Friday, January 10, 2025
Trang chủThâm cung bí sửChuyện hôm nay của những người lính trở về từ Gạc Ma...

Chuyện hôm nay của những người lính trở về từ Gạc Ma 28 năm trước (Kỳ 1)

Sau trận chiến ở đảo Gạc Ma, rạng sáng ngày 14/3/1988, những người lính trở về cuộc sống đời thường kể từ đó đến nay họ vẫn luôn vật lộn vượt qua đói nghèo.

Kỳ 1: Vất vả mưu sinh 

Những ngày giữa tháng 3 lại nhắc nhở chúng ta về trận chiến bi hùng ở đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) năm 1988.

Sau trận chiến đẫm máu đó, nhiều người lính may mắn trở về nhà. Cho đến tận bây giờ, trong lòng họ vẫn đau đáu một ký ức như mới ngày hôm qua. 

Việc gì cũng không chối

Căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Văn Lục, ở thôn Trung Thủy, (xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), người tham gia cuộc hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 may mắn thoát chết trở về rất im ắng. 

“Anh Lục đi phụ hồ rồi. Trước đây anh ấy quanh quẩn trong làng có ai thuê thì đi làm. Nhưng vài tháng nay, anh ấy vào tận thành phố làm, thỉnh thoảng mới về nhà” – chị Lê Thị Gái, vợ anh Lục nói khi thấy chúng tôi đến.

Khi trở về quê lập gia đình, vì không có nghề nghiệp ổn định nên anh Lục phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi ba đứa con.

Gặp anh ở chỗ làm, nhắc đến ngày kỷ niệm trận chiến Gạc Ma, anh Lục lại ngồi trầm ngâm, kể lại cuộc chiến kinh hoàng rạng sáng hôm đó.

Anh Lục nhớ lại: “Cuộc xả súng của Trung Quốc chỉ diễn ra trong khoảng 20 phút thôi nhưng sự mất mát quá lớn. Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh, anh Nguyễn Văn Lanh bị bắn trọng thương khi đang làm nhiệm vụ cắm và giữ cờ trên đảo. Rồi hàng chục chiến sỹ của ta hy sinh…

Hồi đó, tôi được phân công giữ dây vận tải để vận chuyển hàng ra vào đảo. Khi Trung Quốc đồng loạt nổ súng, cắt đứt dây neo của ta, tôi được lệnh ra nối lại dây vận tải.

Nhưng mình chưa kịp nối thì lính Trung Quốc đã tiến thẳng ra không cho nối, chỉ thẳng súng trước mặt dọa bắn”.

Một năm sau khi trở về, anh Lục lập gia đình và lần lượt sinh được ba người con. Gần ba chục năm qua, để có tiền nuôi các con ăn học, anh bươn chải làm thuê đủ nghề để sống.

“Vì không có nghề nghiệp gì, nên trước giờ trong vùng ai thuê gì thì làm đó thôi. Miễn sao việc làm đó chân chính và có tiền”, anh Lục nói.

Cách nhà anh Lục khoảng vài trăm mét là nhà của liệt sỹ Trần Văn Quyết (ở thôn Nam Thủy, xã Quảng Thủy), hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma.

Bố mẹ thân sinh liệt sỹ Quyết đã mất, nên việc thờ cúng được giao cho người anh trai Trần Quang Phú.

Dù sức khỏe đang rất yếu, nhưng ông Trần Quang Tuấn, (anh trai liệt sỹ Trần Văn Quyết) vẫn kể rành mạch những chuyện về liệt sỹ Quyết (Ảnh: Thủy Phan)

Nhưng cách đây không lâu, ông Phú bị tai biến mạch máu não nên mọi việc trong gia đình do một tay bà Trương Thị Thanh Dứ, vợ ông Phú quán xuyến.

“Hiện tại, chú Quyết được thờ chung cùng với ông bà ở ngôi nhà cũ của ông bà. Ở đây chúng tôi cũng vẫn đặt bàn thờ, nhưng bàn thờ chính thì ở nhà cũ. 

Đó là ngôi nhà mà ngày trước chú Quyết với ông bà ở. Nhưng vì lâu ngày nên đã xập xệ, mà chúng tôi thì không có điều kiện để tu sửa lại”, bà Dứ cho biết.

Cuộc sống vẫn chật vật

Anh Mai Xuân Hải (SN 1966, ở thôn Tân Hội, xã Liên Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), là một trong 9 người tham gia trận chiến Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giữ.

Cuộc sống của những người lính trở về từ Trường Sa vẫn quá chật vật (Ảnh: Thủy Phan)

Năm 1991, anh Hải được trở về quê và một năm sau thì anh lấy chị Đinh Thị Diện. Lúc anh chị mới cưới, nhiều người nói rằng chị Diện lấy anh Hải sau này sẽ khó có con. Nhưng anh chị đã lần lượt sinh được ba người con trong những năm sau đó.

Trở về sau trận chiến, anh Hải bị thương nên mấy chục năm qua anh không thể làm được nhiều việc. Mọi việc đành đổ lên vai người vợ. Chị Diện chỉ biết vào rừng vác bạch đàn thuê với số tiền 150 nghìn đồng/ngày trang trải cuộc sống.

Đứa con trai thứ hai của anh Hải là Mai Tiến Duẩn vì nhiều lý do nên em chỉ học hết lớp 10 thì phải nghỉ học. Hiện Duẩn nhập ngũ vào đơn vị cũ của bố là Lữ đoàn 83, Hải quân Vùng 3 tại Sơn Trà, Đà Nẵng.

“Năm xưa tôi bị thương, hiện vẫn còn một mảnh đạn dưới gót chân trái chưa gắp ra hết. Vì sức khỏe không tốt, lại không có nghề nghiệp ổn định nên tôi không giúp được gì nhiều cho vợ con”, anh Hải tâm sự.

Giấy báo tử đã được gửi về gia đình anh Mai Xuân Hải cách đây gần 28 năm trước (Ảnh: Thủy Phan)

Cùng thôn với anh Hải còn có anh Nguyễn Bá Ngọc. Ngôi nhà của anh Ngọc nằm trên lưng chừng đồi. 

Ít năm sau ngày trở về từ Gạc Ma, anh Ngọc bị mắc bệnh thần kinh tọa và viêm phổi nặng. Vì không làm được việc nặng nhọc nên suốt mấy chục năm qua, anh chỉ ở nhà nuôi bò, nuôi lợn rồi nấu cơm giúp vợ.

Vợ anh là chị Bùi Thị Kiềm hàng ngày đi làm thuê, trong vùng ai thuê gì làm đó để có thêm tiền nuôi các con.

“Cả hai vợ chồng đều không có nghề nghiệp ổn định, ruộng lại ít nên vợ tôi đi vác bạch đàn thuê kiếm thêm thu nhập. Còn tôi chỉ ở nhà phụ giúp những việc lặt vặt”, anh Ngọc nói.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới