Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBiển Đông: TQ dã tâm biến Hoàng Sa thành "quần đảo Cayman"

Biển Đông: TQ dã tâm biến Hoàng Sa thành “quần đảo Cayman”

Dã tâm trên biển Đông của giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục lộ rõ ở kỳ họp “lưỡng hội” nước này, khi một kế hoạch nguy hiểm khó lường được vạch ra.

Tàu trinh sát điện tử của hải quân Trung Quốc bị phát hiện đeo bám chiến hạm của Mỹ tiến vào biển Đông hôm 4/3. Ảnh: Huanqiu

Tại kỳ họp “lưỡng hội” đang diễn ra tại Trung Quốc, Ủy viên Chính hiệp, Phó chủ nhiệm Ủy ban ngoại vụ Chính hiệp Trung Quốc Hàn Phương Minh đề xuất phát triển (trái phép) đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành nơi cho phép đăng ký công ty nước ngoài toàn cầu.

Tân Hoa Xã ngày 7/3 đưa tin, ông Hàn “gợi ý” Bắc Kinh ban hành chính sách đặc biệt và thông qua thành luật bởi tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, biến đảo Phú Lâm thành “khu vực pháp lý hải ngoại”, trở thành “tụ điểm” đăng ký các công ty hải ngoại và phát triển lĩnh vực tài chính nước ngoài.

Theo ông này, Trung Quốc nên định hướng xây dựng (phi pháp-PV) đảo Phú Lâm như một “thành trì” ở đầu cầu của vành đai kinh tế biển Đông, lấy đó làm bàn đạp để thực thi các chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực.


Hàn Phương Minh (Ảnh: Xinhua)

Hàn Phương Minh (Ảnh: Xinhua)

Âm mưu “thiên đường trốn thuế”

Đảo Phú Lâm là địa điểm Trung Quốc đang đặt phi pháp trụ sở hành chính của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, với diện tích 2.13 km vuông. Đây cũng là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bị Trung Quốc cưỡng chiếm.

Đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đã ngông cuồng tiến hành hàng loạt chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa dân lên cư trú và bố trí trái phép tên lửa, máy bay cùng binh sĩ trên đảo Phú Lâm, với dã tâm biến đảo này thành “trung tâm văn hóa, chính trị, quân sự” của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hàn Phương Minh trắng trợn nói: “Nếu đảo Phú Lâm trở thành một khu vực pháp lý nước ngoài thì nó sẽ trở thành một khu vực tài chính nước ngoài đặc biệt ở châu Á.”

Ông này tỏ rõ tham vọng “mở đường” cho các cá nhân, đơn vị trên toàn cầu tiến hành trái phép “nhiều lĩnh vực nghiệp vụ” ở khu vực kinh tế đặc thù, chủ yếu dựa vào mức thuế thấp hoặc miễn thuế để phát triển ngành tài chính nước ngoài.

Nói cách khác, Hàn Phương Minh đang kêu gọi chính phủ Trung Quốc biến đảo Phú Lâm của Việt Nam thành một “thiên đường thuế”.

Hiện nay, một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có được coi là thiên đường về thuế với đặc điểm chung là thuế suất thấp và mức độ bảo mật thông tin các doanh nghiệp và cá nhân rất cao.

Tuy nhiên, do các quy định quá thông thoáng nên các “thiên đường thuế” cũng bị cho là nơi che đậy cho các hoạt động trốn thuế, đưa đến mối lo ngại về các hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo, rửa tiền, chuyển giá, thao túng hoặc tài trợ khủng bố.


Hình ảnh George Town, thủ đô của Cayman, nơi tập trung bộ phận không nhỏ doanh nghiệp đến từ giới siêu giàu trên thế giới

Hình ảnh George Town, thủ đô của Cayman, nơi tập trung bộ phận không nhỏ doanh nghiệp đến từ giới siêu giàu trên thế giới

Bermuda, Quần đảo Cayman và Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI) đang là 3 khu vực có số lượng công ty nước ngoài đăng ký nhiều nhất thế giới, và cũng là “thiên đường trốn thuế” hàng đầu.

Bên cạnh đó, các “khu vực pháp lý nước ngoài” thường có điều kiện rất thoáng đối với các ngân hàng, cho phép các công ty nước ngoài lập tài khoản tại ngân hàng quốc tế và thực hiện các hoạt động tài chính hết sức tiện lợi.

Trang Đa Chiều (Mỹ) thống kê, từ 2004-2014 đã có rất nhiều công ty danh tiếng của Trung Quốc đăng ký tại Quần đảo Cayman với mục đích lên sàn chứng khoán, “né” thuế và dễ dàng tham gia dịch vụ tài chính quốc tế.

Đặc biệt, 25 ngân hàng lớn nhất thế giới đều có công ty con hoặc đặt chi nhánh ở Cayman.

Theo quan điểm ngông cuồng của Hàn Phương Minh, Trung Quốc sẽ thu lợi lớn nếu “phù phép” (phi pháp-PV) đảo Phú Lâm của Việt Nam thành cái mà nước này gọi là “lãnh thổ hải ngoại”.

Với vị trí chiến lược nằm trên “con đường vàng” liên kết vùng Viễn Đông với châu Âu, quần đảo Hoàng Sa còn nằm trong mưu đồ quy hoạch trái phép của Bắc Kinh khai thác lợi nhuận từ các lĩnh vực viễn dương.

Hàn Phương Minh lớn tiếng: “Các doanh nghiệp Trung Quốc trước đây đăng ký thành lập tại BVI hay Quần đảo Cayman, ở một mức độ nào đó đã làm thất thoát tài sản khỏi Trung Quốc.

Việc phát triển ngành tài chính nước ngoài (phi pháp-PV) trên đảo Phú Lâm sẽ giúp thu hút các công ty Trung Quốc trở lại, thông qua biện pháp thị trường hóa để ngăn chặn xu hướng chảy máu dòng tiền.”


Ảnh vệ tinh ngày 9/1/2016 cho thấy các công trình, cơ sở hạ tầng trái phép mà Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. (Nguồn: DigitalGlobe)

Ảnh vệ tinh ngày 9/1/2016 cho thấy các công trình, cơ sở hạ tầng trái phép mà Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. (Nguồn: DigitalGlobe)

Ý đồ chính trị nguy hiểm

Trả lời báo chí Trung Quốc ngày 7/3, Hàn Phương Minh hàm hồ: “Đảo Phú Lâm có vai trò hết sức quan trọng đố với chủ quyền của Trung Quốc ở các quần đảo trên biển Đông và trên bản đồ chính trị, quân sự toàn cầu.”

“Thông qua khai thác lĩnh vực tài chính nước ngoài, thu hút lượng lớn doanh nghiệp ngoại đến đăng ký sẽ tạo thành một dạng ‘thừa nhận thị trường’ đối với tuyên bố chủ quyền Trung Quốc ở biển Đông.

Điều này có lợi cho việc thực hiện một cách toàn diện chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông,”Hàn huênh hoang tuyên bố.

Ông này cho rằng, chính phủ Trung Quốc có thể cải cách (phi pháp) mô hình trên đảo Phú Lâm theo cơ sở tham khảo kinh nghiệm và khuôn khổ các khu vực pháp lý hải ngoại phổ biến và áp đặt các các chính sách chưa thể thực thi trước đây.

Nguy hiểm hơn, Hàn Phương Minh chủ trương dùng cái gọi là “khu vực pháp lý nước ngoài ở đảo Phú Lâm” để làm gia tăng tầm ảnh hưởng của “cái bóng Trung Quốc” trong vấn đề biển Đông.

Hàn trắng trợn khẳng định: “Phát triển kinh tế, nâng cao mức độ khai thác các đảo ở biển Đông, thu hút doanh nghiệp từ các nước trong khu vực và phương Tây đăng ký (trái phép-PV) tại đảo Phú Lâm sẽ làm tăng nền tảng ngoại giao của Trung Quốc.”

Chiến lược này cũng khiến biển Đông trở thành điểm nóng trao đổi và giao dịch tài chính, củng cố vị thế kinh tế-chính trị của Bắc Kinh trong khu vực.”

RELATED ARTICLES

Tin mới