qua đó nhận xét, đánh giá cán bộ đầy đủ, hoàn thiện hơn”, ông Hà phân tích thêm.

Qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để ghi nhân, đánh giá những người được phiếu tín nhiệm cao, đồng thời với những cán bộ hiện công việc được giao chưa thật tốt, phiếu tín nhiệm không cao có điều kiện suy ngẫm để tự soi, tự sửa.

Lấy phiếu tín nhiệm như lời Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng từng nói: “không phải là để truy cứu trách nhiệm”, mà đây là bước để giúp cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh, tự phấn đấu, rèn luyện để vươn lên hoàn thiện bản thân mình hơn, góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới