Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC DÙNG SỨC MẠNH KINH TẾ ĐỂ ĐE DỌA CÁC NƯỚC...

TRUNG QUỐC DÙNG SỨC MẠNH KINH TẾ ĐỂ ĐE DỌA CÁC NƯỚC CÓ TRANH CHẤP VỀ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ

Trong khi các nước châu Âu đang gồng mình để chống chọi với đồng Euro đang suy thoái. Mỹ và Nhật Bản đang bị đe dọa chịu chung số phận, thì kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển thuận lợi và được nhiều nước thèm muốn.

Tuy nhiên, như nhiều nhà phân tích kinh tế, chính trị trên thế giới bình luận, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có được là do sự cạnh tranh không trung thực với các nước khác trên thế giới và được duy trì bằng sự mất cân bằng thương mại quốc tế giữa Trung Quốc và các đối tác khác.

Với nền kinh tế “to thứ hai thế giới”, Trung Quốc đang tỏ ra là nước sử dụng thành thạo việc kết hợp các sức ép ngoại giao, chính trị song hành với kinh tế để trả đũa các nước khác mỗi khi có “vấn đề” với Trung Quốc. Lấy ví dụ như vụ Bắc Kinh ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm – một khoáng sản chiến lược dùng trong các ngành công nghiệp mũi nhọn trên thế giới – sang Nhật Bản nhằm tăng áp lực buộc Nhật Bản phải thả thuyền trưởng một tầu cá Trung Quốc trong một vụ việc xảy ra gần quần đảo Senkaku tháng 9/2010. Hay như vụ Trung Quốc trừng phạt Na Uy khi Ủy ban Nobel của Na Uy, vốn hoạt động độc lập với chính phủ, trao giải Nobel hòa bình năm 2011 cho Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc. Bắc Kinh đã trút giận dữ lên chính phủ Na Uy bằng cách dừng đột ngột các cuộc đàm phán thương mại với Na Uy, áp đặt chế độ kiểm dịch khắt khe đối với cá hồi nhập khẩu từ nước này khiến lượng cá hồi Na Uy vốn rất nổi tiếng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 60% trong khi nhu cầu dùng cá hồi Na Uy trên thị trường Trung Quốc tăng lên 30%.

alt

 Yêu sách theo “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Internet.

Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc còn áp dụng một loạt các thủ đoạn trả đũa kinh tế đơn phương lên các nước liên quan mỗi khi “chọc giận” Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến tranh chấp biên giới lãnh thổ. Một loạt các hành động trong thời gian gần đây cho thấy là Bắc Kinh cũng chẳng cần giấu diếm, úp mở gì khi sử dụng vũ khí kinh tế để trừng phạt các nước khác. Cứ nhìn những sự kiện trên Biển Đông và Biển Hoa Đông năm 2012 thì sẽ rõ.

Trước tiên là đối với Philippines. Việc một đội tầu đánh cá của Trung Quốc đến đánh bắt hải sản quý hiếm trong khu vực bãi ngầm Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đã buộc Philippines phải cử tầu hải quân ra bắt và khám xét những tầu này. Nhưng cũng rất nhanh chóng, các lực lượng trên biển của Trung Quốc cũng xuất hiện và can thiệp quyết liệt để giải cứu cho các tàu cá Trung Quốc vi phạm. Tiếp theo là những khẩu chiến trên hai lĩnh vực ngoại giao và truyền thông, nguy cơ đụng độ về quân sự treo lơ lửng. Quan hệ giữa hai nước xấu đi nhanh nhóng. Nhưng điều đáng nói ở đây là Trung Quốc đã áp dụng một loạt các đòn đánh kinh tế để trừng phạt Philippines. Hàng trăm công ten nơ chở gần 1/3 lượng hoa quả của Philippines nhập khẩu vào Trung Quốc phải nằm chờ hàng tháng trời tại các cảng biển của Trung Quốc, chờ được thông qua các thủ tục kiểm dịch khắt khe bất thường do phía Trung Quốc áp đặt, trước khi nhập vào thị trường Trung Quốc, làm cho hoa quả bị hỏng và kinh tế Philippines phải chịu một sự thiệt hại nặng nề. Các chuyến bay chở khách du lịch Trung quốc đến Philippines cũng đột ngột bị hủy “vì lý do an toàn cho người Trung Quốc”.

Còn đối với Nhật Bản thì thế nào? Sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tranh chấp giữa hai nước xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trong mấy tháng qua đã làm quan hệ giữa hai nước tuột dốc. Cũng giống như đối với Philippines, Trung Quốc lại sử dụng một loạt hành xử kinh tế nhằm vào Nhật Bản. Ba ngày sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Jiang Zengwei đã công khai khuyến khích người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Bắc Kinh chủ động giảm nhập khẩu hàng hóa Nhật Bản, cắt giảm doanh số bán hàng của các công ty Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc, và ngăn chặn các du khách Trung Quốc đến Nhật Bản. Một chiến dịch tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản đã được tung ra và lĩnh vực bị tác động mạnh nhất là ngành sản xuất ô-tô của Nhật Bản. Lần lượt các thương hiệu lớn như Mazda, Nissan, Toyota đều có lượng xe bán ra bị sút giảm thê thảm. Doanh thu bán ra của tập đoàn TOYOTA rớt xuống đến 33% chỉ trong tháng 9 vừa qua, thậm chí đến 50%, theo nhật báo Yomiuri Shimbun. Chiến dịch tẩy chay hàng hóa Nhật Bản còn tác động đến một số lĩnh vực khác. Nhiều bệnh viện tại Bắc Kinh, Thiên Tân và Thành Đô đã gửi trả lượng thuốc dự trữ cho các hãng dược Nhật Bản để đòi bồi hoàn. Ngành xây dựng Trung Quốc còn liệt các hãng chuyên cung cấp thang máy của Nhật vào trong danh sách đen. Trong động thái trả đũa kinh tế mới nhất, một số ngân hàng Trung Quốc lớn thuộc sở hữu nhà nước đã từ chối tham gia cuộc họp thường niên ở Tokyo trong tuần này (từ ngày 9 đến ngày 14/10) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới.

Việt Nam là một quốc gia láng giềng “anh em” của Trung Quốc. Tuy hai nước có phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt để chi phối các quan hệ song phương nhưng Trung Quốc cũng không ngần ngại áp dụng các đòn đánh kinh tế đối với Việt Nam khi tình hình trên Biển Đông căng thẳng, chẳng khác những gì Trung Quốc đã trả đũa với Philipines và Nhật Bản. Theo một số nguồn tin, khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bị cuốn đi do căng thẳng ở Biển Đông thì trên khu vực biên giới phía Bắc, Trung Quốc đã sử dụng rào cản kiểm dịch và cố tình làm chậm việc thông quan hàng xuất khẩu của Việt Nam tại các cửa khẩu trên biên giới hai nước đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam dở khóc dở cười, nhất là đối với các mặt hàng trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Người ta dễ dàng nhận thấy các chiến thuật trả đũa kinh tế của Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đã trở thành một phần trong chính sách của nước này đối với yêu sách chủ quyền và quyền tài phán ở những vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải thấy rằng dùng trừng phạt kinh tế cũng sẽ gây tổn hại cho chính Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, khi các nền kinh tế lớn nhỏ phụ thuộc lẫn nhau thì Trung Quốc còn phụ thuộc vào thì trường, vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý kinh tế của các nước khác. Bản thân nền kinh tế Trung Quốc hiện cũng đang bộc lộ những khó khăn. Mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2012 là 7,5 % nhưng số liệu thống kế cho thấy Trung Quốc khó có khả năng đạt được mục tiêu này. Tình hình kinh tế Trung Quốc thậm chí có nguy cơ còn xấu đi hơn nữa trong bối cảnh sản lượng thép chững lại, mức tiêu thụ điện giảm còn 50% so với 5 năm trước đây, xuất khẩu thì đình trệ.. Các chuyên gia về kinh tế nhận định Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn về thương mại, vấn đề tiêu thụ và một “thảm họa” mang tính đòn bẩy sắp xảy ra.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm và kinh tế Trung Quốc hết thời tăng trưởng mạnh, thì những toan tính dùng sức mạnh kinh tế để đe doạ các nước khác mỗi khi “chọc giận” Trung Quốc hay có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc sẽ là con dao hai lưỡi, ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách và tham vọng của chính nước này.

Minh Anh

RELATED ARTICLES

Tin mới