Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngTQ xúi giục 100 ngàn ngư dân tràn xuống Biển Đông

TQ xúi giục 100 ngàn ngư dân tràn xuống Biển Đông

Hệ thống nhà dàn DK1 và các bãi cạn, thực thể ở Trường Sa chưa có bên nào đóng quân đang rơi vào tầm ngắm diều hâu, cú vọ.


South China Morning Post ngày 7/3 đưa tin, Trung Quốc đang xúi giục các ngư dân nước này tràn xuống Biển Đông bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp và đào tạo an ninh, một quan chức nước này cho biết hôm Thứ Hai. 

La Bảo Minh, Bí thư tỉnh Hải Nam phát biểu bên lề kỳ họp Lưỡng Hội: “Với tình hình hiện nay ở Biển Đông, ngư dân phải bảo vệ (cái gọi là) hoạt động đánh bắt bình thường của họ trong khu vực, bởi vì đó là nơi câu cá (trộm) của tổ tiên chúng ta”.

Ông Minh nói rằng, Hải Nam có hơn 100 ngàn ngư dân. Chính quyền Hải Nam đã cung cấp hỗ trợ cho lực lượng này trong việc đóng tàu lớn, trợ cấp nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt (bất hợp pháp) trên Biển Đông, đồng thời ngư dân được chính phủ Trung Quốc “đào tạo năng lực tự vệ”.

Bí thư tỉnh Hải Nam tự hào rằng, một số tàu cá Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông còn “lớn hơn cả một số tàu chiến hải quân của các nước Đông Nam Á”?! “Ngư dân Hải Nam đã ghi nhận bằng chứng hoạt động của tổ tiên họ trên Biển Đông 600 năm qua”, ông Minh tuyên truyền.

South China Morning Post lưu ý, Trung Quốc đã được biết đến là nước thường xuyên sử dụng tàu dân sự làm lá chắn cho chính phủ. Họ thường điều động lực lượng này quấy rối tàu thuyền nước ngoài, đặc biệt là các tàu của hải quân Mỹ trên Biển Đông.

Tháng 10 năm ngoái khi khu trục hạm USS Lassen tuần tra bên trong 12 hải lý đá Xu Bi, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng (bất hợp pháp), nó đã bị theo đuôi bởi một số tàu chiến hải quân, tàu buôn và tàu cá Trung Quốc.

Các tàu cá Trung Quốc tỏ ra rất hung hăng, khiêu khích “cắt mũi” chiến hạm USS Lassen, tờ Defence News cho biết. 

Vương Hàn Linh, Giáo sư thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc nói với South China Morning Post: “Khuyến khích các tàu cá tham gia bảo vệ quyền lợi hàng hải là rất phổ biến trong các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines, bởi vì điều này không bị luật pháp quốc tế, Luật Biển cấm đoán”.

Ông Linh tuyên truyền rằng, chính quyền Trung Quốc đã phát hiện ra một số binh sĩ Việt Nam cải trang làm ngư dân thu thập thông tin tình báo gần một số thực thể Bắc Kinh kiểm soát (bất hợp pháp) ở Biển Đông.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, trên Biển Đông ngư dân Việt Nam chỉ thực hiện việc đánh bắt, khai thác trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Đó vừa là việc mưu sinh, giữ gìn cơ nghiệp của cha ông, vừa là tình cảm và trách nhiệm công dân đối với một phần lãnh thổ, vùng biển vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Hoạt động này khác hẳn về bản chất với những hoạt động của một bộ phận ngư dân Trung Quốc bị chính quyền nước này xúi giục, giật dây hòng phục vụ mưu đồ đen tối – bành trướng và độc chiếm Biển Đông – PV.

Tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp gần đá Xu Bi, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Động thái của Trung Quốc thúc đẩy yêu sách bành trướng trên Biển Đông vấp phải sự lên án gay gắt từ các nước láng giềng trong khu vực, khiến Hoa Kỳ phải điều động chiến hạm đến Biển Đông tuần tra thường xuyên.

Tuy nhiên hôm Thứ Hai, ông Vương Nghị – Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố, ông không muốn thấy “bất cứ nước nào khoe mẽ sức mạnh quân sự ở Biển Đông. “Không có vấn đề gì về tự do hàng không hàng hải trên vùng biển rộng lớn như vậy, cho đến nay chưa có con tàu nào phàn nàn về tự do hàng hải”, ông Nghị nói.

Vài lời nhận xét: Đây là một bước leo thang không mới nhưng rất nguy hiểm và được chính phủ Trung Quốc công khai thừa nhận và thách thức dư luận, dùng ngư dân làm lá chắn triển khai các hành động quấy rối tàu thuyền Hoa Kỳ và các bên liên quan ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ đơn giản dùng đồng tiền mua chuộc, điều khiển ngư dân của họ đem tính mạng và tài sản ra ngăn chặn các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế trên Biển Đông mà Hoa Kỳ triển khai.

Nguy hiểm hơn là Bắc Kinh hoàn toàn có thể mượn gió bẻ măng, sử dụng lực lượng ngư dân và tàu cá này để gây ra những cuộc khủng hoảng “nho nhỏ” nhưng hậu quả rất lớn như Scarborough năm 2012.

Đã có những dấu hiệu cho thấy điều này, như phản ánh của báo Thanh Niên về việc “tàu cá Trung Quốc xuất hiện trái phép ở bãi Ba Kè, thềm lục địa phía Nam Việt Nam tăng đột biến trong Tết Bính Thân”.

Như vậy có thể thấy, những bãi cạn thuộc thềm lục địa phía Nam Việt Nam, nơi đang có các giếng dầu của ta và hệ thống nhà dàn DK1 và các bãi cạn, thực thể ở Trường Sa chưa có bên nào đóng quân đang rơi vào tầm ngắm diều hâu, cú vọ.

Đi sau những kẻ “đội lốt ngư dân” ấy rình rập các bãi cạn này sẽ là lực lượng hải cảnh, còn hải quân Trung Quốc cảnh giới vòng ngoài, sẵn sàng nhảy vào can thiệp nếu lực lượng chức năng các bên liên quan ngăn cản các hành vi phạm pháp của ngư dân, tàu cá Trung Quốc.

Ngày giỗ 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến không cân sức bảo vệ Gạc Ma trước họng súng lính Trung Quốc xâm lược (ngày 14/3/1988) sắp đến gần, càng nhắc nhở mỗi người Việt Nam về hiểm họa xâm lăng trên Biển Đông.

Do đó thiết nghĩ các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông mà Mỹ tiến hành có ý nghĩa, vai trò quan trọng. Các bên liên quan trong đó có Việt Nam cần tính toán những phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong đó tuần tra chung cũng là một lựa chọn khả dĩ và cần thiết.

Mặt khác tăng cường đấu tranh trên mặt trận pháp lý, công luận, chính trị, ngoại giao nhằm vạch trần các thủ đoạn leo thang bành trướng vô nhân đạo bằng cách lấy ngư dân làm lá chắn để thực hiện tham vọng vĩ cuồng, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới