Wednesday, January 8, 2025
Trang chủThâm cung bí sửChuyện của người lính trở về từ Gạc Ma (kỳ cuối): Những...

Chuyện của người lính trở về từ Gạc Ma (kỳ cuối): Những ngôi mộ gió Trường Sa

Sau trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, người thân của những chiến sỹ Gạc Ma đành nén đau thương lập những ngôi mộ gió, rồi mòn mỏn chờ hài cốt các anh về.

Những ngôi mộ gió Trường Sa

Năm 1988, cụ Trương Thị Bảo (nay đã 76 tuổi) mẹ của liệt sỹ Trương Minh Thương, (ở thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) như chết lặng khi nhận được tin con trai hy sinh trong trận đánh để bảo vệ đảo Gạc Ma.

Cụ Bảo không còn nhớ rõ liệt sỹ Thương nhập ngũ năm nào, cụ chỉ nhớ con trai cụ mất khi mới 25 tuổi. 

Mỗi năm, cứ gần đến ngày 14/3, khi nghe trên tivi, báo đài nói về cuộc hải chiến Trường Sa, nói về những chiến sỹ Gạc Ma đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền biển đảo, lòng cụ lại nhớ con trai quay quắt.

Gặp chúng tôi, cụ Bảo nghẹn ngào kể: “Cái năm đó, nó được nghỉ phép về thăm nhà 10 ngày. Đến lúc đi, nó còn dặn dò các em là anh đi khoảng 3-4 tháng nữa thì anh xuất ngũ rồi sẽ về với các em. Thế mà nó đi mãi đến giờ…

Hài cốt con tôi vẫn chưa được tìm thấy, Nhà nước đã xây phần mộ gió cho nó ở Nha Trang, Khánh Hòa. Còn chúng tôi thì không làm mộ, mà chỉ thờ tự trong nhà, rồi hàng năm làm giỗ cho nó”.

Ở thôn Tân Định, (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), mắt cụ Hoàng Nhỏ (SN 1928), bố của liệt sỹ Hoàng Văn Túy lại chùng xuống mỗi khi sắp đến ngày giỗ con.

Cứ đến tháng 3, cụ Hoàng Nhỏ lại đau đáu nỗi lòng về người con hy sinh ở Trường Sa (Ảnh: Thủy Phan)

Liệt sỹ Túy là người con thứ tư trong sáu người con của cụ Nhỏ, hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.  Dù tuổi đã cao, nhưng cụ Nhỏ vẫn nhớ như in cái lần cuối cùng gặp con. 

Cụ kể, năm đó liệt sỹ Túy chỉ về thăm nhà được một ngày vào hôm 30 Tết. Đón giao thừa xong thì anh bảo phải quay vào đơn vị luôn. 

“Tôi có hỏi nó sao đi gấp thế thì nó nói phải chấp hành tốt để tháng 3 tới được ra quân về nhà. Nó còn bảo, khi xin về thăm nhà, ông thủ trưởng bảo nó nán lại thêm ít hôm rồi về cùng với ông ấy. 

Nhưng nó nhất quyết xin về cho được để đón giao thừa cùng gia đình. Có ngờ đâu, đó lại là đêm giao thừa cuối cùng mà nó được đón cùng với gia đình”, mắt cụ Nhỏ ngấn lệ khi kể về đứa con trai.

27 năm qua, năm nào cụ Nhỏ cũng làm giỗ cho con vào ngày 28/1 Âm lịch. Ba năm trở lại đây, khi làm giỗ cho con, dù mâm cơm có nhiều hay ít thì cụ cũng vẫn đặt đủ 64 cái bát và 64 đôi đũa trên bàn để làm giỗ chung cho cả 64 chiến sỹ đã hy sinh. 

Năm 2004, gia đình ông Nhỏ lập mộ gió cho liệt sỹ Hoàng Văn Túy ở nghĩa trang liệt sỹ của xã Hải Ninh. Cứ đến ngày lễ, cụ lại bảo đứa con út trở lên nghĩa trang thắp hương cho con trai.

Mẹ già không chờ được hài cốt con

Năm 2008, tàu của thợ lặn Lý Sơn (Quảng Ngãi) tìm được một phần hài cốt 64 chiến sĩ dưới con tàu HQ 604 dưới độ sâu khoảng 20m ở cụm đảo Sinh Tồn (Trường Sa). 

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm ADN, phần hài cốt đó được xác định là của liệt sỹ Trần Quốc Trị, ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Dù liệt sỹ Trị “trở về” chưa vẹn toàn, nhưng những người thân trong gia đình anh cũng được an ủi phần nào. Tuy nhiên, lúc đó bố mẹ già đã không còn nữa.

Những ngày tháng 3 luôn nhắc nhớ chúng ta không quên sự hy sinh của thế hệ trước để bảo vệ chủ quyền biển đảo (Ảnh: Thủy Phan)

“Bao nhiêu năm chờ đợi, nhưng ông bà vẫn không thể chờ được đến ngày chú ấy về”, ông Trần Quốc Tuấn, anh trai liệt sỹ Trị cho biết.

Năm 2009, hài cốt liệt sỹ Trần Văn Quyết (ở xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) cũng được tìm thấy. 

Ông Trần Quang Phú (SN 1949), anh trai liệt sỹ Quyết hạnh phúc đến không cầm được nước mắt khi tự mình ra Hải Phòng nhận và đưa hài cốt em trai về quê nhà.

Một phần anh vui, nhưng anh cũng đau xót vì cách đó 1-2 năm trước, bố mẹ anh đã rời xa cõi đời này. 

“Bà mất năm 2007, còn ông mất năm 2008. Trước đó, ông bà cũng vì thương xót chú Quyết quá mà đổ bệnh.

Ông bà vẫn luôn nuôi hy vọng tìm được hài cốt, vậy mà ông bà vẫn không thể đợi được đến lúc tìm thấy hài cốt của chú ấy”, bà Trương Thị Thanh Dứ, chị dâu liệt sỹ Quyết buồn bã nói.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Thủy cho biết: “Khi nhận được thông tin trục vớt và giám định ADN chính xác là hài cốt của liệt sỹ Quyết, chính quyền địa phương cùng gia đình đã ra nhận và đưa hài cốt liệt sỹ Quyết về địa phương. 

Sau khi đưa về, chúng tôi đã tổ chức lễ truy điệu liệt sỹ Quyết theo hình thức quân đội. Trước đó khi chưa tìm được hài cốt, chúng tôi cũng đã lập mộ gió cho liệt sỹ Quyết tại nghĩa trang địa phương”.

RELATED ARTICLES

Tin mới