Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga có đưa chiến lược Syria đến bán đảo Triều Tiên để...

Nga có đưa chiến lược Syria đến bán đảo Triều Tiên để “khóa” TQ?

Học giả Trung Quốc Na Tiểu Binh ngày 16/3 đã có bài bình luận về khả năng điều chỉnh chiến lược của Nga ở Đông Bắc Á, sau khi rút quân khỏi Syria.

(Ảnh minh họa)

Nga thành công ở Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/3 đã ra lệnh rút quân khỏi Syria.

Theo Na Tiểu Binh, tỷ lệ không nhỏ trong dư luận Trung Quốc nhận định Nga rút lui do không thể duy trì cuộc chiến tranh cục bộ này, nhưng đó không phải là nguyên nhân chủ yếu.

Về mặt quân sự, Nga đã “khoe” được sức mạnh của các loại vũ khí hiện đại, bao gồm tên lửa hành trình và ít nhất không thua kém Mỹ.

Về ngoại giao, Moscow cũng tương đối thành công khi vai trò của họ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria được thừa nhận.

“Nga sáp nhập Crimea, mở ra con đường thông xuống biển Đen, đồng thời bảo vệ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hai diễn biến này thể hiện rõ chiến lược ‘Nam tiến’ của Nga,” Na Tiểu Binh bình luận.

Các bước tiến của Nga dần tạo thành vòng vây đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được xem là “vật cản” trên đường xuống phía Nam của Moscow trong 300 năm qua.

Với việc Nga đã có căn cứ ở Syria làm “bàn đạp”, Ankara sẽ phải cảnh giác hơn trước các động thái của Moscow ở biển Đen trong tương lai.

Theo Na Tiểu Binh, từ góc độ chiến lược, Nga đã “vượt mặt” Thổ Nhĩ Kỳ để chiếm thế thượng phong ở Syria, đồng thời buộc Mỹ phải nghiêm túc hơn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS).

Kết quả hiện nay là Moscow đã giành được quyền kiểm soát vị trí “yết hầu” trên đường ống dẫn dầu từ Vịnh Ba Tư tới châu Âu, một trong những tác nhân trọng yếu giúp nước này trở lại thế chủ động trong cuộc chiến giá dầu.


Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội kiến Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 11/3. (Ảnh: Kremlỉn.ru)

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội kiến Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 11/3. (Ảnh: Kremlỉn.ru)

Moscow nên đưa “mô hình Syria” đến bán đảo Triều Tiên?

Ông Na Tiểu Binh phân tích, tương tự tình hình Trung Đông, Triều Tiên đóng vai trò như “Syria phương Đông” đối với Nga. “Vật cản” giữa Nga với Bình Nhưỡng không phải Thổ Nhĩ Kỳ, mà là Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc về cơ bản vẫn là nước có lập trường không quá đối lập với Nga và thường đồng thuận với Moscow trong các vấn đề quốc tế lớn, đồng thời hai nước vẫn duy trì quan hệ hòa dịu kể từ khi Xô-Trung bình thường hóa quan hệ vào năm 1989.

“Vấn đề quan trọng là cục diện địa chính trị khu vực chứ không phải tình trạng quan hệ Nga-Trung hiện tại.

Địa chính trị mới là lợi ích cốt lõi mà hai bên quan tâm và theo đuổi về mặt chiến lược, trong khi quan hệ láng giềng chỉ là nội dung ở bình diện chiến thuật, có thể thay đổi theo cục diện quốc tế,” ông Na viết trên Phượng Hoàng.

Xuất phát từ cơ sở này, quan điểm của Nga hoàn toàn khác so với Mỹ và cả Trung Quốc. Moscow không chỉ cần thị trường Trung Quốc, mà cần cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á. Đa phương hóa xuất khẩu từ lâu vẫn là mục tiêu Nga theo đuổi.

Bất kể Bình Nhưỡng “ngả” theo Mỹ hay Trung Quốc, thì đều đồng nghĩa với Nga sẽ không thể có được tuyến đường tối ưu để vận chuyển dầu khí tới Hàn Quốc.

Na Tiểu Binh chỉ ra, bài toán của Tổng thống Putin là khiến Triều Tiên duy trì quan hệ phụ thuộc ở mức độ hiện tại vào Nga – tức Triều Tiên độc lập và không chống lại Nga, nhưng không cần phải viện trợ quy mô lớn như Trung Quốc đang làm.

Ngoài ra, Nga cũng không muốn phải điều động lực lượng như Mỹ để tăng cường hiện diện ở Đông Bắc Á.

“Moscow cần phải cùng Bình Nhưỡng xây dựng một mối quan hệ hợp tác ‘lặng lẽ’, không ‘đụng chạm’ Bắc Kinh và không kích động Washington.

Mô hình Nga đã thực hiện ở Syria có thể là sự lựa chọn hợp lý cho chính sách Đông Bắc Á của nước này. Bởi nếu cả Nga cũng cứng rắn với Triều Tiên thì có thể làm căng thẳng leo thang không kiểm soát được.

Tốt nhất là phải để một ‘lối ra’ cho Bình Nhưỡng.”


Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tổ chức cuộc tập trận trên biển quy mô lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của 300.000 quân nhân Hàn Quốc và 17.000 lính Mỹ. (Ảnh: Huanqiu)

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tổ chức cuộc tập trận trên biển “quy mô lớn nhất trong lịch sử” với sự tham gia của 300.000 quân nhân Hàn Quốc và 17.000 lính Mỹ. (Ảnh: Huanqiu)

Không khó nhận thấy, Nga đã cố gắng duy trì cục diện cân bằng ở bán đảo Triều Tiên khi không đồng ý ngay việc biểu quyết thông qua nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng ở Hội đồng bảo an LHQ hôm 1/3, mà yêu cầu “nghiên cứu thêm”.

Động thái này, theo sau việc Mỹ-Trung đạt thỏa thuận trừng phạt Triều Tiên, là một bước đi khôn khéo của Putin.

Ông Na bình luận, trong trường hợp Mỹ-Trung tiến tới bắt tay “cưỡng chế” Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa, Nga có khả năng trở thành trung gian hòa giải và đưa ra giải pháp của mình, thay cho cơ chế Đàm phán 6 bên mà Bắc Kinh khởi xướng trước đây.

Nếu Triều Tiên “mở cửa” với Nga giống như Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã làm, Moscow có thể “tiếp quản” các dự án vũ khí hạt nhân và cung cấp “ô bảo hộ” cho nước này. Đặc biệt, Triều Tiên cũng không cần lo ngại khả năng quân đội Trung Quốc tiến vào.

“Nga hiện là nước lớn có sự hiện diện yếu nhất ở Đông Bắc Á, và cũng là nước lớn mà Triều Tiên ít phải e ngại nhất.

Các ràng buộc của Moscow đối với Bình Nhưỡng không nhiều và vẫn duy trì không gian tồn tại cơ bản cho Triều Tiên mà không ảnh hưởng tới các vấn đề nội bộ hay xu hướng phát triển của nước này.

So với Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc, Nga cũng là nước mà Triều Tiên dễ tiếp xúc nhất vào thời điểm hiện tại. Điều này rất giống với điều kiện mà Syria phát triển quan hệ với Nga,” Na Tiểu Binh đánh giá.

Việc Nga tìm ra cách tiếp cận hợp lý trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên chắc chắn không khiến Trung Quốc hài lòng, nhưng Bắc Kinh không thể công khai phản đối Nga khi vẫn cần sự ủng hộ của Moscow.

Thêm vào đó, một âm mưu thiết lập Liên minh chính trị mới dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, bao gồm Afghanistan, Pakistan và Tajikistan, hòng thay thế Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga chủ đạo, mới đây đã được báo chí Nga tiết lộ.

Trong Liên minh an ninh mới này, Trung Quốc lôi kéo cả Tajikistan, nước mà Nga gần đây vẫn cho là đang nằm trong vòng ảnh hưởng của Moscow. Đây chính là điều đầu tiên, thể hiện “sự không hiểu biết lẫn nhau” giữa Trung Quốc và Nga.

“Bất kể Trung Quốc và Mỹ có xích lại gần nhau bao nhiêu về vấn đề Triều Tiên thì cũng không giải tỏa hết bất đồng giữa hai nước này. Đây là cơ hội không thể phủ nhận để Nga bước lên giành tiếng nói ở Đông Bắc Á,” Na Tiểu Binh kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới