Tuesday, December 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiXả nước thủy điện cứu Đồng bằng sông Cửu long

Xả nước thủy điện cứu Đồng bằng sông Cửu long

Chỉ đạo gửi công hàm khẩn cho các nước thượng nguồn sông Mê Kông là đúng, kịp thời, thể hiện được sự quan tâm của nhà nước đến ĐBSCL.

Sự quan tâm, lo lắng của nhà nước

Tính đến ngày 7/3, diện tích lúa ở ĐBSCL đã thiệt hại gần 139.000 ha. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, ngoài ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino kéo dài lịch sử gây nắng hạn, mưa ít thì hiện nay dòng chảy thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL đang rất thấp và có những diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu.

Khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về thấp thì triều cường sẽ đẩy nước mặn vào đất liền sâu hơn.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ Ngoại giao và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam khẩn trương có công hàm gửi đến các nước thượng nguồn sông Mê Kông để chia sẻ thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ lưu, cụ thể là ĐBSCL.

Trao đổi với Đất Việt, trước chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ, TS Đào Trọng Tứ – cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cho biết: “Đầu tiên, chỉ đạo của Thủ tướng là sự quan tâm mạnh mẽ của nhà nước đến nguồn nước cũng như tình trạng khó khăn của người dân ĐBSCL.

Đây không phải lần đầu Thủ tướng đề cập đến vấn đề hạn hán của ĐBSCL, trước đó, năm 2014 khi gặp thủ tướng Lào, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh quan điểm, nếu Lào có xây dựng thủy điện thì nên quan tâm đến ĐBSCL, nơi Việt Nam có 20 triệu dân sinh sống.

Ngay sau đó, Thủ tướng Lào có tuyên bố nếu có hại thì chúng tôi không làm, vì tinh thần hợp tác giữa hai nước.

Có nghĩa, vấn đề trên đã được quan tâm từ lâu, chỉ là chưa có chính sách toàn diện, chưa có cơ chế hợp tác mạnh mẽ dẫn đến tình trạng nước nào tự lo cho nguồn nước của nước đó”.

Đối với nguồn nước của Việt Nam, theo ông Tứ phân tích, thì nguyên nhân dẫn đến hạn hán cũng do nhiều yếu tố, trong đó có sự tác động của thượng nguồn vùng Trung Quốc, cụ thể là đập Xayabury.

Bên cạnh đó, nơi đây có một loạt hồ chứa lớn, nhiều dòng nhánh cắt dòng, nhiều đập, hiện nay đã có hơn 40 dự án được triển khai.

Đây là động thái quan tâm, sự lo lắng của nhà nước tới việc chia sẻ chung nguồn nước quốc tế. Trên thực tiễn, Ủy ban sông Mê kông bao gồm 4 nước hạ lưu đã được hình thành nhiều năm qua, nhưng chưa có những động thái hay hành động nào cụ thể trước việc hạn hán xảy ra.

“Về nguyên tắc, khi đã có Ủy ban sông Mê Kông quốc tế thì các nước trong ủy ban phải họp bàn, thống nhất thực trạng, phương án giải quyết, khi đó, cùng nhau lên tiếng, phản đối việc làm của các nước thượng nguồn.

Lúc đó, yếu tố pháp lý mới mạnh mẽ, người dân nhận thức tốt hơn, vì đây là cơ quan đã nghiên cứu lâu năm về vấn đề này, trong đó có vấn đề hạn hán. Nên quan trọng nhất ở đây, Ủy ban sông Mê Kông quốc tế phải lên tiếng về vấn đề này”, ông Tứ nhận định.

Phải điều tra lượng nước ở các nước thượng nguồn

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề trên, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, đây là việc làm tuy không phải sớm, nhưng cũng là kịp thời, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo nhà nước đến nỗi lo của người dân ĐBSCL.

Đánh giá cao vai trò của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, ông Xuân chỉ rõ: “Đáng lẽ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam phải đấu tranh cho quyền lợi của nước mình, nhưng hiện nay công tác này rất chậm, thậm chí không có gì.  Bản thân tôi rất hoan nghênh Thủ tướng đã có một chỉ đạo rất đúng”.

Ông Xuân đề xuất thêm, cần phải điều tra, lượng nước tại các hồ chứa thượng nguồn ra sao, nếu dư nước thì phải xả nước, nếu không sẽ đưa ra tòa án quốc tế. Đây là việc làm mà Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, đáng lẽ phải xử lý từ năm 2015, cho nên cần làm gấp, rút ngắn thời gian.

Cụ thể, cần phải tổ chức một đoàn đi khảo sát các đập trên thượng nguồn, xem có giữ nước quá nhiều, có số liệu đàng hoàng mới bắt buộc họ xả đập được, chứ còn kêu gọi kiểu “rủ lòng thương” hay “nể tình” thì vô cùng khó.

Năm 2010, chúng ta cũng bị một trận hạn hán lớn, các tỉnh như Gia Lai, Bạc Liêu, Sóc Trăng không có nước, lúc đó, tình cờ báo Thái Lan cũng đăng tải thông tin Thủ tướng Trung Quốc đi thăm tỉnh Giang Nam, ông phát biểu, ông không dám đi vào nhà dân vì không có nước uống, mặt đất khô nứt nẻ.

Ở đây để cho thấy rằng, chúng ta phải điều tra, nắm được cụ thể nguồn nước, sau đó, mới có thể gửi công hàm một cách cụ thể.

RELATED ARTICLES

Tin mới