Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThế lưỡng cực của thế giới

Thế lưỡng cực của thế giới

Chỉ còn mấy hôm nữa là tròn một năm ngày Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine. Trong khi Mỹ vẫn đang tiến hành một cuộc “chiến tranh từ xa” chống lại Nga, thì Trung Quốc kiên trì chiến lược “bắt cá hai tay” với Nga và phương Tây.

“Bắt cá hai tay” là chiến lược khôn khéo của Trung Quốc trong gần một năm qua. Cuộc chiến tại Ukraina là điểm nổi bật của cục diện quốc tế hiện nay. Nó dẫn đến việc củng cố thế lưỡng cực của thế giới.

Tuy ủng hộ Matxcơva, nhưng Bắc Kinh cố giữ cho việc ủng hộ Nga ở mức độ chấp nhận được, để không trở thành thù địch với Mỹ và phương Tây. Đúng là sách Tầu từ thượng cổ nay được áp dụng triệt để: “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau, đánh nhau đi giữa”.

Nhờ thân Nga mà Trung Quốc kiếm được nhiều món hời. Theo ông Alice Ekman – chuyên gia về châu Á, thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Liên Âu (EUISS) – nhờ siết chặt quan hệ với Nga mà trao đổi mậu dịch Trung-Nga trong năm hơn tăng hơn 30%, đạt mức kỷ lục 190 tỉ USD.

Mặc dù bắt tay Nga, nhưng sợi dây mong manh trong quan hệ ngoại giao với phương Tây luôn được chú ý. Trung Quốc luôn giữ khoảng cách để không tự biến thành địch thủ của phương Tây. Trung Quốc không chỉ từ chối chỉ trích cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine mà còn tìm cách giúp nền kinh tế Moscow chống chịu trước các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách mua dầu mỏ Nga.

Cố nhiên, Bắc Kinh không dại gì hậu thuẫn Matxcơva một cách công khai, ồn ào, giống như các nước đồng minh và đối tác ủng hộ Kiev. Trung Quốc cũng không cung cấp cho Nga nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự như đề nghị của nước này.

Hẳn độc giả còn nhớ, cách đây một thập niên, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rất căng thẳng. Lúc bấy giờ Trung Nam Hải Bắc Kinh nghi ngờ chiến dịch của chính quyền cựu Tổng thống Obama là nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Á – một nỗ lực kiềm chế Trung Quốc.

Thời Tổng thống Joe Biden quan hệ Mỹ – Trung còn trở nên tồi tệ hơn. Trong bối cảnh có thể một cuộc Chiến tranh lạnh mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang ở trong tình thế đối đầu. Vụ không quân Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc mới đây càng khiến cho căng thẳng bị đẩy lên cao.

Về phía Nga, trong bối cảnh phương Tây tăng cường trừng phạt nước này vì cuộc chiến ở Ukraine, Moscow đã ráng sức tìm đồng minh, thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á. Tổng thống Putin nói một cách mơ hồ rằng: “Dù ai đó có muốn cô lập Nga như thế nào thì họ cũng không thể làm điều đó. Hãy nhìn vào bản đồ xem”. Ngầm ý của Putin là, Moscow và Bắc Kinh đều xác định vấn đề thật sự của họ là đối phó với nỗ lực của Mỹ nhằm chi phối thế giới.

Trong thời điểm quan hệ Trung-Mỹ tồi tệ nhất khi chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi thăm Đài Loan quan hệ giữa hai nước càng mặn nồng hơn bao giờ hết. Hai nước khẳng định: Mỹ chỉ là con hổ giấy. Mỹ không thể trở thành “hiến binh” hay “giám sát công lý” trên thế giới như ảo tưởng của Washington.

Thế nhưng kể từ cuối năm 2022, trước những điều được coi là “bước lùi quân sự đáng kể” của Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phân vân về mối quan hệ với Moscow (!). Mối quan hệ hữu nghị được cả hai bên khẳng định là “không có giới hạn” liệu còn tồn tại?

Trong khi đó, Mỹ và phương Tây vẫn đang tiến hành một cuộc “chiến tranh từ xa” chống lại Nga, bằng việc viện trợ quân sự cho Ukraine và trừng phạt kinh tế Moscow. Mỹ cũng sẽ không liều lĩnh có một cuộc xung đột trực tiếp với Nga, bởi điều đó có nguy cơ khiến nước này sử dụng vũ khí hạt nhân.

Như vậy là Mỹ và Trung Quốc đều không dại gì “xích lại” hẳn về bên nào. Có lẽ sự “khôn ngoan” này khiến cho cuộc chiến tại Ukraine chưa dễ chấm dứt, dù đã tốn quá nhiều máu xương, tiền của của binh sĩ, người dân Ukraine và Nga.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới