Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhìn lại 35 năm Gạc Ma: "Muốn bảo vệ đất nước phải...

Nhìn lại 35 năm Gạc Ma: “Muốn bảo vệ đất nước phải có thực lực mạnh”

Sự hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam trong cuộc chiến Gạc Ma mãi được ghi nhớ, song đó cũng là lời nhắc nhở về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng


Ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, nhiều người còn mãi nằm lại trong lòng biển khi chiến đấu bảo vệ đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cuộc chiến không cân sức

Chia sẻ với báo Dân trí, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) nhìn nhận cuộc chiến Gạc Ma 35 năm trước thực chất là cuộc chiến giữa lực lượng vũ trang của Trung Quốc với bộ đội công binh của Hải quân Việt Nam.

Lúc đó công binh của Hải quân Việt Nam ra đảo để tôn tạo các vị trí và đó là việc làm hết sức bình thường, nhưng lực lượng vũ trang đối phương đã lợi dụng chuyện phía Việt Nam không có vũ khí để nổ súng gây thảm họa ở Gạc Ma.

“Đó là cuộc chiến không cân sức, bởi rõ ràng Việt Nam không chủ động đưa lực lượng quân sự ra để chiến đấu, không có tàu hải quân, không có vũ khí trang bị. Vì thế, chúng ta phải chịu tổn hại rất lớn”, ông Quân nói.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), 14/3/1988 là ngày các chiến sĩ công binh Hải quân Việt Nam đi cắm cột mốc chủ quyền trên đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Nhưng quân đối phương khi ấy đã có ý đồ chiếm các thực thể đó.

Cuộc chiến diễn ra không cân sức khi lực lượng vũ trang của Trung Quốc có tàu chiến và nhiều loại vũ khí, còn các chiến sĩ công binh hải quân không có vũ khí, chỉ có súng bộ binh.

“Sau 35 năm nhìn lại vẫn thấy cuộc chiến Gạc Ma là một sự kiện đau xót, là sự tổn thất lớn lao với Việt Nam. Đến nay, hài cốt của nhiều chiến sĩ chưa tìm lại được. Đây là điều rất đau lòng”, ông Hà nhấn mạnh đất nước và nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ và biết ơn, trân trọng sự hy sinh này.

Sau này, một vòng tròn bất tử đã được dựng lên trên đất liền để tưởng nhớ những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma.

Tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma và biểu tượng “Vòng tròn bất tử” nằm trong Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa.

“Vòng tròn bất tử từ cuộc chiến Gạc Ma tượng trưng cho sự đoàn kết. Hình ảnh các chiến sĩ tay nắm tay tạo thành vòng tròn thể hiện quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, vòng tròn bất tử sẽ mãi mang ý nghĩa lan tỏa để người dân đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền đất nước”, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà.

Mềm mỏng nhưng kiên quyết trong bảo vệ chủ quyền

Nhấn mạnh sự hy sinh của 64 chiến sĩ ở Gạc Ma đã tô thắm truyền thống bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước trước các thế lực lớn mạnh, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho rằng đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải luôn chủ động, cảnh giác trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài giáo dục ý thức truyền thống lịch sử, ông cho rằng Việt Nam cần phải tăng cường phương tiện, vũ khí, trang bị để bảo vệ đất nước vì “muốn bảo vệ đất nước phải có thực lực vững mạnh”. Đặc biệt với các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước ở cả trên bộ, trên không và trên biển, theo ông Hà, đều cần có đầu tư xứng đáng.

Song trong bảo vệ chủ quyền, ông Hà lưu ý không chỉ dùng biện pháp đối đầu mà trong giai đoạn hiện nay cần hướng tới các giải pháp đối thoại trên cơ sở có lý có tình, có cơ sở thực tế.

“Độc lập chủ quyền của đất nước không thể đem ra trao đổi, nhưng chúng ta cần có sách lược đàm phán làm sao để bảo vệ chủ quyền đất nước mà không để xảy ra chiến tranh”, ông Hà nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nói sự hy sinh của 64 chiến sĩ trong cuộc chiến Gạc Ma sẽ luôn được nhân dân ghi nhớ. Nhưng sự hy sinh ấy cũng nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, gồm cả chủ quyền trên đất liền và vùng trời, vùng biển.

Bài học đầu tiên và then chốt, theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, chúng ta phải luôn thấm nhuần tư tưởng “kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập chủ quyền của đất nước”. Muốn làm được điều đó, phải ưu tiên, tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, và quan trọng là xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh.

Trong mối quan hệ đối ngoại, chuyên gia quốc phòng Nguyễn Hồng Quân cho rằng Việt Nam cần tiếp tục củng cố mối quan hệ láng giềng, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước, trong đó có Trung Quốc. “Điều này rất quan trọng vì đây là bức tường thành trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, theo lời ông Quân.

Đặc biệt, Việt Nam cần tận dụng, không bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy quan hệ với Mỹ và các nước lớn khác, để nước ta không bị kẹt trong cuộc cạnh tranh, đối đầu giữa các nước. “Việt Nam phải luôn giữ thế cân bằng trong mối quan hệ với các nước”, ông Quân nói.

Trong bối cảnh hiện nay, vị chuyên gia nhận định tình hình biển đảo chưa phải đã yên, nên chuyện giữ gìn quan hệ láng giềng với các nước phía Tây, Tây Nam và các nước trong khối ASEAN rất quan trọng, nhằm tạo động lực mới của ASEAN, đoàn kết, thống nhất để có giải pháp chung cùng xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được nguyên Viện phó Viện Chiến lược Quốc phòng nhấn mạnh là xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó có một số lực lượng trực tiếp tác chiến trên biển như hải quân, cảnh sát biển… “Các lượng này phải được trang bị vũ khí hiện đại, cập nhật năng lực về pháp luật để giữ chủ quyền của Việt Nam trên biển theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”, ông Quân nhấn mạnh.

Ông cho biết Việt Nam đang có chủ trương phát triển hải đội dân quân và hiện 50% số tỉnh có biển đã chủ trương thành lập lực lượng này; nhưng việc đầu tư, huấn luyện cũng như có phương án thực thi bảo vệ chủ quyền, phối hợp tác chiến giữa các lực lượng cần tiếp tục hoàn thiện để nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trên biển.

Khẳng định thế mạnh của Việt Nam trong các cuộc chiến đấu từ xưa đến nay là thế mạnh lòng dân, ông Quân nêu rõ điều này tiếp tục được phát huy trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt khi công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng rất quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Vì vậy, ông cho rằng cần đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng để lấy lại niềm tin của người dân, giúp người dân tin vào Đảng và tin vào sức mạnh của chế độ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới