Tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có chiều dài gần 129km, với tổng mức đầu tư khoảng 25.571 tỷ đồng và do liên danh Vingroup – Techcombank đề xuất.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý có trong kết luận của Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) và dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình.
Cụ thể, đối với đự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án. Chính phủ lưu ý UBND tỉnh Thái Bình rà soát lại tổng thể phương án đầu tư bảo đảm tính đúng, tính đủ sát thực tế, khả thi, phù hợp với quy định; trong đó lưu ý dự toán công trình (suất vốn đầu tư).
Đối với đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình về việc tách đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình và giao tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công và đề xuất phương án nghiên cứu đầu tư đoạn trên địa bàn tỉnh Nam Định – Thái Bình theo phương thức đối tác công – tư, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương liên quan tính toán lại phương án bảo đảm hiệu quả, khả thi, đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2023.
Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các nhà tư vấn tăng tỷ lệ thu xếp vốn của nhà đầu tư tham gia dự án, đảm bảo phần vốn góp của nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư (phân kỳ từ nay đến năm 2025).
Tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình có chiều dài dự kiến khoảng 88km. Theo đề xuất trước đó, tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.080 tỷ đồng.
Hồi tháng 7/2022, Geleximco đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tập đoàn này là nhà đầu tư quan tâm và lập đề xuất báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình. Đồng thời hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến cao tốc trên và làm việc với các địa phương có dự án theo đúng các quy định của pháp luật.
Với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án.
Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong đó nhà nước đầu tư góp vốn dưới 10.000 tỷ đồng; nghiên cứu đầu tư giai đoạn l với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh để bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có chiều dài gần 129km, thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Tây, dự kiến giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền. Khái toán tổng mức đầu tư của dự án khoảng 25.571 tỷ đồng.
Đầu tháng 5/2022, liên danh Vingroup – Techcombank đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện dự án đầu tư tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP và đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận giao chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Để sớm tổ chức triển khai các dự án có hiệu quả thiết thực, Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh đường cao tốc phải có quy mô tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tránh lãng phí, khó khăn khi đầu tư mở rộng. Phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh.
Chính phủ đề nghị các địa phương rà soát các nội dung của dự án để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định (trong đó có việc chuyển đổi đất rừng, đất lúa,…); chuẩn bị mỏ vật liệu để giao trực tiếp cho các nhà đầu tư, nhà thầu phục vụ thi công dự án, xử lý nghiêm các trường hợp giao mỏ không đúng đối tượng, đầu cơ, nâng giá vật liệu; hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4/2023.
T.P