Trong trận không chiến mô phỏng được các chuyên gia Trung Quốc xây dựng, AI vạch chiến thuật “bắn ngược” cho tiêm kích siêu vượt âm để hạ mục tiêu phía sau.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh, do giáo sư Liu Yanbin dẫn đầu, sử dụng máy tính mô phỏng cuộc không chiến giữa chiến đấu cơ bay với tốc độ siêu vượt âm với tiêm kích bay ở tốc độ gấp 1,3 lần vận tốc âm thanh (Mach 1,3), tương đương tốc độ tối đa của F-35 Mỹ. Chiến đấu cơ siêu vượt âm là những máy bay có vận tốc Mach 5 trở lên.
Trong trận chiến mô phỏng, khi hai chiến đấu cơ chạm mặt, phi công máy bay siêu vượt âm được lệnh hạ đối phương. Theo các ước tính và mô phỏng trước đó, phi công máy bay siêu vượt âm sẽ bay thẳng về phía mục tiêu để phóng tên lửa từ phía sau.
Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo (AI) của các chuyên gia Trung Quốc lại hướng dẫn phi công máy bay siêu vượt âm vọt qua tiêm kích đối phương, sau đó “phóng ngược” tên lửa về phía sau.
Sau khi được khai hỏa, quả tên lửa bay vòng qua tiêm kích siêu vượt âm, lao về phía sau với vận tốc Mach 11, bắn trúng mục tiêu cách đó 30 km và kết thúc trận không chiến sau chưa đầy 8 giây.
Nhóm nghiên cứu nhận định chiến thuật chưa từng thấy này đã cho phép phi công tăng khả năng sát thương của tên lửa lên mức tối đa, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho bản thân. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh hồi tháng 2.
Máy bay siêu vượt âm có nhiều lợi thế tiềm năng trong không chiến, bởi chúng có thể bay với tốc độ cực lớn và khả năng cơ động rất cao.
Tuy nhiên, các cường quốc quân sự trên thế giới chưa phát triển được hệ thống điều khiển hỏa lực cho máy bay di chuyển với tốc độ từ Mach 5 trở lên, vốn đòi hỏi tính toán cực kỳ chính xác để đáp ứng yêu cầu phản ứng nhanh.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Liu cho biết AI của họ có thể cải thiện hiệu suất chiến đấu của máy bay siêu vượt âm. “AI có tiềm năng ứng dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực này”, các chuyên gia Trung Quốc viết trong báo cáo.
Họ đánh giá kết quả bất ngờ nhất trong quá trình mô phỏng không chiến là khi tiêm kích hoạt động ở tốc độ Mach 11, vùng sát thương lớn nhất của nó lại nằm phía sau. Trong một trận không chiến điển hình ở tốc độ dưới Mach 5, vùng sát thương nằm ở phía trước và các phi công thường cố gắng không để đối thủ bám đuôi.
“Điều này cho thấy khi máy bay siêu vượt âm thực hiện nhiệm vụ không chiến, nó có thể tấn công từ bên ngoài khu vực chiến đấu bằng cách phóng vũ khí về mục tiêu ở phía sau”, báo cáo có đoạn. “Sau khi phóng tên lửa, máy bay siêu vượt âm sẽ rời khỏi trận đánh”.
Các chuyên gia Trung Quốc cho biết với phương pháp tấn công nhanh từ khoảng cách xa, phi công sẽ tận dụng tối đa hiệu suất của máy bay siêu vượt âm và cải thiện đáng kể khả năng sống sót của họ.
Nhóm nghiên cứu cho biết trong giai đoạn tiếp theo, họ sẽ dùng AI mô phỏng nhiều máy bay siêu vượt âm phối hợp triển khai chiến dịch tấn công với nhiều nhiệm vụ và nhiều đợt.
“Năng lực răn đe chiến lược trong tương lai phụ thuộc vào khả năng tấn công nhanh toàn cầu và thâm nhập sâu đến đâu. Tất cả cường quốc quân sự những năm qua đều tăng cường nghiên cứu máy bay chiến đấu tốc độ cao”, nhóm kết luận.