Kéo dài gần 5 năm, trải qua 201 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, Hội nghị Paris là hội nghị dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới với đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973. Nhưng để Hội nghị Paris có thể bắt đầu vào tháng 5/1968, Đảng ta trước đó đã trải qua một cuộc đấu tranh ngoại giao vô cùng cam go, dai dẳng, diễn ra trong khi bom đạn Mỹ không ngừng rơi trên lãnh thổ Việt Nam. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với độc giả bản dịch bài “Peace feelers: This frail dance of the seven veils” đăng trên Tạp chí Life số ra ngày 22/3/1968 viết về các nỗ lực thăm dò hòa bình của các nhà ngoại giao quốc tế và lập trường kiên định của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Không còn ai biết chính xác số cuộc thăm dò hòa bình đã diễn ra trong bốn năm qua. Con số này phần nhiều phụ thuộc vào cách đếm. Đã có những dấu hiệu nghiêm túc và cả những dấu hiệu vụn vặt, những động thái và biện pháp đối phó khởi đầu từ các cấp cao nhất của chính phủ các bên liên quan, những trò bịp, các mẩu chuyện phiếm bên bàn tiệc cocktail bị thổi phồng vô căn cứ, những đề nghị dàn xếp chân thành từ chính phủ các nước thứ ba và cả những sáng kiến riêng của các công dân không có cơ sở gì hơn ngoài mơ tưởng hão huyền. Một nhà ngoại giao phương Tây có nguồn tin tuyệt hảo ở từ cả hai phía ước tính rằng trên khắp thế giới tổng cộng có đến hơn 2.000 nỗ lực thăm dò hòa bình đã diễn ra. Vì chính Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã theo đuổi chừng 1.000 nỗ lực như thế, ước đoán này có vẻ hợp lí. Và không phải tất cả những nỗ lực ấy đều phù phiếm. Ngoại trưởng Rusk ưa thích việc soạn danh sách các sáng kiến hòa bình lớn và công khai mà Hoa Kỳ đã tham gia kể từ năm 1964. Có không dưới 36 đề mục trong danh sách này.
Từ ngoài nhìn vào, gần như không thể nhận thấy bất kì sự tiến triển nào, và chướng ngại duy nhất ngăn cản việc đàm phán bắt đầu dường như rất đơn giản: Hoa Kỳ hãy ngừng ném bom Bắc Việt. Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc U Thant đã nói đại ý: “Hãy làm điều đó đi rồi hòa đàm sẽ bắt đầu”. Nhưng với những người đã phải đối phó với những câu hỏi tương tự từ cả hai phía, ngay chính đề xuất này cũng có quá nhiều lớp vấn đề xoay quanh nó, cần phải bóc tách từng chút một.
Lập trường của hai phe đối nghịch giờ đây rõ ràng đã tiến gần nhau hơn trước, dù cho đó chỉ là một bước tiến vô cùng vi tế. Và điều này ít nhất một phần là nhờ hiệu ứng tích luỹ từ hàng ngàn nỗ lực thăm dò hòa bình riêng lẻ được thực hiện trong bốn năm vừa qua. Rất khó để áp đặt một khuôn mẫu chung lên loạt sự kiện “xoay quanh hòa bình” này; nhưng quá trình theo đuổi việc đàm phán – mà sau cùng là theo đuổi hòa bình – đã trải qua ít nhất sáu giai đoạn có thể thấy rõ.
GIAN ĐOẠN MỘT – Từ tháng Mười Một 1963 đến tháng Hai 1965
Sau vụ ám sát Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, quyền lãnh đạo ở Nam Việt thay đổi nhanh như chong chóng. Vào thời điểm đầu năm 1964, số lượng binh sĩ quân đội Hoa Kỳ đưa sang Việt Nam là 16.500 người. Tháng Tám năm đó, sự kiện Vịnh Bắc Bộ gây nhiều tranh cãi đã mở ra đợt Mỹ ném bom hàng loạt căn cứ tàu phóng ngư lôi của Bắc Việt. Đến cuối năm 1964 đã có 23.000 quân nhân Mỹ tại Việt Nam. Toàn bộ đều là cố vấn; không có đơn vị tác chiến nào của Hoa Kỳ ở đây. Hầu hết quan chức Hoa Kỳ đều lạc quan về tương lai.
Trên lĩnh vực ngoại giao, đây là một giai đoạn ít nhiều bế tắc và chán nản đối với Hoa Kỳ, giờ đây đang dần nhận ra rằng một Bắc Việt nhỏ bé và chậm phát triển có thể kiên cường, tháo vát và không nao núng trước sức mạnh Mỹ như thế nào.
Công trạng cho sáng kiến hòa bình đầu tiên của thời kì này thuộc về Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, lực lượng chính trị của Việt Cộng. Vào ngày 3 tháng Mười Một 1963, chỉ một ngày sau cái chết của ông Diệm, Mặt trận đã đề xuất trên kênh phát thanh bí mật của mình rằng “tất cả các bên liên quan” nên gặp mặt để thảo luận về tương lai chính trị của Việt Nam. Chẳng ai biết rõ họ có ý định để Hoa Kỳ tham gia buổi hội đàm ấy không, nhưng trong tình cảnh hỗn loạn ở miền Nam Việt Nam, có rất ít khả năng tín hiệu thăm dò ấy được cân nhắc một cách nghiêm túc.
Cuộc thăm dò hòa bình quan trọng đầu tiên theo nhận định của Hoa Kỳ diễn ra vào đầu mùa hè năm 1964, khi F. Blair Seaborn, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trầm tĩnh, khi ấy đang là đại diện của Canada tại Ủy ban Kiểm soát Quốc tế ở Sài Gòn, ra thăm Hà Nội. Seaborn, người được mô tả là có “hiểu biết cặn kẽ” về lập trường của Hoa Kỳ, ra Hà Nội không phải với tư cách thành viên Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, mà với tư cách một nhà ngoại giao Canada.
Ông trở về Sài Gòn để thông báo về sự thờ ơ của Hà Nội với đàm phán, trừ khi đàm phán diễn ra theo các điều kiện do chính Hà Nội đưa ra; dù chưa được nêu rõ, các điều kiện này gần như chắc chắn sẽ bao gồm việc Hoa Kỳ phải nhanh chóng rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Việt Nam vĩnh viễn. Theo báo cáo về những thông tin mà Seaborn thu thập được, Hồ Chí Minh và các lãnh đạo khác của Bắc Việt có quyết tâm không gì lay chuyển nổi trong việc thống nhất Việt Nam theo các điều khoản của Hà Nội, và dường như hoàn toàn tin tưởng rằng họ có cơ sở pháp lí và đạo đức vững chắc để theo đuổi quyết tâm ấy. Seaborn còn đi Hà Nội ít nhất hai lần nữa trong khoảng thời gian từ mùa hè đó đến tháng Một 1965, nhưng hiển nhiên không thấy thái độ của họ có gì thay đổi.
Giữa chuyến đi đầu tiên và thứ hai của Seaborn đã diễn ra thêm một loạt sáng kiến của các bên thứ ba. Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc U Thant, Pháp và Liên Xô, trong những động thái riêng biệt nhưng có thể có liên quan với nhau, đều đã hối thúc 14 nước từng tham gia soạn thảo Hiệp định Geneva 1954 về Việt Nam và Hiệp định Geneva 1962 về Lào rằng họ cần họp mặt lần nữa. Cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Hà Nội đều tỏ ra quan tâm đến các đề xuất này, nhưng ở Sài Gòn, Nguyễn Khánh, một trong các viên tướng luân phiên kế vị Ngô Đình Diệm, đã từ chối thẳng thừng và thay vào đó gợi ý rằng quân của ông ta nên “tiến ra Bắc”. (Trên thực tế, chế độ của Nguyễn Khánh đã lung lay đến nỗi chỉ ba tháng sau đó, Hoa Kỳ phải từ chối tham gia đàm phán ở cấp thấp với Bắc Việt ở Rangoon vì lo sợ sẽ làm chính quyền Sài Gòn sụp đổ).
Chính trong không khí bất ổn này, sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã diễn ra vào ngày 2 và 4 tháng Tám, và đến ngày 5 tháng Tám thì máy bay Mỹ bắt đầu ném bom vào các căn cứ hải quân Bắc Việt để trả đũa cho các cuộc tấn công hai tàu khu trục Turner Joy và Maddox mà bây giờ đang gây tranh cãi.
Thái độ của Hà Nội ngay lập tức chuyển thành sắt đá. Bắc Việt được mời tường trình trước Liên Hiệp Quốc về những gì xảy ra ở Vịnh Bắc Bộ từ góc nhìn của họ, nhưng đáp lại một cách giận dữ rằng Hoa Kỳ nên ngừng nhúng tay vào chuyện nội bộ của Việt Nam – một lập trường mà từ đó đến nay không thay đổi gì đáng kể.
GIAI ĐOẠN HAI – Từ tháng Hai đến tháng Tám 1965
Vào đầu năm này, Việt Nam Cộng hòa suýt nữa đã tan thành mây khói. Các tiểu đoàn quân trù bị của Nam Việt gần như bị xoá sổ và Việt Cộng đang trên đà thắng hết trận này đến trận khác. Trong tháng Hai, Việt Cộng tấn công hai doanh trại lính Mỹ, và Hoa Kỳ trả đũa bằng các trận không kích đem máy bay ném bom vào Bắc Việt. Một tháng sau, đơn vị tác chiến đầu tiên của Hoa Kỳ hạ cánh với nhiệm vụ hạn chế là canh giữ căn cứ không quân Đà Nẵng. Đến tháng Tư đã xác định được đơn vị tác chiến đầu tiên của Bắc Việt đang hoạt động. Lực lượng phía Hoa Kỳ tăng vọt nhanh chóng sau đó, tới đầu mùa thu đã đạt con số 125.000 người.
Trong lúc nhịp độ cuộc chiến ngày càng thêm dữ dội, Bắc Kinh tuyên bố rằng xung đột chỉ có thể kết thúc nếu như Hoa Kỳ “không trì hoãn thừa nhận sai lầm của mình… và ngay lập tức rút toàn bộ lực lượng vũ trang khỏi Nam Việt”. Hà Nội lặp lại luận điểm này. Tại Washington, Ngoại trưởng Rusk cảnh báo rằng không thể có hòa bình chừng nào Hà Nội còn chưa “ngưng làm những gì họ đang làm và biết rõ mình đang làm để chống lại các nước láng giềng”. Chỉ có Liên Xô là có vẻ thận trọng với các tuyên bố công khai.
Trước xu hướng đáng báo động này, Tổng thống Tito của Liên bang Nam Tư đã hỗ trợ tập hợp các lãnh đạo 17 quốc gia không liên kết tại Belgrade vào giữa tháng Ba. Họ kêu gọi các bên tham chiến không đặt điều kiện trước mà gia nhập đàm phán “càng sớm càng tốt”. Hoa Kỳ lên tiếng tán thành đề xuất này một cách thận trọng, nhưng Hà Nội chế giễu Tito là “con chim mồi” của Hoa Kỳ và mô tả đề xuất đàm phán là “sự lường gạt về hòa bình, một trò bịp lớn”.
Một tuần sau buổi hội đàm ở Belgrade, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam đưa ra một chương trình hòa bình năm điểm, bao gồm yêu cầu “đế quốc” Mỹ “rút khỏi Nam Việt”, đem theo quân đội “tay sai” và các trang bị quân sự, trao lại cho những “nhà ái quốc đích thực” của Mặt trận quyền có “tiếng nói quyết định” trong việc định đoạt tương lai đất nước.
Liên tiếp sau đó, hai mốc sự kiện lớn được thiết lập. Vào ngày 7 tháng Tư, lập trường đàm phán đang hình thành của Hoa Kỳ được trình bày rõ ràng trong bài phát biểu “cây gậy và củ cà rốt” của Tổng thống Johnson tại trường Đại học Johns Hopkins ở Baltimore. Trong bài phát biểu này, ông không chỉ hứa hẹn “thảo luận vô điều kiện” mà còn cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ đầu tư 1 tỉ đô la vào việc phát triển Đông Nam Á. Ông mời Bắc Việt dự phần hưởng tặng phẩm hào phóng đó – với điều kiện Bắc Việt ngừng gây hấn với Nam Việt. Nếu không chịu, thì những lãnh đạo Bắc Việt nên biết rằng Hoa Kỳ “sẽ không bị đánh bại, không mệt mỏi, không rút quân…”
Ngày hôm sau, Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng đưa ra bốn điểm – thường được kết hợp với năm điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam – mà đến nay vẫn là lập trường thương lượng chủ yếu của Hà Nội:
1. Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc Việt Nam; và Hoa Kỳ phải rút toàn bộ quân đội và vũ khí, dỡ bỏ các căn cứ quân sự, huỷ bỏ “liên minh quân sự” với miền Nam Việt Nam và “chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
2. Thống nhất Việt Nam trong hòa bình, chừng nào việc này chưa được thực hiện, cả hai miền lãnh thổ “bị chia cắt tạm thời” đều không được tham gia vào bất kì liên minh quân sự nào và không được chứa chấp quân đội hay căn cứ quân sự nước ngoài.
3. Việc giải quyết “công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam phải do người miền Nam Việt Nam tự thực hiện theo kế hoạch của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam”.
4. Vấn đề thống nhất được quyết định bởi “người dân Việt Nam ở cả hai miền, mà không có bất kì sự can thiệp nào của ngoại bang”.
Trong vòng hơn hai năm sau bài phát biểu của Phạm Văn Đồng, Hà Nội kiên quyết yêu cầu bốn điểm trên phải được chấp thuận toàn bộ trước khi họ quyết định có ngồi vào bàn đàm phán hay không. Sau đó, vào cuối năm ngoái, lập trường này được điều chỉnh để diễn đạt rằng bốn điểm này là cơ sở “duy nhất phù hợp” cho hòa giải, qua đó Hà Nội đã vạch được một ranh giới tuy mong manh nhưng rạch ròi giữa những gì họ nhìn nhận là yêu cầu cho đàm phán và những gì họ mong muốn làm cơ sở cho hòa giải. Tuy nhiên, trong quá trình này, Hồ Chí Minh đã củng cố điểm thứ ba cứng rắn hơn nữa bằng cách yêu cầu rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam phải được công nhận là “đại diện thực thụ duy nhất” của người dân Nam Việt.
Có lẽ câu trả lời rõ ràng nhất cho Hà Nội đến từ Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Arthur Goldberg. Theo ông, Hoa Kỳ “cơ bản không thấy có trở ngại nào với cách diễn giải hợp lí về bất kì phần nào trong điểm thứ nhất. Mối lo ngại chính của chúng tôi là về những gì nó không nêu ra: cụ thể là Bắc Việt cũng phải ngừng can thiệp vào miền Nam cũng như tất cả các hoạt động chiến tranh chống lại miền Nam, và rút toàn bộ lực lượng khỏi miền Nam”.
Quan điểm của Hoa Kỳ về điểm thứ hai cũng tương tự: đồng ý nếu như điều kiện tương đương cũng được áp dụng với Bắc Việt.
Điểm thứ tư không hề gây phiền hà gì cho Washington, vì Hoa Kỳ cũng ủng hộ việc giải quyết vấn đề thống nhất bằng biện pháp hòa bình và không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Nhưng điểm thứ ba và việc ông Hồ đã củng cố thêm điểm này vẫn còn treo lơ lửng. Goldberg cho rằng có thể mặc định điều đó có nghĩa là “Hà Nội chỉ sẵn sàng tham gia đàm phán nếu được bảo đảm trước rằng kết quả đàm phán sẽ thuận theo các điều khoản họ đưa ra, và trên thực tế, sẽ chỉ đơn giản phê chuẩn những mục tiêu mà họ đã đề ra từ trước”.
Tuy diễn biến chủ yếu của Giai đoạn Hai là việc Hà Nội và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam đưa ra các yêu sách và các luận điểm xoay quanh chúng, đó cũng chưa phải bức tranh toàn cảnh. Còn có những sáng kiến đáng chú ý được đưa ra từ phía Canada, Anh, Ấn Độ, và Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc U Thant. Lần lượt các sáng kiến này đều được Washington ủng hộ, bị Bắc Kinh tấn công thô bạo và bị Hà Nội từ chối phũ phàng.
Vào đầu tháng Năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, sử dụng một bên thứ ba đem theo thông điệp, gửi lời tới Hà Nội qua Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Mát-xcơ-va rằng Hoa Kỳ sẽ tạm ngừng ném bom miền Bắc trong một thời gian ngắn. Khi thực hiện điều này Hoa Kỳ trông đợi Bắc Việt “giảm bớt đáng kể” số người và hàng hoá được vận chuyển vào miền Nam trong giai đoạn tạm ngừng.
Việc tạm ngừng ném bom bắt đầu vào ngày 12 tháng Năm và kéo dài trong năm ngày và 20 giờ. Trong khoảng thời gian này, các báo cáo tình báo Hoa Kỳ cho thấy hoạt động xâm nhập của Bắc Việt tăng mạnh. Tuy nhiên, Hà Nội, thông qua liên hệ với chính phủ Pháp, đã thông báo cho Washington rằng họ bằng lòng cân nhắc đàm phán hòa bình trên cơ sở bốn điểm đã đưa ra, nhưng chỉ sau khi Hoa Kỳ đã rút quân. Trong một trong những diễn biến trớ trêu tiêu biểu cho phần lớn lịch sử tìm kiếm hòa bình, thông điệp này đến được với Washington chỉ vài giờ sau khi Hoa Kỳ bắt đầu ném bom trở lại.
Giai đoạn Hai tiến dần đến hồi kết với một bài diễn thuyết “cây gậy và cành ô liu” nữa của Lyndon Johnson, trong đó ông cùng lúc vừa thông báo việc điều động thêm 50.000 lính Mỹ sang Việt Nam vừa khẳng định “Hoa Kỳ mong muốn bắt đầu thảo luận vô điều kiện với bất kì chính phủ nào tại bất kì đâu vào bất kì lúc nào”. Tiếp đó Tổng thống Johnson gửi một bức thư cho U Thant, kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Quốc, từng người một và cùng nhau, “dùng sức ảnh hưởng của mình để đưa tất cả các chính phủ có liên quan đến bàn đàm phán”.
Câu trả lời cho cả hai đến từ chính ông Hồ, và khép lại Giai đoạn Hai. Thảo luận về đàm phán chỉ là một thủ đoạn lừa bịp, ông nói. Việt Nam sẽ tự thu xếp tương lai chính trị của mình và thống nhất “mà không cần bất kì sự can thiệp nào từ nước ngoài”.
GIAI ĐOẠN BA – Từ tháng Chín 1965 đến tháng Một 1966
Hải quân Hoa Kỳ tiến hành cuộc tiến công phối hợp đầu tiên, và những người lính của Sư đoàn Không kị số 1 từ trên trực thăng đã chiến đấu với quân chính quy của Bắc Việt trong những trận đẫm máu ở Thung Lũng Ia Drang – đây là những trận đánh lớn nhất có lính Mỹ tham gia trong cuộc chiến này. Số binh sĩ Bắc Việt xâm nhập miền Nam mỗi tháng lên đến 4.500 người, và số binh sĩ Hoa Kỳ đóng quân tại đây vào cuối năm đã đạt 181.392 người.
Trên nhiều khía cạnh, giai đoạn “ngừng ném bom kéo dài” tượng trưng cho mớ bòng bong rối rắm nhất trong toàn bộ lịch sử tìm kiếm giải pháp hòa bình. Một trong những khoảnh khắc kịch tính nhất của giai đoạn này xảy ra vào tháng Mười, khi Giáo hoàng Paul xuất hiện tại Liên Hiệp Quốc để kêu gọi hòa bình. Chỉ hơn một tháng sau khi Ngoại trưởng Hungary János Péter thả trái bong bóng ngừng – ném – bom ra trước Liên Hiệp Quốc, Giorgio La Pira, một giáo sư người Ý giảng dạy luật La Mã tại Đại học Firenze đi Hà Nội với tư cách cá nhân. Vì lí do gì đó mà Washington không hiểu rõ, La Pira được đích thân Hồ Chí Minh chấp nhận cho gặp mặt – đã ít lâu nay hầu hết nhà ngoại giao kì cựu của các nước khác không có được may mắn này.
Có thể ta sẽ không bao giờ biết chính xác ông Hồ đã nói những gì với La Pira, nhưng theo một bản tóm tắt về cuộc trò chuyện này được Thủ tướng Ý Amintore Fanfani chuyển tiếp cho Washington, ông Hồ có quan tâm đến đàm phán hòa bình trên cơ sở ngừng bắn, áp dụng Hiệp định Geneva theo bốn điểm mà Hà Nội đưa ra, và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có đại diện chính thức trên bàn đàm phán.
Thông điệp của Fanfani tới Washington vào cuối tháng Mười Một, hồi đáp lãnh đạm của Hoa Kỳ được gửi đến Rome để truyền đạt cho Hà Nội vào ngày 6 tháng Mười Hai. Câu trả lời này còn được nhấn mạnh hơn nữa vào ngày 15 tháng Mười Hai khi máy bay Mỹ ném bom xuống gần trung tâm thành phố Hải Phòng hơn bất cứ thời điểm nào trước đó. Một số tờ báo Hoa Kỳ và châu Âu đã lên tiếng cáo buộc rằng Hoa Kỳ biết trước các trận đánh bom vào những khu vực gần sát Hà Nội hay Hải Phòng sẽ khiến việc đàm phán trở nên bất khả thi.
Vào khoảng cùng thời điểm mà báo cáo của La Pira-Fanfani được đọc ở Washington, Ngoại trưởng Anh Michael Stewart, trong một động thái mà ta có thể mặc định là người Nga đã biết từ trước, xuất hiện trên truyền hình Mát-xcơ-va để kêu gọi Liên Xô hỗ trợ trong việc đem lại hòa bình cho Việt Nam. Có thể đoán được rằng chẳng có câu trả lời chính thức nào được đưa ra từ phía Liên Xô cả, nhưng rất có thể đã có liên lạc trao đổi giữa Mát-xcơ-va và Hà Nội, bởi vì hai tuần sau đó, Hà Nội đã “dứt khoát từ chối” tất cả các đề xuất của người Anh.
Sau đó không lâu, vào đêm Giáng sinh, đợt ngừng ném bom thứ hai và cũng là đợt kéo dài nhất trong cuộc chiến bắt đầu. Bom ngừng rơi trong 36 ngày và 15 giờ, cho tới ngày 30 tháng Một 1966, cũng trong khoảng thời gian này còn diễn ra một ví dụ tiêu biểu về kiểu làm quá trên mặt trận ngoại giao đặc trưng của Johnson. Một nhóm phái viên của Tổng thống do chuyên gia hòa giải kì cựu Averell Harriman đứng đầu đã tỏa đi khắp thế giới đem theo công thức của Hoa Kỳ cho hòa bình tại Việt Nam. Với sự hài lòng mà nó vẫn thường ưu ái dành cho các con số thống kê trong cuộc xung đột này, Nhà Trắng báo cáo rằng các phái viên đã công du đến thủ phủ của 34 quốc gia và trao thông điệp cho đại diện của 115 chính phủ.
Tuy nhiên tất cả những điều này cộng lại vẫn là con số không tròn trĩnh. Một nỗ lực ngoại giao khác kín đáo hơn được thực hiện trong cùng giai đoạn này, có thể là tại Rangoon, cũng chịu chung số phận. Một thông điệp được trao cho đại diện Việt Nam tại đó nói rằng Hoa Kỳ sẽ ngừng ném bom Bắc Việt nếu Hà Nội ngừng xâm nhập miền Nam. Lại một “trò bịp” nữa, Hà Nội đáp trả, và vào đêm 30 tháng Một, cả giai đoạn “ngừng ném bom kéo dài” và cuộc tiến công hòa bình lớn đồng loạt kết thúc; máy bay Mỹ lại gầm rú trên bầu trời Bắc Việt một lần nữa.
GIAI ĐOẠN BỐN – Từ tháng Hai 1966 đến tháng Hai 1967
Chiến thuật của Hoa Kỳ thay đổi từ đột kích để làm đối phương mất cân bằng sang các nhiệm vụ tìm – và – diệt được thiết kế để xác định vị trí rồi phá huỷ các đơn vị và căn cứ lớn của họ. Lực lượng quân đội Mỹ tại Nam Việt đã vượt mốc 350.000 người, và số binh lính tử trận lên tới 5.000 người. “Phong trào đấu tranh” Phật giáo suýt chút nữa đã lật đổ cả chính quyền Sài Gòn. Vào tháng Mười, những người đứng đầu nhà nước của bảy quốc gia đồng minh đã hội đàm ở Manila để tái khẳng định sự kiên định và thống nhất của nhóm này.
Chiến dịch ném bom không phận Bắc Việt – được gọi là “chiến dịch sấm rền” – đã tiếp tục trở lại được hơn một tháng khi Chester Ronning, nhà ngoại giao kì cựu của Canada, người có nhiều quan hệ thân cận ở Đông Nam Á, rời khỏi Ottawa để thực hiện một nhiệm vụ bí mật. Ông tới Hà Nội vào giữa tháng Ba và ở đây đã tham gia thảo luận trong suốt bốn ngày với các lãnh đạo Bắc Việt, trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh. Khi trở về Ottawa, ông đem theo một nhận định rõ nét về lập trường của Bắc Việt trước chiến dịch ném bom của Hoa Kỳ: Bắc Việt sẽ không cân nhắc đàm phán hòa bình trong bất cứ tình huống nào nếu như Hoa Kỳ chỉ ngừng ném bom tạm thời, hay thậm chí là vô thời hạn. Họ sẽ chỉ chấp nhận khi Hoa Kỳ ngừng ném bom vĩnh viễn và vô điều kiện.
Thông tin này được truyền đạt lại cho Washington. Mặc dù đang vướng bận với cuộc khủng hoảng Phật giáo ở Nam Việt, Washington đồng ý với Ronning rằng có lẽ cũng đáng thử tới Hà Nội thêm một chuyến. Vào tháng Sáu, nhà ngoại giao Canada đã thực hiện cuộc hành trình dài này một lần nữa.
Kết quả của chuyến đi thứ hai là điều có lẽ chỉ lịch sử mới có thể định đoạt. Có một số bằng chứng cho thấy Hà Nội ít mặn mà với chuyến thăm thứ hai của Ronning hơn so với lần đầu, vì ông này rõ ràng đã được đón tiếp ở cấp thấp hơn nhiều, không được gặp cả Chủ tịch Hồ Chí Minh lẫn Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, một số người quen biết ông cho rằng khi trở về Ottawa ông vẫn còn thấy le lói chút triển vọng.
Phán đoán này có lẽ đã không bao giờ được thẩm định nếu như William P. Bundy, Trợ lí Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các Vấn đề Viễn Đông và Châu Á và cũng là tiếng nói số một của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong vấn đề Việt Nam, không xuất hiện tại Ottawa chỉ hai ngày sau khi Ronning trở về và lập tức rút vào hội ý kín với Ronning và các thượng cấp của ông.
Bundy sau đó thuật lại với các phóng viên rằng điệp vụ thứ hai của Ronning không đem lại được thông tin gì mới mẻ về lập trường của Hà Nội. Nhưng Ronning chưa từng tự mình phát biểu trước công chúng, và do đó không tránh khỏi việc xuất hiện những nghi ngờ rằng Bundy đã không phản ánh chính xác những nhận định của Ronning.
Tuy nhiên, điều đã rõ là Hà Nội không quan tâm đến những đợt ngừng ném bom tạm thời, vì vậy Hoa Kỳ liền chuyển lời đến các lãnh đạo Bắc Việt rằng họ sẵn lòng trao đổi bí mật về các bước khác có thể thực hiện để hạ nhiệt cho cuộc chiến, và có thể còn sẵn lòng áp dụng các lệnh kiềm chế ném bom trong thời gian diễn ra các buổi trao đổi này.
Một lần nữa phản hồi từ Hà Nội là cự tuyệt, và Liên Hiệp Quốc trở thành một tiêu điểm cho các động thái hòa bình vào đầu mùa thu. U Thant lặp lại công thức kêu gọi ngừng ném bom, yêu cầu các bên giảm đáng kể hoạt động quân sự ở miền Nam, và để cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán. Đại sứ Goldberg nối tiếp với bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó ông cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ ngừng ném bom “ngay khi chúng tôi có được sự đảm bảo, kín đáo hoặc công khai, rằng phía bên kia sẽ lập tức đáp lại bằng động thái hạ nhiệt tương ứng và phù hợp”. Hà Nội một lần nữa xác nhận bốn điểm họ đã đưa ra và đề nghị Liên Hiệp Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Gần như song hành với sáng kiến hão huyền của Hungary năm 1966, một nỗ lực của phía Ba Lan cũng gặt hái kết quả đáng buồn tương tự. Việc này do đại diện Ba Lan tại Ủy ban Kiểm soát Quốc tế ở Sài Gòn là Janusz Lewandowski chủ trương. Ông đã ra Hà Nội với tư cách cá nhân, giống như Seaborn cũng là thành viên Ủy ban Kiểm soát đại diện cho Canada từng đi trước đó. Tại đây ông thăm dò các lãnh đạo Bắc Việt về một chương trình hòa bình gồm mười điểm do chính ông tự soạn thảo. Sau đó Lewandowski trở lại Sài Gòn và nói với Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge ông cho rằng Bắc Việt có quan tâm đến đàm phán bí mật trên cơ sở mười điểm mà ông đưa ra.
Lodge ngay lập tức chuyển thông điệp này cho Washington, và nó đã gây ấn tượng đủ để Washington ra lệnh cho các máy bay ném bom không tấn công khu vực nằm trong phạm vi bán kính mười dặm từ trung tâm Hà Nội trong khi Hoa Kỳ nghiên cứu đề xuất của Lewandowski. Lệnh kiềm chế này bị phá vỡ vào ngày 13 tháng Mười Hai, và những người Ba Lan giận dữ cáo buộc rằng Hoa Kỳ đã hành động trong khi kế hoạch mười điểm của Lewandowski vẫn còn nằm trên bàn làm việc của các lãnh đạo Hà Nội. Không phải vậy, Hoa Kỳ trả lời rằng họ đã nhận được tin tức rằng Hà Nội không có hứng thú với kế hoạch ấy.
Bất chấp tất cả những chuyện này, Hoa Kỳ vẫn xúc tiến kế hoạch ngừng ném bom lần thứ ba, kéo dài trong hai ngày lễ Giáng sinh và sau đó là hai ngày Tết dương lịch.
Thông điệp báo cho Hà Nội về đợt ngừng đánh bom này được trao tại Mát-xcơ-va trong khuôn khổ một chuỗi các buổi họp mặt lê thê giữa các nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ và Bắc Việt. Đại diện phía Hoa Kỳ là John C. Guthrie, một cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp lúc ấy đang tạm thời điều hành đại sứ quán Mỹ tại đây.
Hành động theo hướng dẫn cụ thể từ Washington, Guthrie bắt liên lạc với Lê Trang, đại biện lâm thời của đại sứ quán Bắc Việt, và thông báo rằng ông có vài thông điệp quan trọng gửi tới Hà Nội. Thông điệp thứ nhất khẳng định kế hoạch ngừng ném bom trong hai dịp lễ cuối năm. Thông điệp thứ hai liên quan đến việc không ném bom khu vực nằm trong phạm vi bán kính 10 dặm quanh Hà Nội và lí do việc này được thực hiện rồi sau đó lại bị huỷ bỏ. Các thông điệp khác bao gồm các đề xuất về những động thái nhỏ khả thi giúp hạ nhiệt chiến tranh mà chưa bên nào đưa ra trước đó.
“Chúng ta đã đi bước đầu”, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã góp mặt trong tiến trình này phát biểu. “Để mọi sự được bắt đầu, chúng ta đã đến gõ cửa nhà họ, nhưng sau đó thì chuyện xảy ra chủ yếu chỉ là Guthrie và Lê Trang trao đổi cho nhau những thông điệp cứng rắn từ thủ đô mỗi nước”.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không nói cụ thể, người ta tin rằng bốn trong số các thông điệp này được gửi đi từ chính Tổng thống Johnson, nhằm mục đích thể hiện sự nghiêm túc của phía Mỹ.
Trong khi tấn bi kịch này diễn ra ở Mát-xcơ-va, Thủ tướng Liên Xô Aleksei N. Kosygin, không hoàn toàn vì tình cờ, đã có mặt ở Luân Đôn để thảo luận về Việt Nam với Thủ tướng Anh Harold Wilson. Có một câu chuyện, có lẽ là hư cấu, cho rằng người Nga cũng bối rối trước sự ngoan cố của các đồng minh Bắc Việt của họ. Theo câu chuyện này, Wilson đã đề nghị rằng: “Nếu các ông có thể đưa đồng minh của các ông đến bàn đàm phán lúc này, tôi nghĩ tôi cũng có thể đưa đồng minh của tôi đến được”. Kosygin yêu cầu Wilson chờ đợi trong hai ngày, rồi quay lại với một cái lắc đầu. “Tôi không thể nào lay chuyển được họ”, ông nói, “họ đơn giản là quá cứng đầu nên không thể nào kéo họ đi chệch khỏi hướng mà họ đã quyết”.
Các cuộc gặp giữa Guthrie với Lê Trang và giữa Kosygin với Wilson chắc hẳn đã dẫn đến việc Tổng thống Johnson gửi một lá thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 8 tháng Hai.
Trong bức thư này Tổng thống đề cập đến “một giải pháp tốt” để xúc tiến hòa bình, đó là “chúng ta hãy thu xếp đàm phán trực tiếp giữa các đại diện tin cậy trong một buổi họp an toàn và tránh xa cái nhìn của công chúng”; điều này dường như đang gợi ý rằng các buổi gặp ở Mát-xcơ-va có thể được nâng cấp từ chỗ chỉ đơn thuần là nơi trao đổi công hàm trở thành những đối thoại có ý nghĩa nếu ông Hồ muốn thế. Johnson không chỉ sẵn sàng ra lệnh ngừng ném bom Bắc Việt mà còn có ý định tạm dừng đưa thêm lính Mỹ sang Việt Nam, với điều kiện “Bắc Việt ngừng xâm nhập miền Nam bằng đường bộ và đường biển”.
Thông điệp của Johnson tới tay ông Hồ hai ngày sau khi đợt ngừng ném bom thứ ba của Hoa Kỳ đã bắt đầu, một khoảng nghỉ kéo dài 5 ngày và 18 giờ vào dịp Tết ở Việt Nam. (18 giờ cuối cùng này được thêm vào để Kosygin rời khỏi Luân Đôn trở về Mát-xcơ-va mà không phải bẽ mặt vì bom lại rơi trong khi ông ta và Wilson vẫn còn đang thảo luận về các triển vọng hòa bình).
Ba ngày sau, vào ngày 13 tháng Hai, đợt đình chiến kết thúc, và cũng trong ngày đó, Giáo hoàng Paul ở La Mã nhận được một bức thư của ông Hồ. Thư này đáp lại một lời kêu gọi trước đó của vị giáo chủ, trong thư nêu rõ hòa bình chỉ có thể được vãn hồi ở Việt Nam nếu Hoa Kỳ ngừng ném bom “dứt khoát và vô điều kiện”, toàn bộ quân đội Mỹ và đồng minh rút khỏi miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được chính thức công nhận – tóm lại, toàn bộ phần cốt lõi của thứ mà Bộ Ngoại giao coi là lập trường vững như bàn thạch của Hà Nội.
Thời điểm được lựa chọn để bắt đầu tiếp tục ném bom lại khiến Hoa Kỳ bị chỉ trích – lần này với lí do có thể mặc định rằng vị Chủ tịch của Bắc Việt vẫn còn đang cân nhắc về bức thư của Johnson khi bom rơi trở lại. Dù sao, hai ngày sau khi các máy bay ném bom đã quay lại miền Bắc, Nhà Trắng nhận được câu trả lời của Hồ Chí Minh. Hồi đáp lần này vẫn đưa ra những điều kiện cho hòa bình giống như đã nêu trong thư gửi Giáo hoàng. Muối mặt hơn nữa, vào ngày 21 tháng Ba, trước sự kinh ngạc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và nhiều nhà ngoại giao phương Tây khác, Hồ Chí Minh công bố toàn bộ cuộc trao đổi thư từ của Johnson với ông cho công chúng, và bằng cách này tỏ rõ rằng ông quay lưng lại với những trao đổi như thế trong tương lai.
GIAI ĐOẠN NĂM – Từ tháng Hai đến tháng Mười 1967
Hai trận đánh đẫm máu ở Cồn Tiên và Đồi 881 Bắc đã đi vào lịch sử quân sự Hoa Kỳ, và các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ ở Sài Gòn tiết lộ rằng đối thủ của họ đang dần bị đẩy lui về các vùng ngoại vi của Nam Việt. Lực lượng Mỹ tại đây đã vượt ngưỡng 450.000 người, tổng số lính tử trận lên tới 13.634 người và tiếp tục tăng. Chính quyền Thiệu – Kỳ được bầu ra trong cuộc bầu cử tổng thống tự do đầu tiên ở miền Nam sau hơn một thập kỉ, và ở các vùng nông thôn, chương trình bình định lâu nay vốn trì trệ đã có những bước tiến được khen ngợi.
Các sáng kiến hòa bình lớn trong những tháng mùa xuân và mùa hè năm 1967 gần như hoàn toàn vắng bóng cả hai bên tham chiến chính, nhưng U Thant đã xúc tiến đề xuất ba điểm mà ông đưa ra trước đó. Chính phủ Ceylon (nay là Sri Lanka – ND) thông báo rằng đại sứ của họ ở Bắc Kinh đã tới Hà Nội để tìm hiểu các triển vọng hòa bình, và Ceylon sẵn sàng trở thành địa điểm đàm phán. Và những người Canada cần mẫn lại thử thêm một chiến thuật khác, đó là đề nghị tái phi quân sự hoá và kiểm soát vùng chiến sự đã được phi quân sự hoá nằm giữa miền Nam và miền Bắc. Hà Nội đều đặn từ chối cả ba đề xuất.
Nhưng đến giữa tháng Tám, một nhà ngoại giao cấp cao khác từ một nước thứ ba, người mà danh tính chưa bao giờ được tiết lộ công khai nhưng chiếm được sự tin cậy đáng kể của cả Hà Nội và Washington (LBJ có lần đã gọi ông này là “người của tôi ở Hà Nội”), đã tìm cách thiết lập được một cuộc đối thoại với các lãnh đạo Bắc Việt. Theo nhận định của ông, dường như Hà Nội đã nới lỏng lập trường của mình hơn một chút về chuyện ném bom, và có thể cả về các điểm khác nữa.
Các động thái thăm dò được đưa ra thông qua các bên thứ ba khác dường như xác minh nhận định này, và vào ngày 29 tháng Chín, trong một bài phát biểu tại San Antonio, Tổng thống LBJ đã công bố chính thức nội dung lập trường hiện tại của Hoa Kỳ về việc ném bom. Ông nói rằng Hoa Kỳ “sẵn sàng ngừng tất cả hoạt động ném bom Bắc Việt trên không và trên biển nếu điều này ngay lập tức dẫn tới các cuộc thảo luận hữu ích. Tất nhiên chúng tôi mặc định rằng trong thời gian diễn ra thảo luận, Bắc Việt sẽ không lợi dụng việc chúng tôi ngừng ném bom hoặc hạn chế ném bom”.
Sau đó Hoa Kỳ kín đáo chuyển lời tới Hà Nội rằng Hoa Kỳ hiểu rõ một thực tế quân sự: rằng cũng như bất kì ai khác, các lãnh đạo Bắc Việt có trách nhiệm phải hoàn thành với những người lính trên chiến trường. Để tiếp tế và hỗ trợ cho họ, cần phải chuyển thêm binh sĩ thay thế những người bị thương và tử trận, cũng như vũ khí và lương thực vào miền Nam, và quá trình này sẽ phải tiếp tục sau khi Hoa Kỳ đã ngừng ném bom. Tuy nhiên Bắc Việt không được lợi dụng đợt ngừng ném bom này để mở rộng lực lượng của họ ở miền Nam.
Sự im lặng của Hà Nội sau khi đọc thông điệp từ San Antonio được xem là một dấu hiệu khả quan, nhưng vào giữa tháng Mười, tại một bữa tiệc ngoại giao ở Vientiane, thủ đô của Lào và cũng gần như là nơi duy nhất trên trái đất mà đại diện của hai nước đang tham chiến thi thoảng gặp nhau trong những sự kiện xã giao thông thường, một nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ đã đứng trò chuyện với một nhà ngoại giao Bắc Việt trong một góc phòng tiệc.
Nhà ngoại giao Bắc Việt đưa ra nhận định dễ chịu rằng những diễn biến mới nhất thực sự rất thú vị. Tuy nhiên, ông này gợi ý Hoa Kỳ nên theo dõi cẩn thận tin tức sắp được công bố trên truyền thông về một buổi phỏng vấn giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Nguyễn Duy Trinh và Wilfred Burchett, kí giả cộng sản đến từ Úc. Nhà ngoại giao Bắc Việt hứa hẹn rằng cuộc phỏng vấn này sẽ đem lại một bài báo đáng đọc, và cho rằng trong bất kì hoàn cảnh nào, Hoa Kỳ cũng không nên xem nhẹ nó như các tác phẩm báo chí thông thường khác.
Hoa Kỳ không hề xem nhẹ. Bài phỏng vấn, được đăng báo ngày 21 tháng Mười, tiếp tục làm sống dậy lập trường sắt đá của Hà Nội. Ông Trinh nói rằng sẽ không có đàm phán hay thậm chí là liên lạc giữa hai bên chừng nào Hoa Kỳ chưa ngừng ném bom một lần cho mãi mãi. Burchett tiếp tục miêu tả rằng Hà Nội “đang không có tâm trạng để nhượng bộ hay mặc cả, và hoàn toàn từ chối đưa ra bất kì đề xuất nào ngoại trừ việc chấp nhận thảo luận để đổi lấy việc ngừng ném bom. Từ được nhấn mạnh ở đây là “thảo luận” chứ không phải “đàm phán”.
Bài báo này, theo lời một quan chức Ngoại giao Hoa Kỳ, “chính là hồi kết dõng dạc cho giai đoạn San Antonio (giai đoạn năm)”.
GIAI ĐOẠN SÁU
Mọi chuyện dậm chân tại chỗ cho đến khi mùa lễ hội cuối năm 1967 bước sang 1968 khơi dậy một đợt thăm dò và sáng kiến quy mô nhỏ như thường lệ xoay quanh dịp Giáng sinh và năm mới. Hoa Kỳ tạm ngừng ném bom lần thứ sáu – nâng tổng số ngày bầu trời Bắc Việt vắng bóng máy bay Mỹ lên 57 ngày – lần này bao gồm hai ngày rưỡi trong hai dịp lễ và sau đó là đình chỉ không kích trong phạm vi bán kính 10 dặm quanh Hà Nội. Vào ngày 29 tháng Mười Hai, trong thời gian rèn luyện sự kiềm chế này, Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh trình diễn một điệu minuet trên đầu mũi kim gây bối rối cho người ngoài nhưng mang ý nghĩa quan trọng với những nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Đó là khi ông phát biểu rằng nếu Hoa Kỳ dừng ném bom hoàn toàn, Hà Nội “sẽ” – không phải “có thể” hay “có khả năng” – tham gia hòa đàm.
Lập trường này được củng cố vào ngày 16 tháng Một khi Mai Văn Bộ, nhà ngoại giao chuyên nghiệp thận trọng, người đại diện cho Bắc Việt ở Paris và cũng là đại diện cấp cao của ông Hồ tại châu Âu, nói rõ rằng việc ông Trinh sử dụng từ “sẽ” là có chủ ý, hay nói cách khác, thực sự đã có một thay đổi nhỏ nhưng đáng kể trong lập trường của Hà Nội.
Hai bên lại một lần nữa viện đến leo thang chiến tranh. Vùng không ném bom quanh Hà Nội được xoá bỏ, và lượng chất nổ thả xuống Việt Nam đã đạt rồi vượt mốc tổng số lượng mà Hoa Kỳ thả xuống toàn bộ châu Âu trong Thế chiến Thứ hai. Vào ngày 30 tháng Một, những người cộng sản trả lại cả gốc lẫn lãi với cuộc tổng tiến công khổng lồ vào hơn ba mươi thành phố miền Nam.
Dù vậy, những nỗ lực tìm kiếm hòa bình vẫn tiếp tục – thất thường, loạng choạng, đôi khi trong hào quang loè loẹt của những lời xã giao hoa mĩ và tuyên truyền, đôi khi lặng lẽ và kín đáo đến nỗi chỉ có một vài nhân vật chính mới biết đến. Hiếm khi có một ngày trôi qua mà các máy điện báo đánh chữ trong các phòng vận hành trên tầng bảy toà nhà chính của Bộ Ngoại giao tại Washington không lách cách xổ ra bản báo cáo về một cuộc thăm dò hòa bình, một tin đồn, một sáng kiến của bên thứ ba, hay một thất bại nữa. Các cỗ máy này được theo dõi. Trước những cáo buộc rằng Hoa Kỳ đã phớt lờ hoặc bỏ lỡ các cơ hội tiến đến đàm phán trong quá khứ, các chuyên gia về Việt Nam nhún vai với vẻ chán chường và đề nghị người ta cứ việc kiểm tra hồ sơ.
Trong vài tuần gần đây, U Thant lại tiếp tục kêu gọi Hoa Kỳ ngừng ném bom, và Pháp, Thuỵ Điển, Phần Lan cũng phụ hoạ với những đề xuất tương tự. Ở Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh bây giờ nói rằng Bắc Việt “linh hoạt” đối với các phương án để Hoa Kỳ “chứng minh” rằng việc tạm ngừng ném bom có thể trở thành ngừng hẳn.
Tuy nhiên hoài nghi vẫn còn vương vấn trong đầu nhiều nhà ngoại giao, cả cộng sản và không cộng sản, rằng có lẽ sau cùng thì chuyện ném bom chẳng phải là vấn đề cốt lõi.
“Vấn đề chính”, người đứng đầu phái đoàn ngoại giao của một nước phương Tây tại Washington nói, “không phải là chuyện ném bom. Đây chỉ là một vỏ bọc mà cả hai phía đều thấy thuận tiện để duy trì. Sớm muộn gì vấn đề chính cũng bộc lộ, đó là Điểm thứ ba – liệu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam có được tự mình cai quản miền Nam không, hay nó phải chia sẻ quyền cai trị với bên nào khác”.
Theo nhận định của một người Mỹ đã tham gia vào quá trình mòn mỏi này gần như từ những ngày đầu, tình huống “thật sự rất khó khăn. Nhưng cũng còn xa mới đến mức tuyệt vọng”. Ông lưu ý rằng, thứ nhất, một dấu hiệu đáng khích lệ, và hơi có chút đáng lo, là từ cả hai phía đều gần như không có hoặc hoàn toàn không có dấu hiệu của sự lật lọng. Trên thực tế, cả hai bên đều đưa ra quan điểm của mình có phần hơi thẳng thắn thái quá, và giữ vững lập trường một cách hơi quá ngoan cố.
Và như thế quá trình lột bỏ từ từ những lớp vỏ ngoài không thiết yếu vẫn chậm rãi tiếp tục.
Nói như lời William Bundy của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ:
“Đây là thứ gì đó giống như Vũ điệu bảy lớp màn che vậy. Bốn hay năm lớp đã được lột bỏ rồi. Dù chúng ta có thích điều đó hay không, vẫn còn đôi ba lớp nữa cần bóc tiếp”.
T.P