Ưu thế sức mạnh một quốc gia trong một khu vực căn cứ nhiều yếu tố, trong đó, số lượng căn cứ quân sự sở hữu hoặc có thể sử dụng là một tiêu chí quan trọng. Theo đó, Mỹ đang ngày một mạnh hơn nhờ có thêm “chân” trong khu vực Đông Nam Á.
Cho tới tận cuối chiến tranh thế giới thứ 2, cường quốc kinh tế và quân sự như Mỹ cũng chỉ có chưa tới 80 căn cứ quân sự bên ngoài. Nhưng, bắt đầu từ đó, những nhận thức mới trong tư duy sức mạnh quốc gia thời kỳ chiến tranh lạnh, và sau đó, đã khiến tốc độ mở rộng căn cứ quân sự ngoài nước Mỹ tăng chóng mặt. Tới năm 2000, theo thống kê của các chuyên gia và dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, số căn cứ quân sự ở nước ngoài của siêu cường số 1 này đã lên tới trên 800. Con số đó kéo theo “công ăn việc làm” của khoảng 25.000 binh sĩ và nhà thầu dân sự phục vụ tại hơn 150 quốc gia. Về binh sĩ, tại Hàn Quốc đã có 30.000 binh sĩ; Nhật Bản có 60.000, tương đương số lượng quân nhân triển khai tại Châu Phi. Ngoài ra, Washington còn đưa hàng chục nghìn binh sĩ tới ém tại Trung Đông, Tây Âu và nhiều vùng, khu vực khác.
Chi phí xây dựng, duy trì, bảo vệ căn cứ cũng như chi phí nuôi quân tại hơn 800 căn cứ này là vô cùng tốn kém. Bên cạnh đó, còn là chi phí cho các chiến dịch quân sự đặc biệt chống khủng bố, nhất là sự vụ nước Mỹ bị khủng bố tấn công, Trung tâm Thương mại tại New York bị sụp đổ…
Tuy nhiên, sự tốn kém đó chỉ khiến Mỹ do dự nhất thời với cái gọi là “Kế hoạch là rời khỏi các cuộc chiến bất tận, đem binh sĩ của chúng ta về nhà, không làm nhiệm vụ trị an trên khắp thế giới nữa” của tổng thống Trump. Ngay sau đó, cũng chính ông chủ Nhà trắng luôn thay đối, ứng biến khó lường này mở thêm nhiều nhiều các căn cứ quân sự ở Afghanistan, Estonia, Cộng hòa Síp, Đức, Hungary, Iceland, Israel, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Niger, Na Uy, Palau, Philippines, Ba Lan, Romania, Ả Rập Xê Út, Slovakia…
Biết là Mỹ bành trướng, nhưng cái nghèo khiến Trung Quốc đành phải “hèn”. Bắc Kinh không thể làm gì khác, ngoài việc nhìn Mỹ làm mưa làm gió trong sự đố kỵ tức tối. Mãi mươi lăm năm gần đây, khi thế nước đã thịnh, Bắc Kinh mới trợn mắt gầm gừ tranh chấp ảnh hưởng với Washington, mơ về thời điểm lật đổ vị trí siêu cường của Mỹ.
Cùng với chạy đua về tăng cường sức mạnh quân sự, Bắc Kinh cũng bắt đầu lần mò tìm kiếm các căn cứ ngoài đại lục để đặt chân, trong đó, những bước đi quyết đoán của nhà ngoại giao cáo già Vương Nghị tới các đảo quốc Nam Thái Bình dương có thể coi là thí dụ điển hình cho tham vọng đại bá của Trung Nam Hải. Không thể khác, những động thái, bước đi quyết liệt, không che giấu mục tiêu và tham vọng của Bắc Kinh đã và đang khiến Washington cùng các đồng minh phương Tây lo lắng, vắt óc tìm kễ chế ngự…
Trong các kế sách đối phó, cùng với giữ vững và tăng cường căn cứ trên các địa bàn toàn cầu, Mỹ đặc biệt chú trọng khu vực Đông Nam Á. Không thế sao được khi Washington coi đây là khu vực trung tâm trong chiến lược cạnh tranh với một Trung Quốc đang nổi máu tham tới mức điên cuồng.
Nhiều người còn nhớ, từ cách đây hơn 10 năm, tờ Washington Post số ra ngày 23/06/2012, từng có bài phân tích rằng: trong bối cảnh chính quyền Obama thay đổi chiến lược châu Á để đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc, giới quân sự Mỹ đang tính đến việc quay trở lại một số căn cứ Đông Nam Á từng được Mỹ sử dụng trong thời chiến tranh Việt Nam; các quốc gia Thái Lan, Việt Nam và Philippines đang thận trọng tỏ ý muốn đón Hoa Kỳ quay trở lại.
Dẫn chứng, tờ báo lớn của Mỹ này nêu những chuyến ngoại giao con thoi của nhiều quan chức cao cấp Mỹ tới các quốc gia trên.
Thời gian cho thấy, nhận định của Washington Post là có cơ sở, nhất là với trường hợp Philippines, quốc gia có lịch sử gắn bó nhiều nhất với Mỹ trong số các quốc gia Đông Nam Á.
Hai năm trước, hoan hỷ trước quyết định Philippines tiếp tục gia hạn Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA), tạo điều kiện cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, Bộ trưởng Lục quân Mỹ, bà Christine Wormuth đã “thò” ra ý: “Chúng tôi rất mong muốn có thể mở rộng khả năng tiếp cận và sắp xếp căn cứ quân sự nhiều hơn tại Đông Nam Á. Nếu làm được điều này, chúng tôi sẽ có sự dàn trải, linh hoạt hơn nhiều”.
Quan ngại về những hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột và sự cần thiết phải tránh nguy cơ của một “Chiến tranh Lạnh lần thứ hai”, trong phát biểu, tuy bà Wormuth nhấn mạnh sự cần thiết duy trì các đường dây liên lạc với Bắc Kinh, nhưng giới chuyên gia quốc tế thừa hiểu, cái gọi là sự “dàn trải, linh hoạt” mà bà Wormuth nhắc đến chẳng là gì khác ngoài hàm ý Mỹ sẽ có nhiều chỗ đứng chân hơn nữa tại khu vực này để ngăn chặn Trung Quốc.
Thoái trào vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte, tới thời ông Ferdinand Marcos Jr, quan hệ Philippines – Trung Quốc trở nên căng thẳng. Thừa biết Philippines muốn gì, chính lúc này, Mỹ áp lại, chìa tay ra cho ông bạn đồng minh từng có lúc phụ bạc mình để đặt niềm tin ấu trĩ và hời hợt vào người láng giềng phương Bắc. Từ đó, những cuộc tập trận chung được nối lại, gia tăng tần suất, trong đó, gần đây nhất là cuộc tập Philippines – Mỹ có quy mô lớn nhất trong vòng 8 năm qua. Không chỉ tập trận chung giữa Philippines và Mỹ, Philippines còn tập trận chung với các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc, bất chấp phản ứng gay gắt của Trung Quốc.
Chưa dừng lại, người đứng đầu Philippines như đang trong cơn hưng phấn về sự hồi sinh quan hệ của nước này với Mỹ. Đầu tháng 2 năm nay, ông cùng với phía Mỹ hoan hỷ với một thỏa thuận cho phép các lực lượng tiếp cận 4 căn cứ quân sự – thỏa thuận khiến bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nức lòng, thì chỉ hơn tháng sau, vào ngày 22/3, con số này đã nâng thành 5. Hể hả ra mặt, người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ John Kirby, ngay lập tức, đã nhấn mạnh thỏa thuận với Philippines cho thấy “Mỹ thực sự nghiêm túc về vấn đề tái cân bằng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Cân bằng với ai? Ai là đối trọng với Mỹ? Còn ai khác ngoài Trung Quốc.
Sự nâng cấp số lượng cấp tốc căn cứ quân sự Mỹ được tiếp cận khiến dư luận nhận định: Với việc Mỹ đang ngày càng “thêm tay, thêm chân” tại khu vực Đông Nam Á, nếu không thực sự “mất” Philippines vào tay Washington, thì Bắc Kinh cũng đang đối mặt thêm chồng chất khó khăn, thách thức trong âm mưu hiện thực hóa “đường 9 đoạn” phi pháp trên Biển Đông.
T.V