Những món đặc sản của Việt Nam đã làm du khách quốc tế mê đắm và dành nhiều lời khen ngợi về hương vị cũng như độ độc đáo trong cách chế biến, thưởng thức.
Món ăn độc đáo
Tờ Straits Times (Singapore) từng ca ngợi vùng Tây Bắc Việt Nam là sự kết hợp kỳ diệu của phong cảnh núi cao, văn hóa dân tộc và không khí trong lành.
Vùng đất này thu hút du khách không chỉ bởi phong cảnh và những bộ quần áo đầy màu sắc của người dân tộc thiểu số, mà còn bởi các món ăn độc đáo, trong đó nổi tiếng nhất là món “thịt trâu gác bếp” (một cách chế biến đặc biệt của món thịt trâu hun khói, gần nhất với món “beef jerky” của phương Tây).
Du khách đến các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai nhất định phải thử món ăn này để trải nghiệm được trọn vẹn nhất.
Thịt trâu gác bếp là đặc sản của người Thái Đen. Lo Van Thoa, một người dân ở huyện Mai Sơn, Sơn La, giải thích rằng hàng thế kỷ trước, tổ tiên của ông đã làm món ăn này cho những ngày mưa và những thời điểm khác khi họ buộc phải ở trong nhà.
“Từ xa xưa, tổ tiên tôi quan niệm nếu tẩm ướp rồi phơi khô thì thịt trâu, bò, lợn sẽ để được lâu hơn, có mang lên rừng ăn vài ngày cũng không sợ thịt bị ôi thiu,” ông kể.
Thịt trâu gác bếp là một món tốn nhiều thời gian chế biến, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đầu tiên, người ta lấy một miếng thịt vai trâu hoặc thịt lưng và cắt nó thành những miếng nhỏ hơn. Sau đó, thịt được nêm thêm muối, ớt bột, gừng và hạt mắc khén rừng mọc ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Sau khi ướp khoảng 2 tiếng, những lát thịt được xiên vào que rồi treo lên gác bếp.
Thịt trâu được sấy từ từ bằng khói bếp, chuyển sang màu nâu sẫm nhưng bên trong vẫn giữ được màu đỏ tươi. Một thời gian sau, các xiên thịt được lấy xuống và món ăn sẵn sàng để thưởng thức.
“Chúng tôi thường làm món này để đãi khách hoặc dùng trong những dịp đặc biệt như Tết, cưới hỏi”, ông Thoa cho biết.
Các món ăn khác nhau có thể được làm từ thịt trâu gác bếp. Nhiều người thích ăn thịt trâu với muối tiêu chanh cay cay, nhâm nhi chén rượu ngô thơm nồng để tăng vị ngon. Vị mặn, ngọt, cay kết hợp với mùi khói khiến thịt trâu có hương vị rất độc đáo.
Độ ngon của thịt trâu gác bếp cũng đã được nhiều du khách Trung Quốc công nhận. Theo một bài viết trên trang Sina, thịt trâu gác bếp “tuy có nhiều công đoạn chế biến phức tạp nhưng chính vì vậy mà nó trở thành một món ngon mà kể cả các đặc sản khác cũng khó thể nào sánh bằng”.
Theo Sina, nếu tới vùng Tây Bắc Việt Nam du lịch, du khách có thể thưởng thức thịt trâu gác bếp khi uống rượu hoặc bia lạnh, “chỉ nghĩ tới thôi cũng ứa nước miếng”.
Vị mặn của hương vị kết hợp với vị ngọt của thịt và hương thơm của gia vị tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn này. Giữa không khí trong lành của núi rừng, ăn thịt trâu gác bếp và uống bia lạnh thì còn gì bằng – tác giả trên Sina viết.
Món rau rừng khác lạ
Ngoài thịt trâu gác bếp, một loại đặc sản khác của vùng Tây Bắc cũng “lọt vào mắt xanh” của du khách quốc tế, đó là rau dớn, hay còn được người Thái gọi là “pắc cút”.
Đây là loại rau thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, lá của nó cuộn lại thành hình giống như vòi voi. Loại rau này chỉ có ở vùng núi cao, mọc gần bờ suối, khe suối và những nơi có độ ẩm cao.
Loại rau này được coi là một phương thuốc thảo dược hữu ích trong việc chữa ho, cảm lạnh hoặc táo bón. Thời điểm tốt nhất để hái và ăn loại cây này là cuối mùa hè và cuối mùa xuân.
Để làm gỏi, người dân địa phương hấp những cọng non trong nồi hấp bằng gỗ trong khoảng 20 phút. Sau khi nấu chín, chúng được đặt trong một bát lớn và nêm các loại gia vị khác nhau bao gồm chanh, ớt, gừng và muối. Sau đó chúng được trộn với đậu phộng giã nhỏ.
Món ăn tuy đơn giản nhưng đã là niềm tự hào của người dân địa phương từ bao đời nay và xứng đáng là một cái tên sáng trong danh sách các món đặc sản khó quên của Việt Nam.
T.P