Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAi là “sói”?

Ai là “sói”?

Ngoại giao nhiều khi hay nói vòng vèo hoặc ám chỉ. Với các đối thủ gầm gừ nhau bấy nay như Trung Quốc và Mỹ, điều đó càng hay xảy ra. Mới đây, Bắc Kinh lại bóng gió Mỹ là “sói”.

Quân đội Mỹ và Philippines tập trận chung năm 2022.

Điển hình cho sự “ám chỉ Mỹ” là thủ phạm gieo rắc virus SARS-CoV-2 xảy ra cách đây 2 năm, khi cả thế giới quay cuồng trong đỉnh dịch COVID-19. Cụ thể, ngày 12/2/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Triệu Lập Kiên – đã viết trên Twitter rằng: “Bệnh nhân số 0 được phát hiện tại Mỹ khi nào? Bao nhiêu người đã bị nhiễm bệnh? Tên của các bệnh viện là gì? Có khả năng chính quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán. Hãy minh bạch! Công khai dữ liệu của các bạn! Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích”.

Kiểu ăn nói mập mờ đó khiến Mỹ nổi cáu. Lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ triệu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải phản đối bình luận của Bắc Kinh mà họ cho là “ám chỉ” quân đội Mỹ có thể đã đưa virus SARS-CoV-2 đến Vũ Hán.

Bắc Kinh phản ứng bằng…im lặng. Nhưng dư luận đọc được, đằng sau sự im lặng đó, là cái cười mỉm mỉa mai, hả hê của các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi chứng kiến Washington tức mà không thể làm gì vì một cái “tút” vu vơ như trên chưa đủ thành tang vật để có thể cáo buộc, quy kết khiến đối phương cứng họng.

Tới tháng 8/2021, gió đảo chiều. Tới lượt Trung Quốc sôi máu khi tổng thống Mỹ Biden đích thân tố Trung Quốc “che giấu các thông tin quan trọng sống còn về nguồn gốc đại dịch” Covid-19 qua việc ngăn cản các nhà điều tra và các cơ quan của thế giới tiếp cận với những thông tin nói trên.

Không nói thẳng, nhưng bằng cách nói vòng như trên, ai chẳng biết, người đứng đầu Nhà trắng định nói gì, nếu không phải nói rằng: gây ra đại dịch nên Trung Nam Hải mới sợ và ngăn quốc tế điều tra. Sợ là bởi, một khi sự thật được công bố, trong con mắt cộng đồng quốc tế, hình ảnh và vị thế của một “cường quốc trỗi dậy” như Trung Quốc sẽ xuống cấp thê thảm như thế nào.

Nhưng tới nay, những khúc mắc trên đã thành chuyện cũ. Thay vào cãi cọ, thóa mạ nhau vì con virus SARS-CoV-2, cùng những vấn đề liên quan cuộc chiến thương mại, là giành giật nhau từng tí một ảnh hưởng với các quốc gia trong khu vực, nhất là là Philippines.

Tại sao lại là Philippines?

Là bởi, trong các nước có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, Philippines được coi là “đu dây” rõ nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Đu dây nên Philippines được cả Mỹ và Bắc Kinh cùng ra sức níu kéo.

Là đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á, thế mà có lúc, trong thời của tổng thống Duterte, Manila từng có động thái muốn “thoát Mỹ”, ngả vào Trung Quốc trước nhưng lời hứa hẹn viện trợ hào phóng của Trung Nam Hải. Điển hình cho sự lạnh nhạt với Mỹ là ông Duterte quả quyết hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ – là thoả thuận quy định về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines. Mãi tới cuối nhiệm kỳ, khi đã “trắng mắt” ra vì những gì ngang ngược, tàn bạo, đầu lưỡi mà Bắc Kinh đã làm cả trong hành động và lời nói, ông Duterte mới hối hả khôi phục lại hoàn toàn VFA sau ba lần hoãn vô thời hạn.

Từ ấy vắt qua nhiệm kỳ của ông Ferdinand Marcos Jr, cho dù vẫn qua lại Bắc Kinh, nhưng ai cũng thấy quan hệ Philippines – Trung Quốc đang có chiều hướng căng thẳng. Trong khi đó, cái nắm tay giữa Philippines – Mỹ như ngày một chặt và ấm hơn, thể hiện qua việc Philippines cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ ở những vị trí chiến lược; hai bên đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông để giúp giải quyết những thách thức an ninh là những ví dụ điển hình…

Từng nghĩ Manila nằm gọn trong tay mình, nay lại cay đắng chứng kiến điều ngược lại, Bắc Kinh thông qua đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines, đã giận dỗi mà rằng: Philippines nên ngừng đi theo “con đường sai lầm gieo rắc bất hòa và gây rối”, cũng như không “rước sói vào nhà hay mở toang cửa cho kẻ trộm”.

Đành là Mỹ cũng đâu có vừa. Nhưng với những điều ngang ngược đã và đang làm trên Biển Đông thì thật là nhạo báng khi Bắc Kinh khuyên các quốc gia như Philippines cách giữ nhà và dạy cho họ cảnh giác với “sói” và “kẻ trộm”.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới