Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChuyện ít biết về pho tượng từng bị đòi kiểm tra hộ...

Chuyện ít biết về pho tượng từng bị đòi kiểm tra hộ chiếu

Bức tượng cố Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ đặt tại chùa Quán Sứ khiếп nhiều phật tử không khỏi ngạc nhiên khi có tạo hình chân thực, giống y chang người thật từ làn da, mái tóc, đôi mắt đến từng sợi gân tay, sợi lông mày…

Bức tượng cố Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ đặt tại chùa Quán Sứ khiếп nhiều phật tử không khỏi ngạc nhiên khi có tạo hình chân thực, giống y chang người thật.

Pho tượng từng bị đòi kiểm tra hộ chiếu vì y như người thật ở chùa Quán Sứ

Vào một chiều cuối tháng 3, chị Nguyễn Thanh Nga (ở Nam Định) cùng một số bạn bè ghé chùa Quán Sứ, Hà Nội, vãn cảnh, cầu mong bình an. Ghé đến gian Quan âm chùa Quán Sứ, chị Nga cùng mọi người không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy pho tượng Hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tạo hình chân thực, giống y hệt người thật từ làn da, mái tóc, sợi gân tay, lông mày, đôi mắt đầy biểu cảm… Hoà thượng Thích Thanh Tứ từng trụ trì ở chùa Quán Sứ. Pho tượng có kích cỡ như người thật.

“Ban đầu khi vào chùa chiêm bái tôi cùng mọi người không khỏi ngạc nhiên khi thấy pho tượng của Hoà thượng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì quá giống người thật. Tôi tiến lại gần nhìn từ ánh mắt, sợi tóc và vân tay chân tượng sáp đều chân thực đến từng cm. Không những tôi cùng bạn bè mà nhiều du khách cũng rất ngạc nhiên”, chị Nga cho hay.

Theo Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tượng được đưa về chùa vào dịp lễ Tiểu tường – một năm ngày hoà thượng viên tịch (Hòa thượng Thích Thanh Tứ viên tịch ngày 26/11/2011).

Thượng toạ Thích Đức Thiện cho biết, tượng được làm tại Thái Lan trong một năm. Đây là thành quả của các tăng, ni, phật tử Thái Lan hiến tặng. Họ từng có tâm nguyện này từ năm 2008 nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc tại Hà Nội. Năm đó đoàn Phật giáo Thái Lan đã đến thăm chùa Quán Sứ và gặp hoà thượng Thích Thanh Tứ.

“Qua nhiều lần thử từ đất sét đến thạch cao, cuối cùng tượng được nặn bằng sáp. Hôm chuyển về pho tượng đầu tiên, khi qua cửa kiểm soát nhân viên an ninh làm thủ tục đề nghị cho xem hộ chiếu của nhà sư còn lại vì tưởng pho tượng là người thật “, Thượng toạ Thích Đức Thiện nói.

Những người thợ làm tượng phóng to ảnh của Hoà Thích Thanh Tứ để quan sát tỉ mỉ từng chi tiết. Một điểm độc đáo của pho tượng này là tóc thật của Hoà thượng Thích Thanh Tứ khi còn sống đã được sử dụng để gắn lên tượng sáp. Trong quá trình làm tượng, những người thợ ở Thái Lan đã phải lấy kim để cắm từng sợi tóc thật lên bức tượng.

Trong suốt quá trình làm tượng, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn đã ở lưu trú lại Thái Lan nhiều ngày để hướng dẫn những người thợ làm đúng vị trí của từng nếp nhăn, vết đồi mồi, gân chân, gân tay… Từ khi lên ý tưởng đến lúc hoàn thành pho tượng là một năm.

Ngày đưa bức tượng từ Thái Lan về Việt Nam, do không thể vận chuyển bằng đường hàng không nên đoàn rước tượng phải di chuyển bằng ô tô qua Lào và chuyển về theo cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Thầy Thích Thanh Tuấn kể lại, khi qua cửa khẩu ở Lào, nhân viên hải quan nhìn thấy một vị hòa thượng ngồi tụng kinh trên xe nên bắt đoàn dừng lại. Họ yêu cầu lí giải, tại sao đoàn có 5 người mà chỉ có 4 hộ chiếu, yêu cầu xuất trình hộ chiếu để kiểm tra an ninh. Sau khi thành viên trong đoàn giải thích, nhân viên hải quan sửng sốt khi biết vị hòa thượng ngồi trên xe chỉ là một bức tượng sáp.

Cuộc đời vì Phật pháp của cố Hoà thượng Thích Thanh Tứ
Cố Hoà thượng Thích Thanh Tứ là thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; nguyên Ðại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, XII; Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam…

Năm 1932, Hoà thượng xuất gia tu học tại chùa Nho Lâm, huyện Kim Ðộng, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1946 – 1973: Tham gia Ban Chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Hưng Yên; tham gia lực lượng vũ trang thuộc Tỉnh đội Hưng Yên, bị địch bắt và tù đày tại nhà tù Hỏa Lò, tham gia công tác tại địa phương.

Từ năm 1973 – 1980: Tham gia là Ủy viên Ban Trị sự Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Phó Thư ký Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Từ năm 1981 – 1997: Là Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng I Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ năm 1997 đến nay: Phó Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Ðại biểu Quốc hội khóa XI, khóa XII…

Hòa thượng Thích Thanh Tứ là một vị cao tăng có uy tín lớn trong tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước. Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Hòa thượng đã tích cực tham gia và ủng hộ cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Với cương vị Phó Thư ký Ban Vận động Thống nhất Phật giáo, Hòa thượng đã có đóng góp to lớn vào việc thống nhất chín tổ chức, hệ phái Phật giáo và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trên cương vị trong Giáo hội và ngoài xã hội, với uy tín, năng lực của mình, Hòa thượng luôn kiên định phương châm hành đạo: “Ðạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, có đóng góp lớn trong việc kiện toàn, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, nhất là đối với Phật giáo các tỉnh phía bắc.

Hòa thượng là người tích cực vận động, lãnh đạo tăng ni, phật tử hoạt động tôn giáo theo đúng chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tham gia các hoạt động xã hội, có đóng góp lớn xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, xây dựng và tăng cường khối đoàn kết đạo – đời, đoàn kết giữa các tôn giáo Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới